Những ngày cuối cùng của ba Tế Hanh

10/08/2009 14:39 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà thơ Tế Hanh ra đi hôm 16/7 vừa qua đã để lại bao nỗi tiếc thương trong lòng gia đình, bạn bè và công chúng cả nước. Có lẽ ít ai biết trong cuối đời, Tế Hanh đã sống như thế nào sau khi bị liệt và chìm trong giấc mơ màng suốt một thập kỷ đằng đẵng. TT&VH giới thiệu bài viết của chị Thanh Phương, con gái của nhà thơ Tế Hanh, kể lại những năm tháng cuối cùng của cha mình.

Một đời phúc hậu để cho con

Tôi muốn bắt đầu những dòng tưởng niệm này bằng câu đối mà bác Vũ Khiêu tặng ba tại lễ tang tiễn biệt ba: Trăm áng giai thi đều vị nước - Một đời phúc hậu để cho con. Về tài năng và các Áng giai thi của ba, đã có nhiều người viết, nhưng về Một đời phúc hậu với những gì ba đối với gia đình và các con, nhất là những ngày cuối cùng của ba, thì có lẽ tôi là người nên viết để các bạn đọc gần xa biết được. Tiếc rằng lúc này vẫn còn quá nhiều xúc cảm của sự mất mát lớn lao, nên những suy nghĩ có phần lộn xộn, nước mắt vẫn nhạt nhòa trong khi những kỷ niệm vẫn ùa về...


Nhà thơ Tế Hanh cùng hai con gái tại Moskva tháng 7/1977,
bên phải là Trần Thị Thanh Phước, bên trái là Trần Thị Thanh Phương (tác giả bài viết)

Tôi giống ba ở cuộc sống giàu nội tâm, nhưng không có được nhiều sự tinh tế đến xuất thần như ba nên không thành nhà thơ. Là con gái, tôi nhớ ba không bao giờ đánh mắng con. Có đúng một lần bị đánh khi 4-5 tuổi, có lẽ chẳng đau gì vì ba chỉ đánh bằng cái thước học trò bằng gỗ, bé bằng ngón tay, mà tay ba thì mềm mại suốt đời cầm bút, thế nhưng tôi vẫn khóc toáng lên. Ba viết câu chuyện này thành thơ và hứa với chị em tôi: “Từ nay ba không đánh em nữa”...

“Đêm qua ba ngồi nhìn/ Hai con chơi cút kiếm/ Bỗng con em tức mình/ Cắn chị cái đau điếng/ Sẵn cây thước trên bàn/ Ba đánh em một thước/ Con em khóc nằm lăn/ Con chị cũng sướt mướt/ Sáng nay sao quá im/ Nhìn con con chẳng nói/ Bỗng một giọng trang nghiêm/ Sao ba lại đánh em/ Ôi lời trẻ chân tình/ Tim bé thơ lấp lánh/ Không buồn em đánh mình/ Mà buồn em bị đánh/ Vội bế con trong tay/ Hôn lên đôi má sữa/ Hứa với con từ rày/ Ba không đánh em nữa (Sao ba lại đánh em).

Ba sống hiền lành, nhân hậu. Ai đến ba cũng quý mến. Lúc nào cũng rủ rỉ nói chuyện. Qua những câu chuyện của ba với đồng nghiệp, tôi biết ba ít phê phán ai, chỉ khuyên bảo riêng, ngay cả khi sóng gió trên văn đàn và trong cuộc sống văn học của nước nhà. Nhưng sống trong gia đình, chúng tôi biết ba cũng có nhiều suy tư dằn vặt, chỉ có điều ba ít nói ra mà giữ ở trong lòng hoặc biến thành thơ. Mà ba cũng rất hóm hỉnh. Ba hay kể chuyện cười hoặc hay tìm ra những điểm đáng cười để xua bớt những nhọc nhằn trong gia đình hay những bức xúc của bạn bè đến với ba.

Trở về chiếc giường cũ

Khi còn khỏe, ba sống thong thả, chẳng mấy khi ráng sức vì điều gì, kế cả trong sáng tác thơ. Tôi nhớ ba nói thương các nhà văn, nhất là người viết tiểu thuyết, họ đánh vật với chữ và cày bừa trên trang giấy, còn nhà thơ thì sướng hơn. Nhưng có lẽ đó là đối với ba, một người có sẵn tâm hồn thơ.

Thế mà tôi cũng đã chứng kiến có khi ba mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng để trăn trở với một chữ, một câu thơ.

“Cha ngồi ở giữa hòa bình/ Bóng con đẩy bóng chiến tranh xa lùi/ Chị lên bốn, em lên hai / Các con bảo vệ cuộc đời cho cha” (trích Cha ngồi ở giữa, thơ Tế Hanh viết cho con gái).

Vậy mà sau ngày bị tai biến, ba đã rất ráng sức: Những năm đầu còn khá tỉnh táo, ba còn viết được một vài chữ trên tấm bảng học trò tôi mua cho ba, ba cũng lào phào nói vài ba tiếng. Sau đó 2 năm, ba bắt đầu chìm vào giấc mơ màng trong suốt 8 năm đằng đẵng. Đến tuần cuối cùng trước khi ra đi vĩnh  viễn, dường như ba tỉnh táo hơn. Tôi có cảm giác như ba cố gắng đợi chị gái và con gái tôi đang sống ở nước ngoài về kịp.

Ngày 16/7 gia đình tôi đưa ba về lại chiếc giường bên phòng khách, nơi ba đã nằm mấy chục năm. Sau khi ba ngã bệnh, ba nằm ở giường mới đóng bên phòng khác cho tiện chăm sóc. Hình như ba giục để được trở về chiếc giường cũ, tôi thấy ba thở gấp. Tôi đặt ba nằm nghiêng cho đến khi ba thở đều trở lại. Sang giường cũ, ba bình thản hơn, nhịp thở chậm hơn, mắt ba mở nhìn quanh trần nhà quen thuộc. Tôi còn nói chuyện với ba: “Ba về phòng cũ có vẻ thích nhỉ, mắt lại còn lúng liếng”... Dù ôm ba trong tay, tôi không biết rằng lúc đó ba đã bắt đầu thở ra và đã có những cơn ngừng thở. Người bác sĩ chăm sóc ba vừa đến và nói “ông khó qua trong hôm nay rồi, có khi chỉ được 1 giờ nữa là cùng”. Cho gọi ngay bình oxy, nhưng không kịp... Dù bác sĩ nghe tim cho ba và khẳng định ba đã mất rồi, và đã lau rửa thay đồ cho ba, tôi vẫn không tin được. Bàn tay ba hơn 1 giờ sau vẫn mềm và ấm, thậm chí tôi vẫn thấy bụng ba thở phập phồng... Vì má tôi gọi cả nhà về để kê giường chuyển ba qua, nên khi ba đi, có đầy đủ con cháu, trừ gia đình chị Phước và con gái tôi... Vậy là tôi hiểu ba đã cố gắng hết sức rồi...

Chiếc tàu xuất hiện đúng lúc, dòng sông quê hương hiện ra…

Ngày ba mất, trời mưa như trút nước. Có lẽ trời cũng khóc ba... Ngày viếng ba, trời tạnh ráo, nắng trong, để gia đình bạn bè gần xa đến với ba đuợc đông. Hơn 600 người và cơ quan đến và gửi phúng điếu ba, 153 vòng hoa, hơn 30 báo đăng tin, bài và rất nhiều bài trên Internet (mà có lẽ khi ba còn khỏe, ba cũng không có khái niệm về Internet). Ngoài gia đình, bạn bè và cơ quan của ba, má, các con ba, còn có rất nhiều bạn đọc yêu thơ ba không nói tên... Rất nhiều người gọi điện hay viết thư vì ở xa hoặc bạn bè ba má vì đã già yếu nên không đến được... Lãnh đạo và bà con Quảng Ngãi quê ba, nơi ba được gọi là người con đẹp nhất của Quảng Ngãi vì tình yêu và tấm lòng của ba với quê hương, đến đông lắm. Quê ngoại Bình Định và các tỉnh khác như Đà Nẵng, Nam Định, Cần Thơ, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Bình và bạn bè đang sống ở nước ngoài cũng gửi đến ba những lời vĩnh biệt. Vậy là tiễn ba đi có rất nhiều tấm lòng yêu quý ba và thơ ba của cả nước.


Ảnh chụp tại số 10 - Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội cuối năm 1988 với đầy đủ cả nhà
và các cháu ngoại. Tác giả bài viết và con gái ngồi giữa

Ngày 20/7, thứ Hai, ngày đón tro cốt của ba đưa về nghĩa trang Thanh Tước thì trời lại đổ mưa. Cả Hà Nội ngập trong nước. Xe tôi bị ngập nước, tôi bỏ xe đi taxi về đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Quang Trung thì phải xuống xe. Tôi cứ thế lội bộ về Nguyễn Thượng Hiền, nước ngập trên đầu gối. Bước thấp bước cao, nước mắt lẫn nước mưa, trong đầu vẫn còn láng máng nhớ hồi bé có lần ba dẫn hai chị em đi xem văn nghệ ở 51 Trần Hưng Đạo về, cũng lội nước đến ngực ở khu vực Nguyễn Gia Thiều gần hồ Thiền Quang. Xe ca đi xuống Văn Điển bị tắc đường ở nút Kim Liên. Sau hơn nửa giờ chờ đợi tất cả đã tuyệt vọng. Bỗng có chuyến tàu Bắc Nam chạy tới. Công an dồn sức giải tán đoàn người trên tuyến đường cắt ngang đường tàu, thế là xe chúng tôi thoát khỏi đám đông vì chạy theo tàu hỏa. Mọi người nói: Khi xưa ông làm thơ:

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Ông thương những con tàu nên bây giờ ông được con tàu giúp. Cái triết lý nhân quả “cho gì được nấy” có lẽ đúng. Tôi cũng hay dạy con tôi như vậy. Tôi cứ nghĩ, ba sống hiền hòa thì rồi lúc nào cũng có người giúp, kể cả khi ba buớc những bước cuối cùng đến cõi tiên. Các bài thơ của ba nhiều bài về sông nước, nhiều bài báo viết về ba như một hồn thơ sông nước: “Trăm áng giai thi đều vị nước” như một điều tiên đoán. Ngày đưa tiễn ba, thành phố mênh mông nước, ba không về được con sông quê hương thì nước mưa Hà Nội tạm biến phố xá thành sông trong một khoảnh khắc thương nhớ ba.

Ba đã đi xa khá lâu rồi, vậy mà tôi vẫn không nguôi ngoai được. Có bài viết về ba, gọi ba là 1 trong 5 “vua thơ” của Việt Nam, vua thơ “tình cảm”. Nhưng với chúng con, ba vẫn luôn là người cha hiền hòa, tài đức để cho con cháu noi theo.

Trần Thị Thanh Phương (con gái nhà thơ Tế  Hanh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm