Longy Lê Hoàng, Giám đốc Giải Vietnam Open 2015: Vietnam Open sẽ thành thương hiệu lớn

17/10/2015 07:51 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là lời khẳng định của Giám đốc giải đấu, Longy Lê Hoàng khi ông trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa. Và những gì đã diễn ra trong những ngày qua quả là đã giúp thế giới biết được về Vietnam Open.

* Ông có hài lòng với công tác chuẩn bị tại giải lần này hay không?

- Tôi thật sự hài lòng. Đưa giải về chính là một cột mốc nhằm định hướng lại chiến lược phát triển quần vợt Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hoá. Đồng thời nâng cao nhận thức và trình độ không chỉ những người quản lý và điều hành trong lĩnh vực quần vợt, mà còn giúp nâng cao trình độ thưởng thức của khán giả. Đây sẽ là cú hích giúp phong trào quần vợt VN phát triển.

Ngay từ bước đầu chuẩn bị, tôi đã được ATP thông báo để dự tính xem giải sẽ có cơ hội tiếp đón bao nhiêu tay vợt đẳng cấp. Cuối cùng, chúng tôi có 2 tay vợt trong top 100 (trong khi dự trù là không có tay vợt nào) và 8 tay vợt top 200. Ngoài ra, chúng tôi còn đón tiếp nhiều tay vợt chất lượng khác như VĐV trẻ số 3 thế giới Duckhee Lee, VĐV người Mỹ gốc Việt Daniel Nguyễn và HCV Á vận hội Somdev Devvarman. Nhà vô địch SEA Games Christopher Rungkat thì tham gia vào vòng đấu loại. Ngay cả Janko Tipserevic (cựu số 8 thế giới) cũng muốn tham dự Vietnam Open 2015. Vì thế, từ góc độ thứ hạng và mặt bằng trình độ của các tay vợt, dự giải, tôi cảm thấy rất hài lòng.

* Có nhiều ý kiến cho rằng Vietnam Open 2015 presented by Bia Saigon Special là một giải đấu quá tầm so với các tay vợt trong nước như Hoàng Thiên và Hoàng Nam. Ông phản hồi lại ý kiến trên như thế nào?

- Đầu tiên, cá nhân tôi chưa trực tiếp nhận được bất kỳ phàn nàn nào tương tự như thế. Nhiệm vụ của tôi là tạo ra một giải đấu tốt với chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khán giả trong khuôn khổ những nguồn lực tôi có được. Điều này sẽ được tiếp tục phát huy trong những năm sau. Còn về phía các tay vợt, họ cũng sẽ được cọ sát và tiến bộ hơn. Nam và Thiên còn chưa bước qua tuổi 21, do đó họ có thể có thêm 10 năm nữa để phấn đấu chiến thắng giải đấu này. Giải đấu này mang đến cho cả hai tay vợt cơ hội để phát triển về nhiều phương diện. Tôi đã trò chuyện với HLV của Lý Hoàng Nam, và ông ấy cho biết mình rất trân trọng cơ hội mà Nam được trao tặng, đặc biệt là cơ hội tập luyện với nhiều tay vợt mạnh (cơ hội mà không phải lúc nào Nam cũng có được), chịu áp lực khi đứng trước đám đông khán giả nhà (như Hoàng Thiên đã từng chịu khi thi đấu Davis Cup tại Việt Nam) cũng như cơ hội tìm kiếm những điểm ATP quý giá.

* Tại sao Bia Saigon lại được lựa chọn làm nhà tài trợ chính của giải đấu lần này?

- Trong giai đoạn chuẩn bị cho giải đấu, tôi đặt ra 2 mục tiêu chính về marketing. Thứ nhất là đưa Việt Nam trở lại lịch thi đấu quần vợt quốc tế. Đây là vấn đề quan trọng không chỉ với bộ môn tennis mà còn đối với ngành du lịch Việt Nam. Thứ hai, làm cho giải đấu được kết hợp mạnh mẽ với một thương hiệu Việt. Sẽ là vô nghĩa nếu giải đấu xuất hiện trên lịch đấu quốc tế nhưng không dưới cái tên (thương hiệu)…Cup nào đó. Cần phải làm cho Vietnam Open trở thành một cái tên gây được ấn tượng quốc tế và gắn liền với một thương hiệu tài trợ nổi tiếng của Việt Nam.

SABECO là một tập đoàn kinh tế lớn với nhiều tham vọng mở rộng và phát triển. SABECO kinh doanh không chỉ ở lĩnh vực bia mà còn thu hút thị phần ở lĩnh vực nước giải khát và nước uống tinh khiết. Phải nói rằng SABECO là một nhà tài trợ tuyệt vời. Đội ngũ marketing của họ đã hiểu và thông cảm, không ép chúng tôi phải đổi tên giải thành “Bia Saigon Cup”. Mọi thành viên liên quan đến việc tổ chức giải đều gắn bó với sản phẩm của Bia Saigon. Là một đội ngũ, chúng tôi cam kết giới thiệu sản phẩm của Bia Saigon tới các tay vợt quốc tế dự giải, và họ sẽ giúp lan toả hình ảnh của Bia Saigon thông qua tin tức và mạng xã hội. Thêm vào đó, các tay vợt sẽ kể với bạn bè và gia đình về Bia Saigon. Chúng tôi cam kết mang lại cho các tay vợt một giải đấu tuyệt vời, để họ nhớ mãi Vietnam Open và nhà tài trợ chính Bia Saigon.

* Ông mong đợi những gì từ mối hợp tác lần này?

- Tôi đang làm việc với Bia Saigon với tầm nhìn xa chứ không phải chỉ trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, kế hoạch tổ chức của tôi tương đối đơn giản: làm hài lòng các khách hàng. Vietnam Open có 3 khách hàng chính: nhà tài trợ, khán giả và tay vợt. Cả 3 đều quan trọng như nhau. Nếu các tay vợt hài lòng, họ sẽ thi đấu hết sức mình, làm khán giả hài lòng và đến sân nhiều hơn, từ đó các nhà tài trợ cũng sẽ vui lòng. Ngược lại, nếu nhà tài trợ vui lòng và rộng tay thì các tay vợt sẽ phấn chấn thi đấu để làm nức lòng khán giả. Chúng ta đều biết điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng không vừa ý.

Sau giải đấu, chúng tôi sẽ làm việc với tất các các đối tác tài trợ. Về phía Bia Saigon, chúng tôi sẽ ngồi xuống để cùng nhau thảo luận cách thức để quảng bá tốt hơn nữa thương hiệu và sản phẩm Bia Saigon đến các khán giả trong nước cũng như quốc tế mà giải đấu thu hút được. Mặc dù Bia Saigon là nhà tài trợ chính, chúng tôi cũng xem họ như một đối tác. Vietnam Open sẽ làm việc với Bia Saigon để cải thiện và phát triển các cơ hội marketing. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện công việc tương tự với Hưng Thịnh, Pepsi, Samsung, bệnh viện FV, Babolat, Vietravel và khách sạn Vissai Saigon.

* Ông có thể chia sẻ đôi điều về tầm nhìn lâu dài của giải đấu?

- Nếu chúng ta nhìn vào các quốc gia như Úc, Pháp, Anh và Mỹ, họ có những nguồn lực mạnh mẽ để phát triển các chương trình liên quan đến quần vợt, bởi họ sở hữu các giải Grand Slam. Tầm nhìn trọng điểm của tôi là biến Vietnam Open  trở thành một ngày hội tennis thường niên, bao gồm đấu trường ATP Tour 250 và bao gồm cả nội dung thi đấu nữ và thanh thiếu niên (cả nam lẫn nữ). Quần vợt Việt Nam sẽ có nền tảng vững chắc hơn hẳn nếu Vietnam Open đạt đến được mức độ nêu trên. Để biến điều này thành hiện thực, sẽ phải trải qua một cuộc hành trình dài, làm việc với nhiều đối tác để tìm địa điểm và phát triển một trung tâm quần vợt quốc gia, mua bản quyền ATP và WTA, cùng hàng loạt công việc khác với các nhà đầu tư và tài trợ.

Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm