Nghĩ từ nhà thi đấu boxing

01/10/2014 08:12 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày thi đấu hôm qua ở môn boxing, công tác trọng tài đã trở thành điểm nóng, khi Ấn Độ và Mông Cổ đã phản ứng gay gắt những quyết định của trọng tài.

Trong trận bán kết boxing hạng cân nhẹ 57-60 kg nữ giữa VĐV Ấn Độ Devi Laishram Sarita và Park Jina của chủ nhà, võ sỹ người  Ấn Độ liên tiếp ra đòn tấn công trúng đích, trong khi VĐV chủ nhà chỉ biết đỡ đòn.

Tất cả những ai có mặt trên khán đài, trong đó có nhiều CĐV Ấn Độ liên tục hò reo và nghĩ chắc chắn võ sỹ Ấn Độ sẽ giành chiến thắng để đi tiếp.

Kiện và đòi “xử” trọng tài

Vậy nhưng, tất cả ngỡ ngàng khi tổ trọng tài đã cho võ sỹ người Hàn Quốc giành chiến thắng với tỷ số 39-37. Khỏi phải nói sự bất bình của các thành viên đội boxing Ấn Độ, trong khi HLV trưởng Iglesiae Blas cầm tay học trò giơ cao để truyền thông điệp chính cô mới là người chiến thắng.

Trong lúc mọi người đang tranh luận thì anh Chotham Singh, chồng cô Sarita, đã xông xuống tổ trọng tài để đòi quyền lợi cho vợ. Khi không được đáp ứng yêu cầu, anh này đã xắn tay áo và định xông vào hành hung nhóm trọng tài. Rất may, lực lượng an ninh đã can thiệp kịp thời.

Chồng Sarita nói: “Cái này không phải là boxing mà là phi boxing. Tôi không thể tưởng tượng được một giải đấu tầm cỡ thế này mà trọng tài lại bênh vực lộ liễu cho V ĐV chủ nhà như thế”.

HLV Iglesiae Blas thì bình tĩnh hơn: “Các bạn đều thấy, VĐV của chúng tôi đã chơi xuất sắc hơn, liên tục đấm trúng mặt dối thủ, đây là những điểm số cao trong boxing. Vậy mà, trọng tài đã tước mất chiến thắng của Sarita”.

Khi sự việc chưa yên, ngay sau trận đó, đến lượng BHL đội tuyển boxing Mông Cổ phản ứng trọng tài khi cho rằng đã thiên vị để cho VĐV chủ nhà giành chiến thắng, lọt vào chung kết. Đấy là trận bán kết hạng 56 kg nam giữa võ sỹ Nyammayar gặp Ham Sangmyeong (Hàn Quốc).

Từ trên khán đài, một số khán giả Mông Cổ đã thể hiện sự bất bình bằng ném chai nước xuống. Lãnh đạo đội tuyển boxing của Mông Cổ đã viết thư khiếu nại gửi BTC ASIAD 17, Liên đoàn boxing thế giới (AIBAN) và Liên đoàn boxing châu Á (ASBC).

Nội dung lá thư như sau: “Chúng tôi không hài lòng với cách điều hành một số trận đấu của trọng tài. Mông Cổ có 3 VĐV tham dự bán kết, chúng tôi có ưu thế hơn, được đánh giá cao hơn, mà các vị cũng có thể cảm nhận được từ sự tán thưởng của người xem tại nhà thi đấu.

Chúng tôi đã có thể giành chiến thắng một số trận quan trọng nếu như trọng tài công bằng hơn. Không riêng Mông Cổ, còn một số đội khác tỏ ra không hài lòng với cung cách điều hành của trọng tài tại môn boxing, nhất là với một số trận đấu có VĐV chủ nhà.

Chúng tôi mong muốn tình trạng tài thiếu không bằng không tiếp diễn, để các trận đấu khác diễn ra tốt đẹp hơn, trung thực hơn góp phần làm cho ASIAD 17 thành công. Mong các vị quan tâm đến thực trạng này, để các đội yên tâm thi đấu”.

Sự việc này diễn ra làm ầm ĩ cả nhà thi đấu.

ASIAD liệu có “lây bệnh” SEA Games?

Trước đó, khi nghe kết quả, Sopida, một võ sỹ boxing của Thái Lan, đã òa khóc tức tưởi: “Tôi tin chắc 100% là mình thắng!”. Còn HLV Oma Margo (Cuba) của cô thì chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm nói rằng ông chưa bao giờ chứng kiến trọng tài tệ hại như vậy và không biết bao giờ họ mới khá hơn. Nên nhớ là ngay trước đó có 2 nam võ sĩ Thái Lan cũng đã bị loại một cách khá oan ức.

Hà Thanh hôm đoạt HCĐ nhảy chống cũng ấm ức: "Tôi đến đây với kỳ vọng giành được một tấm HCB và tôi hài lòng với màn trình diễn của mình ngày hôm nay (24/9). Tất nhiên vẫn có một số động tác tôi không thực sự vừa ý nhưng trọng tài đã xử ép tôi".

Người ta tự hỏi, liệu với Đại hội thể thao châu Á, liệu công tác trọng tài, nhất là thời điểm gay cấn trong mấy ngày nước rút sắp tới, có diễn biến xấu, nhất là có ưu ái thái quá với chủ nhà. Thông thường, khi các Đại hội thể thao diễn ra, bất cứ nước nào đăng cai cũng được trọng tài ưu ái.

Bản thân chủ nhà, trước sức ép của xã hội cũng phải tìm nhiều cách để cải thiện vị trí trên bảng tổng sắp, nhất là những môn mang tính cảm tính, kiểu trọng tài có thể yêu ghét mà cho điểm cao hay thấp. Nhiều khi sự thiên vị thái quá, đã làm buồn lòng những người yêu thể thao chân chính.

Vấn nạn trọng tài vốn nhức nhối ở các kỳ SEA Games, vốn là “ao làng”. Nhìn lại 32 nước và vùng lãnh thổ tham gia, chỉ dăm nước là mạnh (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Kazakhstan,  Iran), còn lại nền thể thao vẫn phập phù nên cả V ĐV,  lãnh đội, và các trọng tài rất dễ hành xử và tư duy theo kiểu ao làng. Nếu ASIDA bị lây căn bệnh trọng tài yêu ghét dể chấm bậy từ SEA Games thì thật là đáng thất vọng.

Có mặt ở nhà thi đấu boxing, dù không nhận xét sâu sự việc nhiều nhưng ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nói ý nhị: “Đây là chuyện hy hữu, tôi thấy VĐV Ấn Độ chơi xuất sắc. Tuy nhiên, tôi không bình luận thêm bởi bên nào cũng là bạn của tôi. Với trọng tài môn boxing, họ có thể gật, lắc sang trái, sang phải là chuyện bình thường”.

Hữu Quý (từ Incheon)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm