Nhà báo Nguyễn Lưu và BLV Quang Huy: Mãi một tình yêu với TT&VH

21/08/2022 06:55 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đóng góp vào thành công chung của Thể thao & Văn hóa (TT&VH) trong suốt 40 năm qua, bên cạnh nỗ lực của mỗi thành viên trong tòa soạn, thì không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn và quý báu của đội ngũ cộng tác viên. Chính họ với tình yêu vô bờ bến dành cho tờ báo đã cùng chung tay tạo dựng nên thương hiệu riêng cho TT&VH suốt 4 thập kỷ đã qua. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống, TT&VH xin được giới thiệu đến bạn đọc 2 gương mặt cộng tác viên như thế....

Tổng Biên tập Báo TT&VH Lê Xuân Thành: Chúng tôi vẫn ở đây và theo đuổi lý tưởng

Tổng Biên tập Báo TT&VH Lê Xuân Thành: Chúng tôi vẫn ở đây và theo đuổi lý tưởng

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống Báo TT&VH 21/8/1982 - 21/8/2022, Tổng Biên tập Lê Xuân Thành đã có những lời tri ân đến các thế hệ độc giả, PV, BTV... của Báo về chặng đường 40 năm đầy nỗ lực và tự hào.

Nhà báo Nguyễn Lưu (Ama Lâm): “Tôi tự hào vì mình từng là cộng tác viên của TT&VH”

Nhà báo Nguyễn Lưu cộng tác với báo TT&VH ngay từ những ngày đầu tiên. Ông kể lại, khi đó mình từ Tây Nguyên xuống TP.HCM, bắt đầu cộng tác với mấy báo, trong đó có TT&VH. Nhưng phải đến mùa Hè năm 1994, khi World Cup diễn ra ở Mỹ ông mới thực sự kết thân với tòa soạn.

Nhà báo Nguyễn Lưu là cây viết có bút lực khá đa dạng, ông tự nhận là “thích đủ thứ”, nghĩa là quan tâm nhiều vấn đề, tuy nhiên, nhiều nhất là lĩnh vực thể thao và văn hóa. Nhớ về cái thời cộng tác với TT&VH, ông bồi hồi: “Đầu những năm 90, Tổng biên tập TT&VH, ông Hữu Vinh quyết định có chuyên mục “Góc nhìn của tôi” và kèm cái ảnh tác giả Nguyễn Lưu to đùng do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán chụp. Chuyên mục này có khoản tiền trách nhiệm khá hậu hĩnh. Cũng từ đó, tôi được xem là cây bút kỳ cựu ở hai môn bóng chuyền và bóng bàn, lại hay viết những bài về văn hóa, âm nhạc”.

Một kỷ niệm khác của Nguyễn Lưu với TT&VH là loạt bài đối thoại về Hà Nội của ông và nhà sử học Dương Trung Quốc. Hai gương mặt gạo cội bên báo và bên nói đủ chuyện về Hà Nội, từ tên phố, xe xích lô, cây cổ thụ, ẩm thực cho đến nói ngọng… chùm bài ấy được Hội Nhà báo Hà Nội ép plastic và treo ở trụ sở số 62 phố Trần Quốc Toản (Hà Nội).

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Lưu (phải) và nhà sử học Dương Trung Quốc, 2 tác giả từng thực hiện loạt bài đối thoại về Hà Nội trên báo TT&VH

“Những ngày ấy, khi báo giấy còn thống trị, không khí báo chí ấm áp, gần gũi lắm và không “lạnh” như bây giờ. Tôi nhớ như in hồi đó, cả một “sư đoàn” báo chí, trong đó những tờ báo có trang thể thao văn hóa thường xuyên gặp gỡ, giao lưu rất thân thiết. Sáng sáng, quân ta tranh thủ nâng niu tờ báo còn thơm mùi mực in để có thêm năng lượng đi tiếp với nghề.

Chúng tôi đều có khó khăn chung về công nghệ, thông tin, tư liệu, nhưng đại đa số cùng chung một suy nghĩ thật nghiêm túc về nghề với nội hàm: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Và luôn tự nhủ - Làm báo là phải hết sức chăm lo cho nội lực, biết cách làm nóng các trang báo, dám tấn công vào sự thủ cựu và tôn trọng, chấp nhận những ý kiến khác để cùng phát triển”, nhà báo lão thành tâm sự.

“Thật khó mà nhớ cho hết với một người viết đa dạng như tôi. Những kì World Cup hay ASIAD, SEA Games... đều để lại trong tôi nhiều kỉ niệm về nghề nghiệp. Ở SEA Games 2003, tôi là người đề xuất lấy con Trâu là linh vật còn ở SEA Games mới đây, bài hát Cho chiến thắng diệu kì của tôi được sử dụng và là bài hát chính thức của Hội Thể thao Điện tử Việt Nam”, nhà báo Nguyễn Lưu đầy hào hứng nhớ lại về quãng thời gian gắn bó với mảng thể thao và văn hóa.

“TT&VH là một tờ báo đáng tự hào vì hội đủ các phẩm chất ấy trong ngôi nhà nhỏ của mình. Tôi đã biết viết báo từ hơn 50 năm trước và từng cộng tác trên 10 tờ báo, trong đó TT&VH đã và vẫn là tờ báo thân yêu. Tôi tự hào vì mình từng là CTVcủa TT&VH”.

Bình luận viên Quang Huy: “8 tuổi tôi đã đọc TT&VH cho đến tận bây giờ”

8 tuổi, cậu bé Vũ Quang Huy được bố mẹ cho đọc báo TT&VH khi anh vẫn ở cùng gia đình tại khu Văn công, Cầu Giấy (Hà Nội) vào đầu thập niên 80. Thấm thoắt BLV đã có 41 năm làm bạn đọc, cộng tác viên đồng hành cùng tờ báo này, chứng kiến tờ báo có tên tuổi lâu đời, đi qua bao thăng trầm. Điều BLV Quang Huy ấn tượng nhất là dù nhiều thế hệ làm báo TT&VH nhưng họ đều giữ được hồn cốt tờ báo không bị mất đi, dù nhu cầu đọc báo điện tử cạnh tranh khốc liệt dẫn đến sụt giảm mạnh về báo giấy.

Thấm thoắt đã 4 thập kỷ gắn bó với tờ báo, những ngày tháng “đói văn hóa, đọc thể thao quốc tế” ở thập niên 80, TT&VH như một người bạn mang hơi thở hiện đại từ khắp nơi trên thế giới với những nguồn tin thông tấn quý giá.

Hồi tờ báo phát hành vào thứ Bảy hàng tuần khi Quang Huy là học sinh, cậu vẫn phi xe từ Cầu Giấy lên phố Lý Thường Kiệt nơi đặt trụ sở của TTXVN mua báo TT&VH về. Đến giờ anh vẫn nhớ như in - Mua về, gia đình bèn cắt tờ báo ra, mảng Thể thao thì hai bố con đọc, còn mảng Văn hóa thì phần mẹ.

Chú thích ảnh
BLV Vũ Quang Huy (trái) cùng nhà báo Trương Anh Ngọc trong buổi bình luận về EURO 2022 của báo TT&VH. Ảnh: Nguyễn Hòa

BLV Quang Huy chia sẻ: “Sức sống mãnh liệt của TT&VH khi ấy là tờ báo đáp ứng được thông tin quốc tế nhanh nhạy, trong bối cảnh thông tin chung còn rất khó khăn. Đặc biệt là lối viết của báo rất ấn tượng và có gu ổn định, thông tin chất lượng, kiến văn sâu rộng”.

Năm 1994, BLV Quang Huy đặt chân vào Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với cương vị BLV thể thao. Tại môi trường này, anh đã có cơ hội trở thành CTV cho TT&VH cho đến tận hôm nay, BLV Quang Huy nhớ lại: “Anh em trong nghề biết mình là người nhà đài, người ta cần mình “viết như nói”, để quan điểm cá nhân được bộc lộ thẳng thắn, rõ ràng”.

Quang Huy nhớ nhất là bài báo trên TT&VH nêu quan điểm về ông Hà Quang Liêm -Giám đốc Trung tâm Thể thao Quân đội nhân ngày ông về hưu. Có những lời đồn thổi và quan điểm không đúng về ông khiến ông chịu nhiều oan ức, tổn thương. Lúc ấy BLV Quang Huy đã trao đổi với Ban Biên tập TT&VH để có một bài báo nêu rõ sự thật kiểu “nói có sách mách có chứng” về ông Liêm. Khi đọc xong bài báo, ông Liêm đã khóc vì cảm động. Ông Liêm đã giữ gìn tờ báo đến khi ông qua đời gần đây khi dịch Covid ập đến.

Theo Quang Huy, ưu điểm lớn nhất của TT&VH chính là những tuyến bài chất lượng khá đồng đều, không bị “một màu” do đội ngũ Ban Biên tập có rất nhiều cây viết chất lượng ở các mảng. Vì thế, bên cạnh việc cộng tác, với anh TT&VH còn mang đến nguồn tư liệu quý để phục vụ công tác chuyên môn của mình.

Còn trong cuộc sống riêng, căn nhà BLV Quang Huy không chỉ có băng đĩa nhạc, thế giới tinh thần phong phú của anh còn phải kể đến báo TT&VH. Đã có lúc, anh dành riêng một căn phòng để lưu giữ khi mà số lượng báo TT&VH lên quá lớn, thậm chí có lúc phải xử lý vì mối mọt, khiến ngôi nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quang Huy kể - Đối với một người đọc từ nhỏ như anh, phải đem bỏ đi một lượng lớn báo là cả một sự đắn đo suy nghĩ, nên phải mất nhiều giờ liền chọn ra những tờ báo tiêu biểu, còn lành lặn, bọc chặt nylon rồi đem đến cơ quan cất cẩn thận.

Ngày nay, báo điện tử, mạng xã hội đã “cạnh tranh” không gian sống ở báo giấy, thứ đã làm nên văn hóa đọc của thế hệ 6X, 7X, 8X. Tuy nhiên, có một thứ mà cú click chuột không thể cạnh tranh được là cầm tờ báo giấy, dù thông tin chậm hơn nhưng vẫn có giá trị lịch sử sâu đậm nào đó.

“Nhân ngày kỷ niệm thành lập báo, là một độc giả trung thành, một cộng tác viên có thâm niên của báo, tôi mong báo sẽ giữ mãi “hồn cốt” với những bài báo chất lượng đã ăn sâu trong tâm trí mê đọc của những người yêu mến TT&VH. Một tình yêu 4 thập kỷ chưa phải là dài nhưng cũng không phải là ngắn, tôi mong sao sẽ tiếp tục được gắn bó với tòa soạn. Nhân đây, cho tôi gửi lời chúc tới toàn thể lãnh đạo, các anh chị biên tập, phóng viên của báo thêm vững vàng trên hành trình đưa báo TT&VH đến với đại chúng”.

Đã từng có 1... CLB bạn đọc TT&VH

Đó là vào chiều ngày 28/10/2006, tại TP.HCM, CLB bạn đọc TT&VH chính thức ra mắt với buổi sinh hoạt đầu tiên là giao lưu với đoàn làm phim Áo lụa Hà Đông.

Theo đó, CLB bạn đọc TT&VH ra đời để thực hiện sứ mệnh là cầu nối giữa công chúng và các sự kiện, các nhân vật thể thao và văn hóa được bạn đọc quan tâm. Theo kế hoạch, CLB sẽ được tổ chức sinh hoạt hàng tháng, cập nhật những thông tin, những sự kiện mới nhất về thể thao và văn hóa đang diễn ra sôi động hàng ngày, trong cuộc sống đương đại, tạo điều kiện cho bạn đọc có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với các nhân vật chính của những sự kiện này.

Ngay sau buổi giao lưu đầu tiên, CLB bạn đọc TT&VH đã tổ chức tiếp 2 buổi giao lưu với nhóm nhạc Hàn Quốc V-Four Men, với ca sĩ Mỹ Linh cùng ê-kíp thực hiện chương trình Mỹ Linh Tour 6 (ban nhạc Anh Quân, Huy Tuấn và đạo diễn Phạm Hoàng Nam).

Tại Hà Nội, vào năm 2007, CLB bạn đọc báo TT&VH cũng đã có cuộc giao lưu với sinh viên Trường Đại học Dân lập Thăng Long (Hà Nội) và các khách mời gồm ca sỹ Lam Trường, diễn viên kiêm MC Quyền Linh, người mẫu Hải Anh và MC Tuấn Tú. Rồi CLB lại dành cho những bạn đọc yêu thích thể thao bằng một chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Trường quay S10 Đài Truyền hình Việt Nam đã mau chóng biến thành sân Old Trafford với sự hiện diện của hai phe xanh - đỏ trước trận cầu đinh vòng 14 Premier League: Chelsea - MU. Hạt nhân của cả hai phe chính là các phóng viên của TT&VH: Hà Quang Minh, Hoàng Nhật nhóm Chelsea, Trung Sơn và “người Italia” Anh Ngọc là những người yêu MU. Với vốn kiến thức về bóng đá ngoại hạng Anh, các phóng viên đã khiến cuộc ‘khẩu chiến’ kịch tính chẳng khác gì trên sân cỏ.

HOÀNG THỦY (THỰC HIỆN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm