Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Chàng cao bồi phố Hàng Bạc

24/03/2010 15:58 GMT+7 | Người Hà Nội

Nếu cứ nghêu ngao hát “Tôi sinh, sinh từ nơi đây. Cha tôi cũng sinh từ nơi đây. Ơi M’drăk…”, rồi lại nhìn Nguyễn Cường tóc rối bời cỏ dại, để ria từ 1975 khi có người khen đẹp đến nay, hễ cười nói là rổn rảng, ngông nghênh kiêu bạc như một gã cao bồi già – người ta thường đoán chỉ có rừng rú mới “nảy nòi” ra người đàn ông này. Thế nhưng Nguyễn Cường lại là trai Hà Nội – dân phố cổ “xịn”, Hàng Bạc đàng hoàng, người đã dành hết những năm tháng trai trẻ đẹp đẽ nhất của đời mình để lặn lội với  Tây Nguyên.
1. Theo Nguyễn Cường, phải sống ở Hà Nội nhiều đời thì thời gian đó mới đủ để hun đúc nên tính cách, phẩm chất rất riêng của người Hà Nội. Cái tinh thần của người Hà Nội lạ lắm. Học thức, đầy kiêu hãnh, nhưng lại an phận thủ thường, không có nhu cầu liên kết bè phái, không có khả năng bon chen, không mê chính trị. Mỗi người Hà Nội là một nghệ sĩ - họ lãng mạn, ưa được rong chơi và sáng tạo trong từng ngày sống của mình. Nguyễn Cường nghĩ thế vì suy ra từ chính bản thân mình.
Nguyễn Cường kể, có lần anh đi chữa xe Vespa ở phố Phủ Doãn, gặp một người đàn ông cùng tầm tuổi. Ông ta nói: “Lâu lắm mới gặp một người Hà Nội ở giữa Hà Nội”. Dù gương mặt Nguyễn Cường thì 50% là mũ cao bồi, 30 là râu, 20% là kính.
Câu nói đó thật lạ lùng! Ai cũng biết Hà Nội là thanh bình, nề nếp. Nhưng anh lại nghĩ Hà Nội là một khái niệm vận động, Hà Nội là quá trình văn hóa hội nhập và biến đổi, là tụ hội tinh hoa mọi vùng miền, lắng đọng rồi lan tỏa ngược trở lại. “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” – câu nói này không hề là một khẩu hiệu chính trị. Người tứ phương đến Hà Nội là ghê gớm lắm, họ mang theo khát vọng và ý chí đổi đời. Những công dân này làm Hà Nội năng động, bỗ bã và cũng khỏe khoắn hơn rất nhiều. Nếu biết mở mình để tiếp nhận nguồn sức sống mới này sẽ không thấy mình mất mát. Có những người Hà Nội cũ cực đoan không chấp nhận quá trình biến đổi ấy, họ có cảm giác mình bị lạc loài. Cái bát nháo hiện nay của Hà Nội là một phản ứng kết tủa văn hóa bắt buộc. Khi nó qua đi thì Hà Nội sẽ ổn định – dù có thể thời gian để “phản ứng” này hoàn thành có khi mất vài chục, vài trăm năm. Quá trình kết tủa ấy lâu hay mau phụ thuộc rất nhiều vào tầm vóc văn hóa của bộ máy chính quyền Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường ở Tây Nguyên

Nếu định nghĩa bằng âm nhạc thì Hà Nội là quan họ, là hip-hop, rock, dân ca Tây Nguyên, là chèo, là xẩm, là cải lương…đã được hòa trộn và lọc qua một tấm phin. Chính vì Hà Nội có bản lĩnh tinh hoa, thì mới đủ cường tráng để hợp duyên với văn hóa các vùng miền khác. Nhiều người hỏi Nguyễn Cường: tại sao anh lại đến Tây Nguyên? Câu trả lời đơn giản thôi: “Vì tôi là người Hà Nội! Không phải tôi đến với Tây Nguyên chỉ bằng mấy câu nhạc vàng, quan họ, nhạc đỏ, nhạc tiền chiến… mà tôi đến Tây Nguyên cả với Bach, Mozart, Betthoven, nhạc Jazz, Disco… ở sau lưng. Tôi mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ cùng một tình yêu thật lòng (yêu đến mức lặn lội - “mấy sông cũng lội mấy núi cũng trèo”). Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây Nguyên. Không có Nguyễn Cường này thì sẽ có một Nguyễn Cường khác của Hà Nội tìm đến Tây Nguyên. Tôi tự thấy mình hợp với khí chất khoáng đãng, rộng lớn và mãnh liệt của Tây Nguyên. Tôi yêu Hà Nội theo cách “con không chê cha mẹ khó”- đó là tình yêu không được lựa chọn. Và vì thế có lúc tôi yêu mà lòng đầy bất mãn. Còn Tây Nguyên là một người tình đầy mê đắm. “Nàng” quyến rũ tôi bởi những huyền thoại và cỏ dại, và tôi đã theo “nàng” bằng cả thời trai trẻ- mối tình si ấy đã đằng đẵng hơn 30 năm nay. Tôi có Hà Nội là miền thực, Tây Nguyên là miền mơ - liệu mấy ai có “gia tài” ấy như tôi?”
2. Cha anh, cụ Nguyễn Quang Hộ, quê gốc ở Phú Xuyên – Hà Tây cũ, nhưng sinh năm 1910 tại Hà Nội. Thời Pháp thuộc, cha anh là phi công hãng Air France, ông đã tử nạn trên một chuyến bay dân dụng vì đâm vào núi ở Sơn Trà năm 1953.
Cha Nguyễn Cường đã để lại cho anh một thể lực, sức vóc hợp với mọi chuyến phiên lưu. Sự gắn bó của Nguyễn Cường với Tây Nguyên gần như một cơ duyên đã được định sẵn. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trung cấp Violoncelle trường âm nhạc Hà Nội, anh được phân công về đoàn văn công Tây Nguyên và ở lại đó 2 năm. Ngay lập tức, cái nắng, cái gió, cà phê và cả mầu đất đỏ bazan lập tức đã cuốn hút Nguyễn Cường. Năm 1981, anh và nhạc sĩ Trần Tiến quay lại vùng đất này. Ấn tượng mạnh mẽ nhất trong anh lúc ấy là được nghe người dân đánh chiêng trong một đêm uống rượu cần. Tiếng chiêng ấy đã tạo cho anh cảm xúc để viết bài hát Nhịp chiêng buôn Kơ Siar với khúc mở đầu “Đêm huyền thoại, đêm dừng lại, tôi nghe từ buôn Kơ Siar…” Cũng năm 1981, ca khúc Hơ Zen lên rẫy của Nguyễn Cường được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt.
Bao nhiêu năm qua, Nguyễn Cường đã cho ra đời khoảng 100 tác phẩm ca khúc và khí nhạc từ những giai điệu dân gian của Tây Nguyên. Mỗi lần đến, mỗi lần đi, cảm xúc mới lại về và ca khúc mới lại ra đời. Người dân Tây Nguyên không chỉ thích nhạc Nguyễn Cường mà còn coi đó là tài sản của họ. Một số bài của anh còn được chính giới nhạc sĩ nhầm tưởng đó là dân ca như nhạc sĩ Huỳnh Tú ở Nhà hát Thăng Long đã tưởng bài “Thênh thênh oh ơi” là dân ca Ba Na để phát triển thành khí nhạc. Bài “H’Ren lên rẫy” còn được các tộc người Ba Na, Gia Lai, Êđê… dịch ra tiếng của họ để hát. Những ai đã lên Tây Nguyên và đã sống ở Tây Nguyên đều biết điều đó. Sáng tác trên nền kiến thức âm nhạc được học hành cẩn thận là lý do vì sao anh có thể “bền và sâu” như thế. Nghe nhạc và quan sát “chất” của Nguyễn Cường, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã có một nhận xét về anh: “Phi công bay bốn khí tượng”, tức là bay được cả đêm, ngày, mưa, nắng.  
3. Mẹ Nguyễn Cường, cụ Nguyễn Thị Nhung sinh năm 1920, gia đình nhà ngoại đã có 5 đời sống ở Hà Nội. Từ khi cha anh tử nạn máy bay năm 1953 đến nay, mẹ anh vẫn hưởng lương trợ cấp ở Pháp gửi về, đều đặn khoảng hơn 1.000 Euro mỗi tháng. Những đời trước nữa tổ tiên anh làm nghề chài lưới ở Hồ Tây, nhà thờ tổ ở vị trí khách sạn Thắng Lợi bây giờ. Mẹ Nguyễn Cường cho anh cái chất Hà Nội “thâm căn cố đế”. Đó là lý do vì sao Nguyễn Cường viết bài hát “Mãi mãi tuổi thơ tôi Hà Nội”. Viết bài ấy mất 10 năm, vì quá hiểu Hà Nội nên đâm ra thận trọng.
Theo Nguyễn Cường, phẩm chất của người Hà Nội là làm cái gì thì bao giờ cũng muốn vươn tới tầm bác học. Làm văn hóa cũng phải ở chiều sâu nhất, dù năng lực có thể không tới nhưng cái đích luôn là như vậy. Theo anh, Hà Nội là “khí nhạc”. Trong âm nhạc, người ngoại đạo coi những nghệ sĩ sáng tác bài hát là nhạc sĩ, điều đó không sai, nhưng mới chỉ là định nghĩa cấp I. Sâu hơn phải có giao hưởng, sonat, nó bắt người sáng tác phải sáng tạo, không có “chữ” nào cũng xây dựng được tác phẩm chứ không phải chỉ cứ “vịn vào chữ mà đi”.
“Rabindranath Tagore sáng tác khoảng 600 ca khúc, trong đó có hai bài được chọn là quốc ca của Ấn Độ và Bangladesh, nhưng có ai gọi Tagore là nhạc sĩ đâu?” – Nguyễn Cường nói, rồi anh cầm lấy cái hóa đơn thanh toán tiền điện ngôi nhà mình ở phố Hàng Bạc mà người bên ngành điện mới chuyển tới, nghĩ một chút rồi hát “vịn chữ” cụm từ “hóa đơn thanh toán tiền điện” bằng 5 kiểu khác nhau. Rồi dậm chân xuống sàn cười ha ha ha, ria đen răng trắng, người thế này phụ nữ mê phải biết. Rồi lại hơi buồn một chút: “Thế hệ bọn anh đúng ra là phải lặng lẽ mà đi theo nhạc khí, như các bác Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Vĩnh Thưởng ấy, chứ không bao giờ tính tới viết bài hát. Anh đã đọc của Dương Thụ một bài viết rất hay trên mạng có tên là Những giấc mơ gẫy cánh”.
4. Nguyễn Cường đang viết “Khúc Romace Hà Nội” cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Sáng tác này bắt nguồn từ ca khúc “Gặp gió sông Hồng” của anh, phát triển lên thành một đơn ca cùng với dàn hợp xướng, nằm trong một thanh xướng kịch lớn có tên là “Thăng Long ngàn thủa”.
Đồng thời anh cũng đã sáng tác xong “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng” – một hợp xướng cần tới hàng ngàn nghệ sĩ theo hình thức Acapella không có dàn nhạc đệm, mà biểu diễn trên 100 trống đồng của các nghệ nhân Thanh Hóa đang đúc tặng Thủ đô.
Anh hát thử cho chúng tôi nghe, tay vung vẩy sung sướng, chân dẫm thình thịch xuống sàn. Đã hoàn tất phần văn bản, vấn đề còn lại của hai tác phẩm này chỉ là chạy tài trợ. “Thế mới là chuyên nghiệp” – Nguyễn Cường lại cười, ria đen răng trắng.

Quỳnh Hương - Thuần Chấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm