Olympic Rio 2016: Michael Phelps có cần nhân viên cứu hộ bể bơi?

09/08/2016 12:20 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu hỏi điều gì thú vị nhất trong ngày thi đấu thứ 3 tại Thế vận hội mùa Hè 2016, thì đó có lẽ là bức ảnh một nữ nhân viên cứu hộ bể bơi ngồi hai tay chống cằm, gương mặt buồn thiu. Có lẽ cô quá chán chường trong một ngày chỉ... ngồi không vì chẳng có gì để làm.

Nghề... vô nghĩa nhất thế giới

Khi Michael Phelps cạnh tranh cho những tấm huy chương vàng tiếp theo của sự nghiệp tại Olympic Rio, anh sẽ chẳng phải lo về sự an toàn của mình ở dưới nước. Bởi phía trên bể đã có những nhân viên cứu hộ, không rời mắt khỏi kình ngư người Mỹ. Bố trí nhân viên cứu hộ cho những kình ngư xuất sắc bậc nhất từ khắp thế giới tới Rio để cạnh tranh huy chương, nghe như chuyện nực cười nhưng lại có thật tại Thế vận hội năm nay.

Trong bộ đồ quần đỏ, áo vàng, mũ đỏ có in hình chữ thập kèm theo chiếc còi đeo trên cổ, những nhân viên cứu hộ luôn túc trực tại bể dù cả ngày họ chẳng có việc gì để làm.

"Đây thực sự là điều nực cười nhất tôi từng chứng kiến ở Thế vận hội", kình ngư người New Zealand Matthew Stanley chia sẻ với báo chí. "Tôi nhìn thấy các nhân viên cứu hộ ngồi đó với chiếc khăn tắm và uống bia cả ngày. Chắc họ phải chờ ai đó lên cơn đau tim mới có thể xuống bể làm nhiệm vụ", Stanley móc máy đầy khôi hài.

Khi được liên hệ phỏng vấn, Giám đốc các môn thể thao dưới nước của Brazil, ông Ricardo Prado, cũng thừa nhận rằng việc bố trí các nhân viên cứu hộ là "không cần thiết" nhưng "phải làm" nếu không muốn phải ra tòa.

Luật pháp của bang Rio de Janeiro đã quy định rõ rằng với các bể bơi công cộng có kích thước trên 6x6 mét bắt buộc phải có nhân viên cứu hộ túc trực bất cứ khi nào vẫn có người bơi ở dưới bể. Dẫu người đang bơi có là Michael Phelps và lịch sử Olympic chưa ghi nhận một kình ngư nào bị đuối nước thì luật vẫn là luật, ban tổ chức giải không thể làm trái.

Cạnh tranh khốc liệt

Tại Olympic Rio, có tổng cộng 75 nhân viên cứu hộ ở bể bơi, trong đó có 15 phụ nữ. Họ được bố trí tại các địa điểm thi đấu như bơi lội, lặn, bóng nước và kayak. Hai người sẽ túc trực ở bể tập và 2 người ở bể thi đấu.

Dù công việc bị coi là "vô nghĩa" nhưng họ đều phải trải qua khóa huấn đặc biệt trước giải và vượt qua một cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt để được tuyển mộ. Có hai lý do chính khiến nhân viên cứu hộ bể bơi trở thành "nghề hot" đối với công dân Brazil.

Thứ nhất là công việc nhàn hạ và mức đãi ngộ không đến mức tệ. Mỗi nhân viên cứu hộ sẽ được nhận 1,100 reais (tương đương 340 USD) cho gần 20 ngày làm việc tại Thế vận hội.

Thứ hai, họ có cơ hội có được chỗ ngồi tốt nhất để theo dõi môn thi đấu được cả thế giới quan tâm. Nhân viên cứu hộ là số ít những người được tiếp cận gần đường bơi của các VĐV. Là một người hâm mộ Phelps, Anderson Fertes, nhân viên cứu hộ 39 tuổi, coi đây là "công việc trong mơ".

Khi Phelps thi đấu, Fertes không phải dùng còi, thay vào đó anh hò hét để cổ vũ cho thần tượng. Giấc mơ, có thể hơi viển vông của Fertes, là ngày nào đó có thể cứu được Phelps từ dưới bể bơi.

Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm