HLV Đổng Quốc Cường: 'Săn huy chương để viết lên lịch sử'

05/09/2016 13:44 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - “Dù huy chương nào thì cũng là lịch sử với Thể thao Việt Nam”, vì thế HLV trưởng Đổng Quốc Cường chia sẻ thầy trò ông đang hướng tới kỳ tích. Tại Paralympic Rio 2016, chưa bao giờ Thể thao người khuyết tật Việt Nam tự tin có huy chương đến thế.

Đến với Paralympic Rio lần này, ông đặt ra những mục tiêu nào cho học trò của mình?

HLV Đổng Quốc Cường: Từ cuối năm 2014 đến nay, các VĐV phải tham gia nhiều giải đấu quốc tế để nâng dần thành tích, thứ hạng càng cao trên bảng xếp hạng thế giới thì càng tốt. Lần cuối cùng tính điểm là giải vô địch châu Âu mở rộng năm nay, thành tích của các em đều tăng. Trong đó, Võ Thanh Tùng giành được 1 HCV và 1 HCĐ.

Ở giai đoạn cuối cùng, tất cả các em đều đang rất nỗ lực. Nhưng theo tôi, Võ Thanh Tùng là người có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương vàng, bạc, đồng với các đối thủ mạnh nhất thế giới. Với Trịnh Thị Bích Như và Nguyễn Thành Trung, tôi hy vọng hai em có thể vào đến vòng chung kết, đoạt huy chương thì càng tốt”.

Không chỉ riêng ông, mà nhiều thành viên khác trong Hiệp hội Paralympic Việt nam cũng đặt kỳ vọng rất lớn vào thế hệ VĐV này?

- Qua 4 lần dẫn dắt các VĐV tham dự Paralympic, tôi thấy đây là lứa tốt nhất, có nhiều triển vọng nhất. Những VĐV này đã được đào tạo qua hai kỳ Thế vận hội. Đây chính là thời điểm các em “chín” nhất.


HLV Đổng Quốc Cường và trò cưng Võ Thanh Tùng.Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giới chuyên môn và truyền thông gọi họ là “Thế hệ vàng”. Nếu Rio lần này chúng ta trắng tay, thì sang 4 năm nữa tại Tokyo sẽ khó lắm khi tuổi các VĐV cũng lớn rồi mà thế hệ VĐV đi sau cách biệt với thế hệ này xa lắm”. Tôi luôn nói với học trò của mình, phải quyết tâm trong từng buổi tập: “Làm một huy chương đi, dù có màu gì, thì các con cũng đi vào lịch sử!”

Trong giai đoạn nước rút, ông cùng các học trò có chế độ tập luyện và dinh dưỡng như thế nào?

Kình ngư Võ Thanh Tùng: 'Cứ nghe Quốc ca là tôi muốn khóc'

Kình ngư Võ Thanh Tùng: 'Cứ nghe Quốc ca là tôi muốn khóc'

Trước thềm Paralympic 2016, “chàng trai vàng” của đường đua xanh khuyết tật Việt Nam Võ Thanh Tùng không ngại chia sẻ những ước mơ và cảm xúc rất “độc và lạ” của mình.

- Một ngày các VĐV đội bơi tập 3 tiếng dưới nước và tiếng trên cạn. Về dinh dưỡng, đây là năm đầu tiên, các VĐV khuyết tật được hưởng chế độ đặc biệt, có tiêu chuẩn cao như những VĐV bình thường dự Olympic.

Khi các em được ăn uống và thuốc men đảm bảo, chúng tôi mới mạnh dạn đề ra những bài tập nặng, nhưng cũng rất đề phòng với chấn thương. Chúng tôi phải tránh hết sức trường hợp như em Tùng tại Paralympic London 4 năm trước.

Đội có tính toán việc tập luyện để không bị “khớp” do thay đổi nhịp sinh học khi đến Brazil không, thưa ông?

- Để khắc phục với việc chênh lệch múi giờ, chúng tôi kéo dài giờ tập qua 12h trưa. Làm như vậy các em học được cách khắc chế cơn buồn ngủ. Dù giờ thi đấu có là 12h00 đêm ở Việt Nam thì VĐV vẫn sẽ có thể trạng và tinh thần tốt nhất. Điều vui là các VĐV đều tập nghiêm túc và rất tự tin.

Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

Diệu Hoàng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm