SEA Games 30: Thành bại... tại bóng đá!

04/10/2019 19:10 GMT+7 | SEA Games 2019

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng cục TDTT vừa trình Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch danh sách đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự SEA Games 30 đông kỷ lục với 857 thành viên, với mục tiêu giành 65-70 HCV để lọt vào Top 3 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc. Tuy nhiên, giống như nhiều kỳ SEA Games trước, nếu đội tuyển U22 Việt Nam không giành được tấm HCV bóng đá nam, thì lại là một kỳ đại hội không trọn vẹn.

Ngày 15/10 bốc thăm chia bảng môn bóng đá nam SEA Games 30

Ngày 15/10 bốc thăm chia bảng môn bóng đá nam SEA Games 30

Theo thông tin từ Ủy ban Olympic Việt Nam, môn bóng đá và các môn thể thao thi đấu đồng đội trong chương trình SEA Games 30 tại Philippines sẽ diễn ra vào ngày 15/10. Và khả năng rất cao có thể xảy ra, U22 Việt Nam sẽ tái ngộ kình địch Thái Lan ở vòng đấu bảng.

Top 3 là quan trọng…

Không phải ngẫu nhiên, đoàn TTVN lại mang tới Philippines một số lượng thành viên đông ở mức kỷ lục từ trước tới nay với 857 thành viên. Tất cả phục vụ cho mục tiêu lọt vào Top 3 trên bảng tổng sắp huy chương như 8 kỳ đại hội gần đây kể từ năm 2003. Thực tế cho thấy, SEA Games dù không phải đấu trường mà TTVN dành mọi nguồn lực đầu tư để chinh phục nhưng cũng không thể bỏ mặc và không chứng minh được thành tích.

Với chu kỳ 2 năm 1 lần, diễn ra xen kẽ giữa ASIAD và Olympic, các cuộc thi đấu ở SEA Games vẫn tạo nên tác động tích cực về mặt chuyên môn cho VĐV, HLV. Dưới góc độ quản lý, TTVN vẫn được hưởng lợi từ nguồn lực đầu tư cho SEA Games bao gồm công tác tập huấn, thi đấu nước ngoài và chế độ đãi ngộ, chăm sóc cho các VĐV. Thế nên, SEA Games không phải là gánh nặng cho TTVN nếu ngành thể thao khai thác các cuộc thi đấu ở SEA Games một cách đúng đắn nhằm làm bàn đạp cho ASIAD và Olympic. SEA Games chỉ thực sự là gánh nặng, nếu như chúng ta mải chạy theo thành tích, đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm chỉ để giành HCV ở những môn không có trong chương trình thi đấu tại ASIAD hay Olympic.

SEA Games 30 diễn ra trước thềm Olympic 2020 và đấu trường này được coi là thuốc thử cho khả năng giành vé vượt qua vòng loại đối với các môn thể thao, các VĐV đang trong quá trình tìm kiếm cơ hội tới Tokyo. Thành công ở SEA Games ở các môn thể thao Olympic cũng là sự khẳng định đầu tiên cho năng lực của các tuyển thủ trước khi nghĩ đến chuyện giành vé dự Thế vận hội. Ở rất nhiều môn thể thao như bơi, điền kinh, bắn súng, cử tạ, thể dục, đua thuyền, cầu lông, bóng bàn… mà TTVN đã từng có vé dự Olympic hay giành được thành tích khả quan tại ASIAD, hơn lúc nào hết, giới chuyên môn tiếp tục họ sẽ thi đấu thành công tại SEA Games.

Chú thích ảnh
Thành công của đoàn TTVN tại SEA Games 30 chỉ thực sự trọn vẹn nếu giấc mơ Vàng bóng đá nam thành hiện thực. Ảnh: TTXVN

Tính từ danh sách 66 tuyển thủ ở 18 môn thể thao được đầu tư trọng điểm từ nhiều năm qua, nếu đa phần trong số này giành được HCV hoặc khẳng định trình độ đứng đầu khu vực, TTVN hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu giành từ 65-70 HCV. Vậy nên dưới góc độ chuyên môn, việc lọt vào Top 3 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc với TTVN không còn là mục tiêu, mà nó giống như một nhiệm vụ có vai trò quan trọng về mặt chuyên môn với từng VĐV, từng HLV, từng môn và với cả ngành thể thao.

… thành bại tại đội tuyển U22

Sau 8 kỳ SEA Games liên tiếp đứng trong nhóm 3 đoàn thể thao hàng đầu khu vực Đông Nam Á, TTVN đã có vị thế nhất định và vị thế này đang không ngừng được củng cố thông qua thành tích cụ thể ở các kỳ Olympic và ASIAD gần đây. Bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo cũng gây được tiếng vang lớn trên đấu trường khu vực và châu lục. Vậy nên đến thời điểm này, đòi hỏi và kỳ vọng của người hâm mộ về thành tích của đội tuyển U22 Việt Nam ở đấu trường SEA Games cũng lớn hơn rất nhiều so với các kỳ đại hội trước.

Hơn lúc nào hết, tất cả đều đang chờ đợi đội tuyển U22 Việt Nam sẽ giành tấm HCV SEA Games đầu tiên trong lịch sử kể từ khi TTVN hội nhập trở lại với vũ đài quốc tế. Cơ sở để đặt ra kỳ vọng này bắt nguồn từ những thành tích khả quan trong 2 nằm gần đây, sự đầu tư và quan tâm từ nhiều nguồn lực khác nhau trong toàn xã hội, sự ủng hộ to lớn từ hàng chục triệu người hâm môn nước nhà. Bên cạnh đó là việc HLV Park Hang Seo đang sở hữu trong tay một dàn cầu thủ tài năng đang bước vào độ chín chuyên môn và có đủ kinh nghiệm thi đấu ở các sân chơi lớn.

Nói một cách khác, U22 Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi từ chủ quan và khách quan để hiện thực hóa giấc mơ Vàng SEA Games còn dang dở kéo dài hơn nửa thế kỷ. Cũng giống như nhiều môn thể thao khác của TTVN, đã đến lúc, U22 Việt Nam cũng cần khẳng định năng lực và vị thế tại SEA Games trước khi tính toán đến các mục tiêu vươn tầm ra ngoài khu vực. Giành vé dự Olympic 2020 dưới một góc nào đó không phải giấc mơ xa vời hay nhiệm vụ bất khả thi với thầy trò HLV Park Hang Seo nếu nhìn từ vị thế đương kim á quân châu lục của U23 Việt Nam nhưng trước tiên, hãy chứng minh điều đó ngay từ cuộc thi đấu ở SEA Games 30.

Trong quá khứ, sau hàng loạt thất bại ở môn bóng đá nam, không ít người trong đó có cả những quan chức thể thao từng thốt lên rằng, giá có thể đánh đổi rất nhiều HCV ở SEA Games chỉ để lấy 1 tấm HCV bóng đá nam, họ cũng sẵn sàng đánh đổi. Thế mới thấy, tấm HCV bóng đá nam SEA Games nó có giá trị như thế nào với TTVN và người hâm mộ nước nhà. Điều đó, đến nay vẫn chưa hề thay đổi.

Vậy nên, nói thành bại tại của đội tuyển U22 cũng là thành bại của đoàn TTVN tại SEA Games 30 là như thế.

Bốc thăm chia bảng SEA Games vào ngày 15/10

BTC SEA Games 30 đã ấn định thời gian tổ chức lễ bốc thăm các môn thi đấu đồng đội và thông báo tới toàn thể các quốc gia thành viên trong Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á. Với đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games, sẽ tham gia thi đấu ở 5 môn thể thao đồng đội bao gồm bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu mây và cầu lông.

Trước thềm lễ bốc thăm, thông tin nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận là đội tuyển U22 Việt Nam sẽ rơi vào bảng đấu nào. Theo thể thức đã công bố, các đội tham dự môn bóng đá nam SEA Games sẽ được chia làm 4 nhóm hạt giống. Cụ thể, nhóm 1 gồm chủ nhà Philippines và đương kim vô địch Thái Lan. Nhóm 2 gồm: Malaysia (HCB) - Indonesia (HCĐ). Nhóm 3 gồm: Myanmar (Hạng 4) - Việt Nam. Nhóm 4 gồm Singapore, Lào, Brunei, Timor Leste, Campuchia. Ngoài ra, BTC quy định mặc định, chủ nhà Philippines sẽ vào bảng A ở vị trí A1 và Thái Lan sẽ vào bảng B với vị trí B1. Các đội còn lại sẽ được bốc vào các bảng A hoặc B theo kết quả bốc thăm cụ thể ở từng nhóm.

Với cách thức này, chỉ có 2 khả năng xảy ra, U22 Việt Nam hoặc sẽ nằm chung bảng với Thái Lan hoặc với chủ nhà Philippines và dù khả năng nào xảy ra, cũng sẽ đem đến ít nhiều thử thách cho thầy trò HLV Park Hang Seo. Ngoài ra, với 11 đội bóng tham dự được giữ nguyên như đăng ký sơ bộ, sẽ có một bảng đấu gồm 6 đội (bảng B) và 1 bảng đấu gồm 5 đội (bảng A). Trong trường hợp U22 Việt Nam rơi vào bảng A sẽ được thi đấu ít hơn 1 trận và không tái ngộ với kình địch Thái Lan ở vòng đấu bảng.

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC HẬU GIANG

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm