Ông Chung Tấn Phong -Trưởng Bộ môn Thể thao dưới nước TP.HCM: 'Tôi rất buồn vì thông tin đoạn kết buồn của Kim Tuyến'

15/12/2015 06:28 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa năm 2012, Kim Tuyến đã đề xuất nguyện vọng thôi nghiệp VĐV. Nhưng sau khi có lời khuyên giải, em ấy tiếp tục ở lại để giúp bộ môn bơi TP.HCM. Bây giờ, Kim Tuyến đã cảm thấy giới hạn của mình và xin nghỉ là chuyện bình thường”, ông Phong chia sẻ.

Nhắc tới bơi TP.HCM, một trong những cái tên người ta nghĩ đến đầu tiên là Nguyễn Thị Kim Tuyến. Cô gái Vàng của thể thao TP.HCM đã có tới hàng trăm tấm huy chương từ giải trẻ đến VĐQG. Nhưng từ cái ngày cái tên Nguyễn Thị Ánh Viên nổi lên, tất cả đã thay đổi.

Muốn nghỉ thi đấu vì Ánh Viên

Mở màn câu chuyện khi được hỏi về một trong những VĐV nữ tài năng nhất của bộ môn bơi TP.HCM, ông Phong chia sẻ: “Tôi có nói chuyện với Kim Tuyến sau khi đọc được bài báo nói rằng em Tuyến có đoạn kết buồn sau đời VĐV. Tôi nói với em ấy tôi cũng rất buồn và không biết em chia sẻ những gì để cuối cùng quy kết như thế.

Kim Tuyến đến tập ở Trung tâm Yết Kiêu từ năm 8 tuổi, bắt đầu nghiệp VĐV chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi. Kim Tuyến là một trong những tài năng của bơi lội TP.HCM, và em nhận được đầy đủ những gì tốt nhất của chương trình thế hệ vàng của thể thao TP.HCM.

Khi còn trong độ tuổi đỉnh cao, Kim Tuyến liên tục được du học tập huấn ở Australia rồi sau đó đi Mỹ. Khi kinh tế khó khăn phải cắt giảm nhiều, em vẫn được gửi đi Trung Quốc tập đều đặn để nâng cao khả năng”.

Nằm trong chương trình đào tạo VĐV thế hệ Vàng của thể thao TP.HCM, bản thân Kim Tuyến cũng có đẳng cấp nên thu nhập của Kim Tuyến thời đỉnh cao cũng không đến nỗi nào. Khi tập trung ĐTQG hoặc có thành tích quốc nội hay khu vực, số tiền Kim Tuyến nhận được không dưới 10 triệu đồng/tháng so với khi bình thường khoảng hơn 7 triệu đồng.

Ông Phong cho biết: “Giữa tháng 6/2012, khi Kim Tuyến trở về từ chuyến tập huấn ở Mỹ, em ấy đã có ý định thôi theo nghiệp VĐV. Lý do là bởi ảnh hưởng quá lớn của Ánh Viên. Ánh Viên hay quá, lại trẻ hơn Kim Tuyến 2 tuổi. Nhận thấy khả năng không thể tiến thêm, thành tích cải thiện chậm nên tư tưởng em không tốt, từ đó mất luôn cả động lực phấn đấu. Trong thể thao đỉnh cao, cái đầu là yếu tố quyết định tất cả. Khi mình tập với tư tưởng dẫn đầu thì nó sẽ khác khi tập với tư tưởng tập mãi cũng thua kém người ta”.

Trước Ánh Viên, Kim Tuyến được ví như xuống nước là lấy HCV ở các giải VĐQG. Nhưng khi xuất hiện kình ngư gốc Cần Thơ, Kim Tuyến đã không thể là số 1. Từ vị thế cao nhất, cô gái TP.HCM phải chấp nhận lùi xuống phía sau và Kim Tuyến không thể cạnh tranh thành tích tốt nhất ở các giải quốc tế lẫn trong nước. Có thể nói chuyến đi Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, thể chất… khiến Kim Tuyến mất đi động lực.

“Nghe Kim Tuyến trình bày nguyện vọng, tôi đã động viên rất nhiều. Tôi nói em mới 18 tuổi, đã nhận được rất nhiều sự đầu tư của Nhà nước nhưng đóng góp chưa được lâu. Hơn nữa, tôi phân tích tình hình bơi TP.HCM hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc 2014 sẽ rất khó khăn bởi sự trỗi dậy của Quý Phước phía Đà Nẵng và Ánh Viên của Quân đội. TP.HCM chỉ có Kim Tuyến và Tâm Nguyện là 2 VĐV nữ nổi bật. Do đó, TP.HCM cần em cho đến hết Đại hội 2014 rồi sau đó tôi sẽ duyệt cho em giải nghệ. Nghỉ ngang khi 18 tuổi là uổng phí, ví như mình đã bỏ cuộc. Nếu đóng góp được cho thể thao TP.HCM ở Đại hội là trọn vẹn đôi đường. Đó cũng là lúc em 20 tuổi, trong khi thời đỉnh cao VĐV bơi ở nữ là 20 đến 22 tuổi, nghỉ như thế là đẹp. Tôi thừa nhận có thỏa thuận với em ấy như thế. Kim Tuyến chấp nhận tiếp tục đến bây giờ”, ông Phong kể.

Phương Trâm là niềm hy vọng của Việt Nam tại giải bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á

Phương Trâm là niềm hy vọng của Việt Nam tại giải bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á

Sáng 4/12, giải bơi vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á lần thứ 39 sẽ khai mạc tại Đà Nẵng. Tham dự giải có 262 VĐV thuộc các nhóm tuổi 13 trở xuống, 14-15 tuổi và 16-18 tuổi.


Sự tính toán của ông Phong đã cho ra kết quả. Ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Ánh Viên tham dự đến 20 nội dung và có cho mình đến 18 HCV. 2 nội dung còn lại ở nội dung đồng đội, kình ngư của Quân đội không thể cùng đồng đội đánh bại đơn vị TP.HCM. 2 HCV tiếp sức nữ mà TP.HCM giành được có phần đóng góp lớn của Kim Tuyến.

“Kim Tuyến nghỉ là bình thường”

Ông Phong nói tiếp: “Từ giữa năm 2012, Kim Tuyến đã mất hết động lực phấn đấu. Nhưng để duy trì đến năm nay với những thành tích cho TP.HCM cũng là cố gắng lớn của em ấy. Tôi có nói chuyện với Tuyến và việc em ấy nghỉ là bình thường chứ không phải là đoạn kết buồn gì cả. Tôi buồn khi đọc bài báo thấy chia sẻ của em như em đang bị đối xử hắt hủi vậy. Chúng tôi tính toán cho Tuyến từng đường đi nước bước. Bây giờ Kim Tuyến do có huy chương SEA Games thì được nhận thẳng vào Đại học, cũng có học thức như ai. Tuyến không thất học, không phải đi lao công, cắt cỏ như người khác.

Giờ em học ngày 2 buổi, phía quận 4 gần nhà em Tuyến nhận em ấy vào dạy bơi cho VĐV nhỏ tuổi để có thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng/tháng để trang trải học hành. VĐV chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ phải có lúc chấp nhận chuyện thành tích đi ngang rồi đi xuống chứ không có ai ở đỉnh cao mãi.

Cũng như con người bình thường, phải có sinh, lão, bệnh, tử. Khi không còn theo nghiệp VĐV chuyên nghiệp thì ai ai cũng phải trở về sống cuộc đời của con người bình thường. Ở đó có những quy luật cạnh tranh công bằng, khắc nghiệt chứ không có gì đơn giản cả”.

“Vừa rồi Kim Tuyến có mong muốn được vào làm ở Trung tâm Yết Kiêu. Tôi nói rõ với em là nếu muốn vào làm dạng biên chế thì theo quy định tuyển dụng phải có bằng Đại học, phải theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Em không đề cập chuyện vào làm thêm để có thu nhập trang trải học hành, nếu như vậy thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện ngay. Chúng tôi đã sắp xếp cho nhiều cựu VĐV vào làm kiếm thêm thu nhập ở đây. Tôi có khuyên em ấy hãy đi học xong Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM để trang bị hành trang kiến thức bài bản rồi về xin thầy sắp xếp cho công việc mới ở đây nếu còn đam mê.

Chắc chắn điều này sẽ dễ dàng hơn vì phía TP.HCM đã ghi nhận những đóng góp của Kim Tuyến cho thể thao thành phố. Tôi cũng muốn em ấy học để tích lũy kiến thức cần thiết chứ không có thầy nào giỏi mà không có bằng cấp, chỉ dạy bằng kinh nghiệm”, ông Phong nói thêm.

Nguyễn Thị Kim Tuyến từng lập kỳ tích cho bơi TP.HCM ở Đại hội TDTT toàn quốc 2010 khi cô gái sinh năm 1994 thâu tóm 11 HCV. Nhưng thành tích này vẫn không bằng VĐV Nguyễn Kiều Oanh, cũng VĐV của TP.HCM làm được năm 1990 khi Kiều Oanh chinh phục đến 14 HCV. Nhưng khi Ánh Viên xuất hiện, bơi TP.HCM đã phải lùi về phía sau. Ánh Viên cũng đang là VĐV giữ kỷ lục Đại hội với 18 HCV lập được năm ngoái.

Ông Phong cho biết: “TP.HCM luôn có lực lượng VĐV trẻ thay thế những VĐV đi trước. Vấn đề là không phải dễ tìm kiếm tài năng. Có lứa sẽ sản sinh ra vài VĐV giỏi nhưng có lứa không có ai nổi trội. Sau Kim Tuyến, VĐV Nguyễn Diệp Phương Trâm cũng là phát hiện của TP.HCM nhưng tương lai Phương Trâm có gắn bó với TP.HCM hay không vẫn chưa biết được”.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm