Giải Orange 2012: Mỹ thắng 4 năm liền

01/06/2012 06:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tiểu thuyết đầu tay The Song of Achilles của nhà văn Mỹ Madeline Miller, kể lại một huyền thoại Hy Lạp, câu chuyện về Achilles và cuộc chiến thành Troy, đã đoạt giải Tiểu thuyết Orange năm 2012, kèm theo số tiền thưởng 46.600 USD. 



Nhà văn Mỹ Madeline Miller với giải Tiểu thuyết Orange năm 2012.

1. Tiểu thuyết The Song of Achilles được nhà xuất bản Bloomsbury phát hành lần đầu tiên vào tháng 9/2011. Đây là câu chuyện kể về Patroclus, một vị vua trẻ không có thực quyền bị lưu đày tới Phthia, nơi ông kết bạn với chàng trai Achilles tráng kiện, tuấn tú, con trai của một nữ thần. Khi mối quan hệ của họ trở nên sâu sắc, họ hay tin nàng Helen bị bắt cóc và 2 người đã thực hiện hành trình tới thành Troy.

Với chiến thắng này, Miller trở thành nhà văn Mỹ thứ 4 liên tiếp đoạt giải Orange lần thứ 17. Song đây là năm cuối cùng giải thưởng mang tên Orange sau khi công ty dịch vụ điện thoại di động quyết định chấm dứt bảo trợ giải từ hồi đầu tháng sau 17 năm gắn bó.

Nhà văn Joanna Trollope, Chủ tịch BGK năm nay, biết rằng quyết định trao giải cho tiểu thuyết của Miller sẽ gây kinh ngạc nhiều người. “BGK cũng thấy kinh ngạc với tiểu thuyết này, nhưng nó đã đáp ứng được tiêu chí của giải: sáng tạo và độc đáo. Thế hệ tôi có thể gần gũi với câu chuyện, nhưng nó sẽ lạ lẫm với độc giả trẻ hơn. Miller đã xử lý câu chuyện hết sức nhẹ nhàng” – bà Trollope cho biết.

Ban giám khảo đã mất 3 tiếng đồng hồ để đưa ra quyết định trước khi đồng thuận – vào giữa đêm – trao giải cho tiểu thuyết của Miller.

Bìa cuốn tiểu thuyết The Song of Achilles.

Lọt vào danh sách chung tuyển giải năm nay còn có các tiểu thuyết Foreign Bodies của nhà văn 84 tuổi Cynthia Ozick; State of Wonder của Ann Patchett, nhà văn từng đoạt giải Orange; The Forgotten Waltz của Anne Enright, cây bút từng đoạt giải Man Booker; Half Blood Blues của Esi Edugyan và cuốn tiểu thuyết được nhiều ca ngợi viết về thời hậu chiến ở Rumani - Painter of Silence – của nhà văn Anh Georgina Harding.

2. Miller đã mất 10 năm để viết tiểu thuyết The Song of Achilles. Sinh ra ở Boston, nhưng Miller trưởng thành ở New York và Philadelphia. Sau khi tốt nghiệp trường ĐHTH Brown, cô hiện sống và dạy tiếng Latin ở Cambridge, bang Massachusetts. Nhiều khả năng lượng sách bán ra của cô sẽ tăng vọt nhờ đoạt giải Orange.

Trên website của mình, Miller giải thích về việc cô đã lấy ý tưởng từ đâu cho yếu tố chính trong câu chuyện: Patroclus và Achilles có mối quan hệ yêu đương sâu sắc.

“Tôi đã lấy ý tưởng cho tiểu thuyết của mình từ Platon (427-347 trước Công nguyên, nhà triết học cổ Hy Lap)! Thực ra ý tưởng Patroclus và Achilles là người tình của nhau đã rất cũ rồi. Nhiều nhà văn Hy Lạp-La Mã nhìn nhận mối quan hệ của họ là một mối tình lãng mạn – đây là một cách hiểu phổ biến và đã được chấp nhận trong thế giới cổ đại. Thậm chí trong bi kịch đã thất lạc của Aeschylus (525-456 trước Công nguyên, nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại) cũng có một đoạn Achilles nói về “những nụ hôn” của anh và Patroclus.

Trong trường ca Iliad cũng có nhiều đoạn ủng hộ mối quan hệ của họ, mặc dù đại thi hào Homer chưa bao giờ nói rõ ràng về chuyện đó. Đối với tôi, chứng cứ hấp dẫn nhất, là Achilles đã đau buồn như thế nào khi mất người yêu, khi Patroclus đã bị Hoàng tử thành Troy là Hector giết chết. Anh không chịu hỏa táng xác của Patroclus, mà nhất quyết giữ xác trong lều của mình. Anh khóc than và ôm xác người yêu mặc cho nhiều phản ứng khó chịu xung quanh anh. Cảnh tượng đau đớn này khiến tôi hiểu rằng đây là một mối quan hệ chân thành và thân thiết giữa 2 người đàn ông.

Trong một cuộc họp báo tuyên bố giải, bà Trollope ca ngợi tiểu thuyết và tuyên bố: “Đây là một chiến thắng xứng đáng. Tiểu thuyết The Song of Achilles hết sức độc đáo, đầy đam mê, sáng tạo. Homer chắc hẳn tự hào về cô”.   

Giải Tiểu thuyết Orange được sáng lập từ năm 1996 nhằm tôn vinh và quảng bá ra khắp thế giới tiểu thuyết của các tác giả nữ viết bằng tiếng Anh.


Việt Lâm (lược dịch)

   

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm