Kỷ lục gia châu Á Vũ Thị Sen và niềm vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ

19/05/2020 08:20 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Ở tuổi 72 cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Thị Sen vẫn nhớ từng chi tiết trong 2 lần vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1965 và năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Trọn cả cuộc đời khắc ghi trong tâm khảm và làm theo lời Bác dạy cũng chính là cách để bà Sen tưởng nhớ về Người.

Sâu lắng chương trình cầu truyền hình 'Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam'

Sâu lắng chương trình cầu truyền hình 'Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam'

Liên khúc các bài hát thể hiện tình yêu của thiếu nhi với Bác Hồ: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, “Nhớ ơn Bác”, “Mong Bác vô Nam”, “Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác” được thể hiện trong trẻo qua lời ca, tiếng hát của các em thiếu nhi tại các điểm cầu đã mở màn cho chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Hồ Chí Minh, Sáng ngời ý chí Việt Nam” diễn ra tối 18/5.

Niềm vinh dự vô bờ

Nhớ lại hai lần được gặp Bác, tuyển thủ quốc gia bơi Vũ Thị Sen cho rằng, đó là niềm vinh dự vô bờ, số phận phải cực kỳ may mắn bà mới có được vinh dự đó và thậm chí kể cả trong mơ cũng chưa bao giờ nghĩ tới.

“Lần đầu vào tháng 11 năm 1965, khi đó tôi mới 17 tuổi đang tập luyện ở đội tuyển quốc gia thì có đoàn VĐV bơi lội và bóng bàn Trung Quốc sang thăm và thi đấu hữu nghị tại Việt Nam. Cùng với các VĐV nước bạn, tôi với một số VĐV của mình được gặp Bác tại Phủ Chủ tịch. Lần đầu gặp Bác, bao cảm giác hồi hộp, lo lắng trước đó gần như tan biến vì Bác quá đỗi giản dị và gần gũi với tất cả mọi người.

Hôm đó, sau khi hỏi thăm tất cả mọi người trong đoàn, Bác căn dặn chúng tôi: “Các cháu cố gắng phấn đấu học tập các bạn để đạt thành tích bằng và vượt các bạn”. Sau buổi được gặp Bác hôm đó, tôi tự nhủ với lòng mình phải luôn cố gắng tập luyện thật tốt theo lời Bác dặn.

Ghi nhớ lời Người, chúng tôi về hăng say tập luyện dù thời đó còn rất nhiều khó khăn, hầu hết mọi người đều tập ở ngoài sông, hồ hoặc ở bể bơi nước lạnh. Nhiều hôm, trời rét căm căm nhưng cứ đến giờ là xuống nước tập với tinh thần rất cao. Đến năm 1966, khi đi thi đấu tại Đại hội thể thao GANEFO cũng như vậy, với rất nhiều VĐV đây là lần đầu tiên được ra nước ngoài thi đấu nhưng chẳng ai có cảm giác lo lắng hay gì cả. Mọi người đều thể hiện sự quyết tâm giành thành tích cao để góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

"Tôi là người đầu tiên ở đội tuyển bơi bước vào thi đấu ở nội dung 200m ếch, khi bước lên bể thấy tinh thần mình rất thoải mái, lúc đấy chỉ quyết tâm làm sao chiến thắng để giành thành tích cho Tổ quốc. Xuống nước là tôi cố hết sức để bơi, sau 50m lướt nhìn dưới nước không thấy các bạn nữa phấn khởi lắm rồi, rồi đến 100m và 75, 20m cuối vẫn cắm đầu, cắm cổ bơi. Về đến đích ngẩng lên thấy mọi người trên khán đài cổ đứng hết cả lên vũ rầm rộ mới biết mình đã về nhất", bà Sen nhớ lại.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp các VĐV tiêu biểu của đoàn TTVN tham dự Đại hội GANEFO châu Á 1996. Bà Vũ Thị Sen đứng thứ ba từ phải sang. Ảnh: TC TDTT

Tại Đại hội thể thao GANEFO năm ấy, đoàn thể thao Việt Nam giành được 4 HCV và rất nhiều HCB, HCĐ, tôi cũng giành được 1 HCV, 1 HCB và phá kỷ lục châu Á nội dung 200m ếch. Mọi người trong đoàn rất tự hào và phấn khởi vì chẳng ai nghĩ Việt Nam giỏi thế, đất nước thi đang chiến tranh, điều kiện tập luyện thiếu thốn nhưng thành tích giành được rất ấn tượng. Sau chuyến thi đấu tại Campuchia, tất cả trở về và đi sơ tán ở Phúc Thọ (Hà Tây cũ) vì thời điểm đó Mỹ đánh phá Hà Nội rất ác liệt. Cả đội tập ở ngoài bãi sông Hồng hôm nào bơi cự ly dài, còn không thì vào hồ tập nếu bấm giờ.

Vào ngày 19/12/1966, khi chúng tôi đang tập thì có một chiếc xe Com-măng-ca của Ủy ban TDTT về, có một bác lãnh đạo bảo, các cháu về ăn cơm đi, mấy VĐV vừa đi thi đấu về chuẩn bị đi dự lễ báo công, thế là tất cả đi về chuẩn bị. 14h00 chiều trên đường từ Sơn Tây về thì 2 lần ô tô phải đỗ lại để cho mọi người xuống hầm trú ẩn, lần thì máy bay địch cách hầm 10km, lần thì 20km.

Đến khi về đến Ủy ban TDTT, mọi người ai cũng nghĩ là sẽ tham dự lễ báo công với lãnh đạo Đảng và Nhà nước như thế đã là vinh dự lắm rồi, không ai nghĩ được gặp Bác cả vì ai cũng biết Bác còn bận việc nước. Tôi được giao nhiệm vụ báo cáo thành tích nên rất phấn khởi, các bác lãnh đạo còn dặn, cháu cứ giới thiệu tên cháu, quê cháu và cháu đạt thành tích thế nào thôi.

Khi đi vào Phủ Chủ tịch, vào đến Hội trường phía sau ổn định chỗ ngồi, thì các chú kéo 4 VĐV giành HCV lên phía trên, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra tiếp đoàn và ai cũng phấn khởi.

Lúc này, tôi cũng chỉ nghĩ, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đã là vinh hạnh lắm rồi. Thế nhưng, khi chúng tôi đang nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện thì bỗng có tiếng reo: “Ôi, Bác! Bác Hồ!”. Tất cả đều sững sờ vì bất ngờ và bật khóc. Thấy vậy, Bác bảo: “Gặp Bác sao không vui mà lại khóc?”. Nhìn qua một lượt, Bác hỏi: “Thế, cháu nào cũng có huy chương à?”. Quay sang tôi và xạ thủ Trần Oanh, Bác hỏi tiếp: “Còn hai cháu này được những 2 huy chương kia à?”. Bác nói tiếp: “Được 2 huy chương nhưng đừng có kiêu nhé”. Bác lại nhìn sang anh Trần Hữu Chỉ, Bác hỏi: “Cháu này môn gì?” Anh Chỉ trả lời: “Cháu môn điền kinh ạ”. Bác bảo: “Ai cũng chạy nhanh thế này thì làm giao liên tốt đấy”. Tất cả mọi người đều rất phấn khởi và cảm nhận được sự gần gũi, hiền hòa của Bác.

Sau khi ổn định lại để lãnh đạo Ủy ban TDTT báo cáo thành tích với Bác, Bác hỏi còn cháu nào muốn phát biểu gì không? Lúc đó, tôi mới giật mình vì được giao nhiệm vụ báo cáo với Bác nên đứng dậy ấp úng nói: "Thưa Bác cháu là Vũ Thị Sen. Cháu quê ở Nghĩa Phú, Nghĩa Hưng, Nam Định. Nhờ có Đảng, có Bác và tập thể, chúng cháu cố gắng để đạt thành tích tốt…, đến đây tôi quên mất là phải nói gì nữa, thì Bác nhắc luôn: “để góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta”. Lúc đó, tất cả mọi người đều ồ lên rất vui vẻ.

Sau đó Bác tặng cho 4 VĐV giành HCV tấm Huy hiệu của Bác và mọi người cùng ra chụp chung với Bác một bức ảnh. Sau khi chụp một bức ảnh chung thì Bác bảo, 4 VĐV có HCV chụp riêng với Bác. Kết thúc việc chụp ảnh, mọi người chia tay vì Bác không có thời gian và bận nhiều việc khác. Đi đến chỗ vườn hoa mọi người vẫn cố quay lại phía ngoái nhìn Bác, cảm giác lúc ấy thật khó tả, chỉ thấy Bác thân thương quá đỗi, gần gũi giống như người cha của mình”.

Trọn đời làm theo lời Bác dạy

“Thắng không kiêu, bại không nản” và “không ngừng phấn đấu học tập và rèn luyện” lời Bác dạy năm xưa tôi luôn khắc sâu trong tâm khảm. Từ lúc là VĐV, sau này công tác ở bộ môn Bơi (Tổng cục TDTT), rồi ở Hiệp hội Thể thao dưới nước và kể cả những lúc đi dạy bơi cho các bạn nhỏ, tôi luôn làm theo lời Bác dặn.

Cuộc sống dù có khó khăn lúc này lúc kia nhưng nhìn lại, mình luôn tự hào vì những gì đã làm được và đã hoàn thành nhiệm vụ theo lời Bác dạy. Tác phong giản dị, hòa đồng và gần gũi của Bác cũng ảnh hưởng rất nhiều tới cách ứng xử của tôi trong cuộc sống, trước hết, mình phải luôn vì mọi người, sau đó thì mọi người sẽ vì mình.

Tôi luôn mong rằng, các em, các cháu VĐV luôn nhớ kỹ lời dạy của Bác, thắng không kiêu, bại không nản, luôn khiêm tốn và cần cù trong tập luyện như vậy mới có thể giành thành tích ngày càng cao hơn nữa”, bà Sen gửi lời nhắn nhủ các thế hệ VĐV sau này.

Chiếc kẹo Bác Hồ và kỷ niệm không quên

Một chi tiết nhỏ trong hai lần gặp Bác Hồ khiến bà Sen nhớ mãi không quên chính là câu chuyện xung quanh chiếc kẹo. Lần đầu tiên được gặp Bác cùng với đoàn VĐV quốc tế vào năm 1965, buổi gặp hôm đó có bánh kẹo đầy đủ. Bác chia cho mỗi người 2 chiếc kẹo để mang về nhưng do hôm đó không có túi nên bà Sen để trên mặt bàn vì sợ cầm ở tay kẹo sẽ chảy. Kết thúc buổi gặp mặt, mọi người cùng lên chụp ảnh với Bác ở ngoài và sau đó về luôn không quay lại phòng khách nữa nên bà Sen cứ tiếc mãi vì không thể mang về 2 chiếc kẹo Bác cho.

Đến lần gặp thứ hai vào năm 1966, khi Bác vào phòng khách gặp VĐV, nhìn thấy trên bàn không có bánh kẹo gì, Bác mới hỏi: “Tiếp các cháu đi thi đấu về chỉ có nước chè và hoa thôi sao? Không có bánh kẹo à?”. Trong khi mọi người chưa biết nói gì cả, thì Bác nói tiếp: “Các cháu thông cảm, đất nước ta còn nghèo, lần sau sẽ có”. Sự giản dị, ân cần của Bác làm cho tất cả mọi người đều thấy vui vẻ và luôn có cảm giác Bác thật gần gũi như những người ruột thịt trong gia đình.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm