Lời giải cho bài toán linh vật của làng đá Non Nước, Đà Nẵng

12/12/2014 21:20 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) – Từ ngày 12/12 đến ngày 23/12/2014. tại Bảo tàng Đà Nẵng diễn ra triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.

Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức. Đây là bước giải đầu tiên cho bài toán khó khăn của làng đá Non Nước, kể từ khi công văn 2662 của Bộ VHTT&DL ban hành.

Tháng 7/ 2015 sẽ quyết liệt xử lý những di tích vi phạm

Triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” gồm khoảng 60 con nghê và sư tử từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng,…và một số tư liệu, tài liệu khoa học phụ của các tổ chức, đồng nghiệp có liên quan như hình ảnh, các bản vẽ đạc hoạ, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật…

Tại triển lãm, ông Phan Văn Tiến- Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam cho rằng: “Từ góc nhìn văn hoá truyền thống mang tính biểu tượng, chúng ta thấy không gian tín ngưỡng cổ truyền đã định hình qua nhiều thế kỷ đang bị lai căng, pha tạp, biến dạng. Điều này có nguyên  nhân từ khoảng trống trong giáo dục di sản nghệ thuật và đặc biệt là thiếu cơ hội để công chúng được khám phá và tìm hiểu một cách căn bản về nét đẹp tạo hình cũng như ý nghĩa biểu tượng văn hoá của một sô hình tượng linh vật trong nghệ thuật cổ Việt Nam”.

Qua đây, ông Tiến cũng nêu lên một số đặc điểm của linh vật Việt để công chúng dễ nhận biết: “Về tạo hình, linh vật Việt mang tính trang trí, có sự kết nối giữa các thời đại Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn, mang đậm bản sắc Việt. Về ý nghĩa, linh vật Việt có tính hiền hậu, nghênh đón, đúng với cốt cách của người Việt”.

Trao đổi với báo chí tại họp báo trước triển lãm, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhận định: “Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm định hướng thẩm mỹ công chúng trên cơ sở sưu tập hiện vật bảo tàng để giáo dục toàn diện về trí- đức- thể- mỹ. Từ đó giúp công chúng nâng cao hiểu biết, biết trân trọng và tự hào với kho tàng di sản và truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam.”

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Lộ trình của Bộ năm 2014 là tuyên truyền, cảnh báo và hoàn thiện việc kiểm kê, lập hồ sơ quản lý thật chặt và khuyến cáo người dân, nhất là Ban trị sự Phật giáo không được nhận những cúng tiến không đúng trong hồ sơ. Sau tết dương lịch năm nay, sẽ thực hiện nhiều giải pháp như triển lãm những linh vật Việt, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu qua các tờ rơi, băng rôn, áp phích,… Sau đó, tập trung hướng dẫn cho lễ hội, tổ chức lễ hội. Đến tháng 7 âm lịch năm 2015 sẽ làm quyết liệt hơn, xử lý những nơi vi phạm, cố tình trưng bày linh vật ngoại lai.

Qua 5 tháng, sơ kết công văn 2662, điều mừng nhất là đã có 53/64 tỉnh thành vào cuộc, có kế hoạch cụ thể. Nhiều địa phương đã làm dứt điểm, không còn linh vật ngoại lai trong các di tích. Bên cạnh đó, Bộ cho xuất bản cuốn lịch 2015 để quảng bá hình tượng linh vật Việt”.

Sẽ xuất khẩu linh vật ngoại lai

Sở VHTT&DL Đà Nẵng đã thống kê cụ thể toàn bộ tất cả nghê, sư tử, lân trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó có 2 di tích có 2 cặp lân và sư tử. Đến giờ phút này, tất cả các di tích của Đà Nẵng không còn một tượng linh vật ngoại lai nào. Sở cũng đã làm việc với Ban Trị sự Thành hội Phật Giáo để tháo gỡ các hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các đình, chùa, miếu,…

Báo cáo trong cuộc họp báo sáng ngày 12/12, ông Nguyễn Hữu Chiến- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng nói: “Kể từ khi công văn 2662 của Bộ ban hành, tình hình sản xuất kinh doanh của làng nghề đá Non Nước đã ngưng trệ. Di sản quốc gia này có hơn 500 cơ sở sản xuất với 3.000 lao động, trong đó có 1.000 lao động chuyên làm nghề tạc tượng lân, nghê, sư tử, chiếm 2/3 doanh thu của làng đá. Đến giờ, 1.000 này này bị ngưng lao động.

 TP Đà Nẵng đã có biện pháp để khắc phục khó khăn trên, như: triển lãm để giới thiệu đến công chúng hình tượng linh vật Việt; tổ chức đợt vận động sáng tác các tác phẩm nghệ thuật dựa trên mẫu tượng truyền thống. Trên cơ sở đó, chấm chọn các tác phẩm rồi đưa ra quảng bá với công chúng, và sản xuất bán ra thị trường.

Hiện, 4.500 cặp lân, sư tử ngoại lai ở làng đá có trị giá đến 80 tỷ. Không ai có thể cấm người ta sản xuất kinh doanh. Mặt khác, 1/2  thị trường của làng đá là nước ngoài. Vì thế, những mẫu linh vật ngoại lai này sẽ được xuất khẩu bởi thị trường nước ngoài vẫn có nhu cầu. Những linh vật lớn, không bán được sẽ giữ lại để cải tạo sang linh vật Việt”.

Hồng Thuý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm