Giải quần vợt Roland Garros: Hấp dẫn vì những thách thức

02/06/2020 08:00 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu không xảy ra đại dịch Covid-19, giờ này, chúng ta đã cùng nhau thưởng thức Roland Garros, giải đấu được xem như đặc biệt nhất trong số các Grand Slam trong năm.

Bóng đá hôm nay 2/6: Rashford ‘lật kèo’ phút chót với Barca. Sáng tỏ tương lai của Messi

Bóng đá hôm nay 2/6: Rashford ‘lật kèo’ phút chót với Barca. Sáng tỏ tương lai của Messi

Rashford ‘lật kèo’ phút chót với Barca. Sáng tỏ tương lai của Messi. Tin tức bóng đá 2/6.

Vì sao Roland Garros lại đặc biệt đến thế? Dưới đây là lý giải của ký giả Michael Graham trên trang Tennis365.

Nỗi ám ảnh của nhiều huyền thoại

Trước giải Roland Garros 2018, một nhà báo đã hỏi Andre Agassi rằng anh sẽ làm gì nếu bốc thăm gặp Rafael Nadal ở giải đấu này. Huyền thoại người Mỹ đáp lời ngay lập tức: “Gọi Air France và kiểm tra ngay chuyến bay kế tiếp”. Agassi là một trong số ít những tay vợt toàn diện nhất trong làng banh nỉ và đã từng sưu tập trọn bộ Grand Slam. Nhưng anh vẫn có sự e dè nhất định khi nhắc đến giải đấu trên mặt sân đầy bụi đỏ này.

“Tôi phải vật vã mới vô địch Roland Garros được một lần, thế mà anh chàng này (Nadal) đã lên ngôi ở đó đến 10 lần. Thật là kinh khủng”, Agassi kinh ngạc, “Ý tôi là, 10 chức vô địch Roland Garros ư? Thôi nào, thật là bất khả thi”. Thực tế chứng minh rằng đó là điều khả thi, thậm chí số chức vô địch Roland Garros của Nadal đã lên tới 12. Và sẽ chẳng ngạc nhiên nếu thành tích của anh được nâng lên số 13 vào tháng Chín tới.

Nhưng hãy tạm đừng nhắc đến Nadal. Anh là một hiện tượng, là một tài năng có một không hai, và là một bậc thầy thực sự trên mặt sân đất nện. Thực tế, từ trước khi Nadal thống trị Roland Garros, giải đấu này đã là nỗi sợ hãi của rất nhiều tay vợt đỉnh cao.

Các huyền thoại như Arthur Ashe, Boris Becker, Jimmy Connors, Stefan Edberg, John Newcombe và Pete Sampras có một điểm chung: Họ đều không thể giành được Grand Slam sự nghiệp vì bất lực trong việc chinh phục Roland Garros. Ngay cả Roger Federer, Roger Federer vĩ đại với 20 Grand Slam, cũng chỉ đăng quang ở giải đấu này đúng một lần.

Chú thích ảnh
Pete Sampras từng giành 14 Grand Slam, nhưng chưa một lần vô địch Roland Garros

Thách thức từ khí hậu và mặt sân

Vậy điều gì đã khiến mặt sân bụi đỏ của Roland Garros trở thành một nơi khắc nghiệt đến vậy? Lịch thi đấu quần vợt trong năm có nhiều giải đấu sân đất nện hơn hẳn sân cỏ. Điều này đồng nghĩa với việc các tay vợt sẽ có nhiều cơ hội để làm quen với mặt sân này hơn. Nhưng nhìn chung, Wimbledon vẫn được yêu thích hơn Roland Garros.

Mats Wilander có lẽ là người thích hợp nhất để lý giải tại sao Roland Garros lại là thách thức lớn như thế. "Khí hậu ở Roland Garros thay đổi quá nhiều. Bạn sẽ phải chuẩn bị cho những thứ bạn không biết là gì", huyền thoại này chia sẻ trên Reuters, "Bạn có thể tập luyện vào buổi sáng, khi thời tiết thật tuyệt, thế rồi đến khi thi đấu vào buổi chiều thì trời lại mưa phùn và điều kiện thi đấu khác hẳn. Đây là giải Grand Slam duy nhất không có mái che, và là giải đấu duy nhất mà điều kiện thi đấu thay đổi từng giờ, từng ngày".

Theo nhận xét của Wilander, trời chỉ hơi mưa là các tay vợt ở Wimbledon được nghỉ. Còn tại Roland Garros, bạn sẽ phải tiếp tục thi đấu phải học cách tự điều chỉnh. Việc tìm lại được nhịp điệu là một thách thức thật sự. Ngoài ra, đặc tính của sân đất nện có thể khiến lối chơi thông thường của các tay vợt phá sản. Đây là mặt sân khiến trái bóng đi với tốc độ chậm nhất, độ nảy cao nhất, khiến cho những cú đánh bền kéo dài hơn, các trận đấu lâu hơn, khó ăn điểm sớm, cũng như không dễ để lên lưới tấn công.

Sự bảo thủ của Pete Sampras

Đất nện là mặt sân phù hợp với khả năng trượt và đánh xoáy cồng (spin) hơn là giao bóng và volley, cũng như tưởng thưởng cho sự kiên nhẫn và độ bền hơn là sức mạnh và kỹ thuật. Trường hợp của Pete Sampras năm 1995 là minh chứng rõ ràng nhất. Huyền thoại người Mỹ vô địch Wimbledon, US Open, và vào chung kết Australian Open, nhưng bị loại ngay vòng 1 Roland Garros.

Trong sự nghiệp của mình, Sampras giành 14 Grand Slam đều nhờ lối chơi giao bóng và volley để thổi bay các đối thủ trước khi họ kịp bắt nhịp. Năm 1996, Sampras từng lọt vào bán kết Roland Garros – thành tích tốt nhất của anh trong những lần tham dự – nhưng việc không chịu thay đổi lối chơi đã khiến anh trả giá đắt trước Yevgeny Kafelnikov. Hôm ấy, ký giả Bud Collins đã bình luận trên CNN rằng: "Anh ấy đã chơi thực sự tốt cho đến khi trở lại với lối đánh giao bóng và volley, khiến cơ hội tuột mất. Anh ấy khá bướng bỉnh về việc này khi muốn mình lại là Pete Sampras, để rồi thất bại".

Sau đó, Sampras cũng thừa nhận mình đã sai lầm: "Tôi đã thi đấu kiên nhẫn hơn, nhưng rồi khi nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi cảm thấy mình phải làm điều đó", anh chia sẻ trên chương trình Open Court của CNN.

Chính những thách thức cực lớn về mặt tâm lý như thế, theo Michael Graham, đã tạo nên vẻ hấp dẫn của Roland Garros, và biến nó thành giải Grand Slam hay nhất trong năm. Roland Garros là giải đấu đòi hỏi các tay vợt phải nỗ lực hết mình, phải biết thích nghi liên tục, phải vượt qua những thời điểm mềm yếu, sự thỏa hiệp của bản thân mình, để gặt hái thành công.

Và chính điều đó khiến những chiến tích của Rafa Nadal trên mặt sân bụi đỏ này sống mãi với thời gian.

Ai thích Roland Garros, ghét Wimbledon?

Thomas Muster là một ngoại lệ hiếm hoi về thành công ở Roland Garros, nhưng cực vô duyên ở Wimbledon. Ông vô địch Roland Garros 1995, và lên ngôi số một thế giới nhờ những thành công trên mặt sân đất nện. Nhưng Muster mới chỉ đánh 4 trận ở Wimbledon, thua cả 4, thậm chí là không thắng nổi một set nào. Tất cả những thất bại ấy đều đến từ các tay vợt ngoài Top 100.

Mats Wilander từng 3 lần vô địch Roland Garros, nhưng không thể giành Grand Slam sự nghiệp vì thất bại ở Wimbledon, giải đấu mà thành tích tốt nhất của ông chỉ là lọt vào tứ kết.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm