Giải Booker nguy cơ bị Mỹ 'xâm chiếm'

22/09/2013 08:37 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Giải Man Booker vốn của Anh và các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung, vừa “mở cửa” cho Mỹ và các nước khác, gây lo ngại về sự xâm lăng văn chương đến từ siêu cường số 1 thế giới.

Báo chí Anh không hề vui vẻ với diễn biến này, còn báo chí Mỹ cũng cho rằng “cuộc xâm lăng” gây phản ứng dữ dội là có lý. Giải Man Booker là niềm tự hào của văn học Anh, về tầm vóc có thể sánh với giải Pulitzer của Mỹ. Đây là 2 trong số các giải văn học quan trọng nhất thế giới.

Việc Man Booker “mở cửa” không khác gì việc “một công ty Anh quốc bị một tập đoàn quốc tế sở hữu”, theo nhà văn người Anh Melvyn Bragg nói với New York Times.

Ra đời để “chống lại” nước Mỹ

Giải thưởng Man Booker cho tiểu thuyết trao lần đầu vào năm 1969, luôn là một vinh quang mà nước Anh và những vùng lãnh thổ trước đây tự hào cho là thuộc về họ. Giải được xem là một vũ khí chống sự lan tỏa của các tiểu thuyết Mỹ, sản phẩm toàn cầu hóa của quốc gia giàu nhất thế giới.

Tên tuổi nhà văn Yann Martel (Canada), tác giả Cuộc đời của Pi (Life of Pi), gắn với việc giành giải Man Booker năm 2002 với chính tiểu thuyết này

Trong quá trình phát triển sau đó, giải Booker đã đạt đến tầm “danh giá và uy tín”, có giá trị tiền mặt lớn (60.000 bảng tức 96.000 USD) và tác động lớn đến thị trường văn học. Giải Booker đã làm nên tên tuổi của những nhà văn như Michael Ondaatje và Yann Martel (tác giả Cuộc đời của Pi) – người Canada, Kiran Desai và Aravind Adiga – người Ấn Độ.

Thành công lớn của giải thưởng là đã mang lại danh tiếng cho những nhà văn vốn khó được biết đến và xuất bản ở Mỹ, một thị trường văn học quan trọng. Tuần trước, Chủ tịch Quỹ giải Booker, Jonathan Taylor, khi tuyên bố “mở cửa" đã giải thích: “Chúng tôi đang từ bỏ giới hạn địa lý và biên giới quốc gia để trở thành một giải thưởng quốc tế đúng nghĩa".

Đây là kết quả của cuộc tham vấn năm 2011, mục đích thay đổi là tăng uy tín và thanh danh của giải Booker bằng cách mở rộng, theo chiều rộng, với người Mỹ.

Sẽ thiếu tiếng nói mới từ các nền văn học nhỏ

“Người Mỹ ít có nhu cầu biết thêm về sách hoặc nhạc, phim, truyền hình, kịch… từ các nền văn hóa nhỏ bên ngoài nền văn học khổng lồ của họ” - theo tờ Sydney Morning Herald (Australia).

Với thay đổi này, năm tới giải Booker sẽ xét đến tất cả các tiểu thuyết tiếng Anh được xuất bản ở Anh, không chỉ do các công dân Anh, Khối Thịnh vượng chung, Ireland và Zimbabwe như trước đây. Không trực tiếp nhắm vào văn học Mỹ, nhưng ai cũng hiểu là văn học Mỹ sẽ chiếm thế thượng phong, bởi ngoài Anh, nền văn học tiếng Anh mạnh nhất chính là Mỹ.

Nhà văn người Anh Philip Hensher, một giám khảo giải Booker, bày tỏ lo ngại rằng giải sẽ mất đi “những tiếng nói mới, thú vị”. Ông cho rằng tiểu thuyết Mỹ vốn đã thống trị văn hóa và có lượng công chúng rất lớn nên các tiểu thuyết Canada, Ấn Độ và châu Phi sẽ càng khó tìm công chúng quốc tế hơn.

Theo Karolina Sutton, một đại diện văn học làm việc với cả các nhà văn Anh và Mỹ, giải thưởng sẽ giúp bán thêm hàng trăm nghìn bản sách nếu người chiến thắng mang quốc tịch Mỹ.

Dù danh tiếng, giải Booker cũng từng gặp vài tin đồn về hậu trường giải thưởng, người thắng giải, giám khảo và các bữa tối trao giải. A. L. Kennedy, giám khảo giải năm 1996, từng gây kinh ngạc khi nói về cách chọn người chiến thắng :“Ai quen ai, ai ngủ với ai, ai bán ma túy cho ai, ai cưới ai, đến lượt thì sẽ được”.

Giải Booker thành lập năm 1969, năm 2002 đổi tên thành Man Booker sau khi công ty tài chính đa quốc gia Man Group bắt đầu tài trợ cho giải, đồng thời khiến giải bị chỉ trích là bớt tính văn học mà hơi nghiêng sang tính thương mại.

Nay, giải Booker đang bị các giải thưởng văn học tiếng Anh khác như Folio (trị giá 64.000 USD) và Impac Dublin (135.000 USD) cạnh tranh gay gắt.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm