Olympic Tokyo: Chưa hết sóng gió vì Covid-19

16/05/2021 14:11 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng đem đến mối lo về khả năng Olympic Tokyo mùa hè năm nay có thể không diễn ra, bất chấp những trấn an từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).

Olympic Tokyo: Nói không với quan điểm chính trị

Olympic Tokyo: Nói không với quan điểm chính trị

Những hành động như việc quỳ gối trước các trận bóng đá sẽ khó hiện diện ở Olympic Tokyo. Ban tổ chức đã khẳng định không cho phép những hành động, cử chỉ thể hiện thái độ chính trị xuất hiện ở kỳ Thế vận hội này.

Hôm thứ Tư vừa qua, IOC đã lên tiếng bác bỏ lo ngại từ dư luận tại Nhật Bản về khả năng hủy bỏ Thế vận hội lần thứ 32. Đáng tiếc, cuộc họp báo trực tuyến của tổ chức này đã bị gián đoạn bởi những làn sóng phản đối dâng cao.

IOC cố gắng trấn an tình hình

Cuộc họp báo của IOC diễn ra trong thời điểm thủ đô Tokyo vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp do tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản diễn biến phức tạp. Số ca lây nhiễm ở đất nước mặt trời mọc vẫn tăng lên ở mức đáng báo động. Một cuộc thăm dò ý kiến ở Nhật Bản cho thấy phần đa người dân muốn Thế vận hội năm nay, dự kiến diễn ra từ ngày 23/7 đến 8/8, nên được hủy bỏ sau khi đã phải dời lịch một năm vì tình hình dịch bệnh.

Ông Mark Adams, người phát ngôn IOC, tỏ ra quyết tâm với ý định tổ chức Thế vận hội ở Tokyo: “Chúng tôi sẽ lắng nghe, nhưng không hề nao núng trước quan điểm của công chúng. Mọi thứ đến lúc này cho thấy Thế vận hội hoàn toàn có thể diễn ra và vẫn sẽ tổ chức đúng như dự định”. Có điều, chuyến ghé thăm Nhật Bản của Chủ tịch IOC Thomas Bach dự định sẽ diễn ra vào tuần tới đã bị hủy bỏ do tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các vùng lân cận sẽ được kéo dài cho đến tận cuối tháng này.

Đáng chú ý, buổi họp trực tuyến của IOC đáng ra đã kết thúc suôn sẻ nếu không có sự cố diễn ra trong câu hỏi cuối cùng từ một ký giả của trang Yahoo Sports. Thay vì hiện ra câu hỏi để ông Adams trở lại, màn hình lại bất ngờ hiển thị một biểu ngữ trắng đen có nội dung phản đối Thế vận hội Tokyo. Dòng chữ trên biểu ngữ có ghi: “Không Olympic ở bất cứ đâu, Los Angeles hay Tokyo”. Los Angeles chính là thành phố sẽ đăng cai Thế vận hội vào năm 2028. Ông Adams cố gắng làm dịu tình hình dù sự việc rõ ràng có tác động lớn đến buổi họp. Một nhóm có tên Nolympics LA đã đăng trên mạng xã hội Twitter nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố trong buổi họp báo nói trên.

Chú thích ảnh
Khả năng Olympic Tokyo bị hủy bỏ vì Covid-19 vẫn còn bỏ ngỏ khi tình hình dịch bệnh ở Nhật chưa có dấu hiệu cải thiện

Đằng sau buổi họp báo không được suôn sẻ là quá nhiều vấn đề trong thời điểm Thế vận hội Tokyo sẽ khởi tranh sau hơn hai tháng nữa. Ông Adams khẳng định đó sẽ là thời khắc lịch sử của thế giới, đem lại niềm tự hào cho người dân Nhật Bản, đồng thời tin tưởng dư luận và người dân sẽ sớm ủng hộ sự kiện trọng đại này. Lưu ý Tokyo đã đánh bại Madrid lẫn Istanbul trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội 2020 cách đây 8 năm.

Tất nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn là một bức tranh màu xám. Các giải đấu thử nghiệm vẫn diễn ra ở Tokyo, trong lúc vòng loại các môn thi đấu của Thế vận hội vẫn tiếp tục được tổ chức trên khắp thế giới, bất chấp những điều chỉnh không thể tránh khỏi trong bối cảnh nhiều VĐV đối mặt với những cản trở về đi lại do dịch bệnh. Đã có khoảng 7.800 VĐV đã giành quyền tham dự Thế vận hội Tokyo, chiếm 70% tổng số quota tham dự cho các môn thi đấu. 10% quota tham dự sẽ được quyết định vào ngày 29/6 tới. 20% còn lại được phân bổ cho các VĐV có thứ hạng tốt nhất trên bảng xếp hạng ở một vài trong số 33 môn thể thao tranh tài tại Tokyo lần này.

Ông Adams tin tưởng về khả năng tham dự của các VĐV sau tuyên bố sẽ tiêm vaccine cho những VĐV tham dự trước khi gia nhập làng VĐV ở Tokyo. Nguồn vaccine Covid-19 dự kiến sẽ được IOC mua từ Trung Quốc cũng như qua việc quyên góp từ hãng Pfizer.

Liệu là màu hồng, hay là màu đen?

Sau khi bất đắc dĩ phải lùi lại ngày khởi tranh, Nhật Bản vẫn hy vọng về một kỳ Thế vận hội thành công vào mùa hè năm nay. Rốt cuộc, mọi thứ chẳng có gì chắc chắn khi tình hình Covid-19 êm ả ở chỗ này lại bùng lên ở nơi khác. Riêng quốc gia xứ Phù Tang đang chứng kiến số ca nhiễm tăng lên, dù chưa đến mức biến thành thảm họa dịch bệnh. Các quan chức chính phủ Nhật Bản đang lo lắng, trong lúc hàng nghìn người trên khắp thế giới đã phản đối mạnh mẽ khả năng tổ chức giải đấu trong thời điểm Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Chú thích ảnh
Ông Mark Adams, người phát ngôn IOC, vẫn tin tưởng Nhật Bản có thể tổ chức thành công Olympic

Mới đây, ông Yoichi Takahashi, một cố vấn cao cấp của chính phủ Nhật, đã gây tranh cãi khi đăng một dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân: “Dịch bệnh ở Nhật Bản chỉ như một làn sóng nhỏ. Liệu Olympic có nên bị hủy bỏ chỉ vì lý do ấy? Thật đáng buồn cười”. Nhưng thay vì nhận được những đồng tình và chia sẻ tích cực, ông Takahashi đã bị dư luận và một số quan chức “ném đá dữ dội”. Kazuo Shii, một chính trị gia, bình luận trên tờ Mainichi cho rằng ông Takahashi thiếu nhạy cảm để hình dung được cảm giác đau đớn của những người mắc Covid-19 hoặc phải trả giá bằng mạng sống vì dịch bệnh. Một người dùng trên Twitter thì gay gắt hơn, khẳng định không thể chấp nhận một thành viên cố vấn chính phủ lại dám coi nhẹ cái chết của những người không may dính virus corona để đổi lấy niềm vui đăng cai Thế vận hội.

Việc rước ngọn đuốc cho Thế vận hội Tokyo cũng đang gặp nhiều trở ngại. Hôm thứ Sáu tuần trước, chính quyền vùng Fukuoka đã quyết định hủy việc rước đuốc, qua đó trở thành khu vực đầu tiên làm điều đó kể từ thời điểm bắt đầu việc rước đuốc hồi tháng Ba năm nay. Hồi tháng trước, việc rước đuốc ở Osaka đã được diễn ra trong một công viên bỏ không.

Khoảng thời gian từ nay đến ngày khai mạc Thế vận hội không còn quá dài nữa. Thách thức lớn nhất lúc này là việc cố gắng giảm thật nhanh số ca lây nhiễm Covid-19, trước khi nghĩ đến công tác tổ chức Thế vận hội sao cho thật trọn vẹn. Điều này sẽ quyết định đến việc chính quyền của Thủ tướng Yoshihide Suga có sớm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và các vùng lân cận hay không. Thiệt hại của việc kéo dài tình trạng khẩn cấp là rất rõ ràng, có thể lên đến 9,2 tỷ USD. Mặt khác, việc kiểm soát số ca lây nhiễm chứ không phải lên kế hoạch cơ sở vật chất cũng như công tác tổ chức Thế vận hội mới là ưu tiên hàng đầu ở Nhật Bản lúc này.

Đã có không ít VĐV Nhật Bản lo ngại về khả năng tổ chức Thế vận hội trên sân nhà. Nữ tay vợt Naomi Osaka cùng nam tay vợt Kei Nishikori đều tỏ ra không yên tâm nếu Thế vận hội vẫn được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát. Tình trạng lo lắng của các VĐV tham dự Thế vận hội sẽ khiến chất lượng các nội dung thi đấu bị ảnh hưởng đáng kể.

Tất nhiên, khoảng thời gian từ giờ đến tháng 7 vẫn còn đủ dài để Nhật Bản khống chế dịch bệnh, mở đường cho một kỳ Thế vận hội suôn sẻ. Nhưng kịch bản hủy bỏ kỳ Thế vận hội thứ 32 vẫn chưa thể bị loại trừ.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm