Kỳ III: Cơn ác mộng 'lên đỉnh' 3339m của một runner liều lĩnh

10/08/2022 17:27 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số báo này, chúng tôi sẽ để ca sĩ Đức Tuấn tự viết về cuộc chinh phục giải marthon nức tiếng ở Indonesia mà anh vừa trải nghiệm, để thấy rằng đam mê và nghị lực của anh thật lớn.

'Con đường cống hiến' của Đức Tuấn

'Con đường cống hiến' của Đức Tuấn

Với 11 ca khúc kinh điển của âm nhạc Việt Nam và thế giới được biểu diễn cùng sự đầu tư công phu về dàn nhạc, thiết kế sân khấu, hình ảnh, ca sĩ Đức Tuấn đã kể những câu chuyện về tình yêu đầy xúc động và tự hào trong chương trình "Con đường âm nhạc" tối 26/6 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).

Trong một buổi chiều ngồi ở một quán cà phê trên phố cổ Hà Nội, tôi (Đức Tuấn) nghe loáng thoáng về MSC từ những người anh em chạy bộ “không được bình thường cho lắm” của mình.

Nào là “giải chạy trail khó nhất Đông Nam Á”, “chạy trên đỉnh núi lửa”, “du đấu nước ngoài”, “DNF (Did not finish - Không hoàn thành cuộc thi) gần hết”, “đỉnh cao hơn cả Fansipan”… Tuấn cũng không để tâm lắm vì từng nghĩ mình chẳng thuộc về nơi đó, sân chơi của những tinh hoa, những chân chạy nhanh nhất hoặc “lầy nhất Việt Nam”. Vậy mà Tuấn đã lầm.

Đường chạy địa hình lên đỉnh “ác mộng” của runners

MSC là giải đấu Ultra trail marathon được tổ chức hàng năm tại tỉnh East Java, Indonesia. Các VĐV sẽ chạy qua 2 đỉnh núi lửa Welirang cao 3.156m và Arjuno cao 3.339m so với mực nước biển với các cự ly 21km, 35km, 55km. Đặc biệt 2 cự ly 75km và 116km - ác mộng của những chân chạy dù có nhiều kinh nghiệm nhất.

Đúng như tên gọi, đây thực sự không phải cuộc đua mà là một thử thách cực đỉnh được tạo ra để hạ gục những runner liều lĩnh nhất. Tỷ lệ người về đích rất thấp hàng năm cảnh báo cho bất cứ ai muốn tham gia hãy chuẩn bị tinh thần để bỏ cuộc.

Cuối cùng thì máy bay cũng đã đáp xuống sân bay Surabaya. Đến lúc này, Tuấn vẫn chưa hiểu lắm tại sao mình lại quyết định quá liều lĩnh như vậy. Đăng ký cự ly 75km với 2 tuần trước ngày xuất phát, mọi sự chuẩn bị và tập luyện cũng gói gọn trong khoảng thời gian này. Thật may mắn là có 6 người anh em tuyệt vời, những chân chạy trail hàng đầu Việt Nam đã đồng hành. Thôi thì cứ đi thôi!

Từ sân bay về đến resort Kaliandra, điểm tập trung chính, vạch xuất phát, đích đến của MSC cũng như là nơi Tuấn lưu trú mất 90 phút. Tại đây, Tuấn đã tìm ra được câu trả lời cho sự liều lĩnh của mình. Qua cửa kính xe, những ngọn núi lửa hùng vĩ vút lên từ đồng bằng, xung quanh là những đỉnh núi được mây che phủ toát lên sự mê hoặc không cưỡng lại được.

Sáu giờ sáng, hiệu lệnh xuất phát vang lên. Tuấn cùng Trọng Nhơn và 74 VĐV khác của cự ly 75km phấn chấn lao đi chinh phục thử thách khét tiếng đầu tiên, cũng là “đặc sản” của MSC: Leo dốc liên tục 2.400m để lên đến đỉnh núi lửa Welirang nằm ở độ cao 3.156m so với mực nước biển, cao hơn cả nóc nhà Đông Dương.

Vì có kinh nghiệm tham gia nhiều giải trail trước đó, cộng với việc khá hiểu cơ thể của mình, Tuấn lựa chọn cách tiếp cận thử thách khá thận trọng và điềm tĩnh. Giữ một tốc độ vừa phải, để giữ sức cho toàn bộ cuộc đua, Tuấn từng bước vững chắc tiến dần đến đỉnh núi lửa, không quên phóng tầm mắt thật xa để chiêm ngưỡng cảnh vật Indonesia từ trên cao, cảm giác sảng khoái mới lạ phần nào làm cho sự mệt mỏi tan biến đi.

Chú thích ảnh

Sau hơn 4 tiếng, đỉnh Welirang đã dần hiện ra trong tầm mắt. Lần đầu tiên, Tuấn được nhìn tận mắt một đỉnh núi lửa đã ngưng hoạt động với địa hình đá trọc và tro bụi đặc trưng, xung quanh những cột khói lưu huỳnh vẫn bốc lên nghi ngút. Cái nắng gay gắt giữa trưa hè kết hợp với mùi lưu huỳnh rất khó ngửi xộc thẳng vào mũi đã đánh gục dần nhiều VĐV, tuy nhiên điều đó cũng tạo nên nét hấp dẫn rất khác biệt của nơi này.

Tuấn dừng lại ở đỉnh núi khá lâu để chiêm ngưỡng thành quả đầu tiên mình đạt được, ngắm miệng núi lửa, ngắm biển mây, cảm nhận sự nhỏ bé của mình trước thiên nhiên hùng vĩ, lấp đầy tâm hồn với những điều tuyệt diệu mà tự nhiên mang đến, phủi sạch những muộn phiền do loài người gây ra.

Đến lúc phải đổ dốc để chinh phục đỉnh núi cao hơn kế bên: Đỉnh Arjuno. Sau đoạn đầu leo rất cao rất mệt mỏi nhưng không quá khó, Tuấn đã gặp cú sốc đầu tiên, đó là đoạn đổ dốc dựng đứng với những tảng đá rất lớn, đòi hỏi những kỹ thuật rất điêu luyện. Nhưng đừng vội, đó chỉ mới là lời cảnh báo nhẹ cho những gì rất kinh khủng đang chờ đợi phía trước.

Vừa hết dốc xuống là đối diện ngay một dốc lên cũng gắt không kém để hướng tới đỉnh cao nhất. Tuấn bắt đầu thấy kiệt sức vì thực sự chưa một lần nào trong đời thực hiện việc leo 3.000m liên tục như lần này.

Cơ thể và tâm trí bắt đầu bị giằng xé tột cùng. Tuy nhiên, Tuấn vẫn kiên định tuyệt đối với chiến lược của mình- “nhanh thì tốt, chậm cũng không sao, nhất định phải luôn bước tới không được dừng lại”. Rồi, đỉnh núi cao nhất sau rất nhiều nỗ lực tưởng chừng gục ngã đã dưới đôi chân Tuấn.

Kinh hoàng đổ dốc trở về

Trước mắt là cây cỏ hoa lá rất lạ mắt xen giữa những tảng đá núi thật lộng lẫy. Hít thở thật sâu, chuẩn bị tinh thần để bắt đầu đối diện với con quái vật khét tiếng của đường chạy đã hút cạn sức lực của biết bao nhiêu người trong suốt nhiều năm qua.

Đoạn đổ dốc với độ cao hơn 2.000m dài 8km, địa hình vô cùng phức tạp là nỗi ám ảnh kinh hoàng được lan truyền trong giới chạy bộ. Ai chạy trail một thời gian đều nhận ra rằng, lên dốc thì mệt nhưng đổ dốc mới là thủ phạm “phá cơ” dữ dội nhất. Đa số VĐV bỏ cuộc ở những năm trước đều do con dốc này.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Đức Tuấn trên tuyến đường hiểm trở lên đỉnh 3.339m tại giải đấu Ultra trail marathon ở Indonesia. Ảnh NVCC

Những đoạn dốc ngày càng dựng đứng xuyên qua rừng cây mỗi ngày một rậm rạp hơn. Đến đây thì không hiểu vì lý do gì đấy, Tuấn chỉ còn lại một mình giữa đại ngàn. Không còn bất cứ âm thanh nào của con người, của sự văn minh, chỉ có tiếng gió, tiếng thú rừng, tiếng cây cỏ, tiếng bước chân của chính mình, tiếng hơi thở và tiếng trái tim rộn ràng trong lồng ngực. Mỗi bước chân lúc này là một cơn đau truyền trong từng thớ thịt, nhưng đó là một sự đau đớn đắm say cứ thôi thúc Tuấn tiến về phía trước.

Ra khỏi đoạn dốc xuyên rừng là đoạn dốc đồng cỏ bát ngát, cỏ cao hơn đầu người trải dài hút tầm mắt. Cỏ có thể cứa vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, mỗi bước chân đều chứa đựng nguy cơ té ngã theo mọi hướng. Tuấn đã hiểu ra tại sao quá nhiều người đã bỏ cuộc sau con dốc này.

Đi nhanh thì quá nguy hiểm, đi thận trọng thì sức chịu đựng con người bị vượt quá giới hạn. Đôi lúc Tuấn thấy tuyệt vọng vì con dốc này dường như bất tận. Tuấn đành nghĩ ra một trò chơi mới đó là ngồi xuống và trượt dài trên cỏ như trò chơi của trẻ con.

Và Tuấn đã tìm ra được giải pháp hiệu quả để thoát ra khỏi con ác mộng đó một cách nhanh chóng mà không ngã và hại cơ chân, chỉ phải cẩn thận vài chướng ngại vật nho nhỏ như đá và gốc cây nhô lên từ dưới lớp cỏ dầy.

Đoạn đường bằng đã hiện ra trước mắt, mọi chuyện lại tồi tệ theo một hướng khác. Đường đi là những rãnh nhỏ chỉ vừa đúng một bàn chân, với hai mép đất ở hai bên đường bằng đất sét trơn tuột nhô lên kiểu chữ V. Lễ hội chụp ếch bắt đầu!

Không thể đi trên hai mép đất, các vận động viên phải đặt từng bàn chân vào rãnh giữa, chỉ cần 1mm không chính xác, bạn sẽ thấy mình bị quẳng sang 2 bên vào các bụi rậm, gốc cây, hàng rào kẽm gai 2 bên đường. Những đoạn đường ít độ dốc này mới làm cho họ ngã nhiều nhất cuộc đua. Một cảm giác ức chế tột độ cứ dâng lên đánh đố lòng kiên nhẫn của mọi người.

Sau bao vật vã và vỗ về bản thân, Tuấn cũng đã qua được đoạn dốc kinh hoàng đó rồi vượt qua hàng chục km để đến điểm tiếp tế, chuẩn bị vào sườn núi Mahapena vào lúc hoàng hôn.

Nhìn vào sơ đồ đường chạy, đoạn đường này chỉ dài 12km với độ cao phải đạt được chỉ có 1.183m, cũng không nghe ai nhắc về cái tên này trước cuộc đua, Những anh em Việt Nam đều nghĩ đã đến lúc dễ thở hơn sau những sự kinh khủng của đoạn đầu. Nhưng, đó mới là sự nhầm tưởng lớn nhất của mọi người.

Đón đọc kỳ cuối: Trong ánh bình minh huy hoàng về đích

Hoàng Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm