F1: Khi các đội đua chạy đua “vũ trang”

09/03/2020 21:20 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Chi phí điều hành một đội đua Công thức 1 (F1) đã tăng 1.000% trong 30 năm qua và đây là kết quả phân tích từ 2 trong số các đội đua lâu đời nhất của làng đua F1.

Cuối tuần này, khởi tranh mùa F1: 10 câu hỏi cho mùa đua F1

Cuối tuần này, khởi tranh mùa F1: 10 câu hỏi cho mùa đua F1

Điều tuyệt vời nhất ở mỗi mùa đua mới của giải Công thức 1 (F1) là không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Vì thế, trước chặng đua đầu tiên Australian Grand Prix tại Melbourne vào cuối tuần này, có những câu hỏi mà chúng ta không thể chờ đợi hơn để có được câu trả lời.

Khoảng cách giàu, nghèo

F1 đã không giới hạn chi tiêu của các đội kể từ khi nhiều chặng đua được tổ chức vào năm 1950, trước lúc tất cả chuẩn bị thay đổi. Năm nay, ngân sách sẽ bị giới hạn ở mức 175 triệu USD, nhưng nếu có đội đua nào vi phạm và phá vỡ quy định thì cũng phải năm 2021 mới có án phạt cụ thể.

Việc này là nhằm hạn chế thói quen vung tiền kéo dài hàng chục năm qua mà không bị kiểm soát, qua đó thúc đẩy một cuộc chạy đua “vũ trang” giữa các đội đua hàng đầu. Họ được các tỷ phú và các tập đoàn khổng lồ có nguồn tài nguyên có chỉ số octan cao hậu thuẫn và sử dụng chúng để tăng cơ hội chiến thắng trên đường đua. Cũng vì thế mà ngân sách hằng năm của các đội đua hàng đầu lên hơn 500 triệu USD, trong khi những đội đua nhỏ chỉ hoạt động với khoảng 25% trong số đó. Chính vì thế, trong nỗ lực theo kịp các anh lớn, những đội đua nhỏ thường chi tiêu vượt quá khả năng bằng cách vay mượn. Số tiền lãi phải thanh toán nhanh chóng đẩy họ đến bờ vực phá sản và trong 10 năm qua, 4 đội đua đã phải rời cuộc chơi.

Để thấy rõ hơn sự gia tăng chi tiêu, chúng ta có thể nhìn vào báo cáo tài chính của đội Williams và McLaren. Mặc dù Ferrari và Mercedes ra đời sớm hơn, nhưng Ferrari thường không công bố tài chính, trong khi đội đua Mercedes thuộc sở hữu của một số nhà sản xuất ô tô kể từ khi thành lập năm 1964.

Ngược lại, không chỉ Williams và McLaren vẫn sử dụng tên cũ khi lần đầu tiên bước vào F1 vào năm 1977 và 1966, người sáng lập Williams vẫn giữ vị trí chủ tịch đội đua. Và họ là hai trong số những đội đua thành công nhất của F1 và có số danh hiệu dành cho đội đua cao thứ 2 và thứ 3 sau Ferrari. Thời hoàng kim của họ là vào những năm 1990 khi siêu sao người Anh Nigel Mansell đưa Williams đến chức vô địch đầu tiên và duy nhất, trong khi các huyền thoại Alain Prost và Ayrton Senna giành được tổng cộng 6 danh hiệu cho McLaren.

Chú thích ảnh
F1 là một cuộc chiến kinh khủng không chỉ trên đường đua, mà còn ở hậu trường, giữa những ông chủ tư bản

Đến thời “thắt lưng buộc bụng”

Được Shell và Marlboro tài trợ, năm 1990, doanh thu của McLaren 28,9 triệu USD khi họ vô địch thế giới cùng với Senna. Với mức chi 26,7 triệu USD, coi như họ đạt lợi nhuận ròng 1,4 triệu USD. Đứng sau là Williams. Williams đạt lợi nhuận ròng 0,5 triệu USD khi doanh thu là 19,7 triệu USD và chi phí là 19,2 triệu USD.

Báo cáo tài chính mới nhất của McLaren cho thấy, năm 2018, chi phí của đội đua lên tới 305 triệu USD, cao hơn 1.045% so với năm 1990. Dĩ nhiên, đội đua đã được nhiều nhà đầu tư hậu thuẫn như ông trùm người Saudi Arabia là Mansour Ojjeh và quỹ Mumtalakat của Bahrain.

Ngược lại, 52,3% của Williams vẫn nằm trong tay của người sáng lập Sir Frank Williams, người nắm giữ 24,1% cổ phần của đội đua trên sàn giao dịch cơ sở của Frankfurt vào năm 2011. Trong gần 30 năm kể từ năm 1990, chi phí của đội đã tăng 799% lên mức 173 triệu USD trong năm 2018. Tuy vậy, so với McLaren, chính việc thiếu các tỉ phú đứng sau đã buộc Williams chi tiêu thận trọng hơn hầu hết các đội và năm 2018, số lợi nhuận ròng 5,3 triệu USD đủ cho thấy đội đua này hoạt động hiệu quả như thế nào.

Mặc dù thế, lợi nhuận mà Williams đạt được trong năm 2018 vẫn không thể bằng con số của 13 năm trước khi sự hậu thuẫn từ BMW giúp đội có được sự tài trợ từ những thương hiệu blue chip như HP, Budweiser và FedEx. Năm 2005 đó, Williams lãi 38 triệu USD và tình hình tài chính của đội bắt đầu lao dốc sau khi BMW chuyển hỗ trợ sang Sauber vào cuối năm. Đỉnh điểm là năm 2014, Williams thâm hụt 51,9 triệu USD và 2 năm sau, chi phí tiếp tục tăng khi số nhân viên đạt kỷ lục 719 người.

Để so sánh về thành tích thì tuy sử dụng động cơ của Mercedes, nhưng Williams đều đứng cuối bảng xếp hạng trong 2 năm qua. Còn vấn đề của McLaren là họ thay đổi liên tục nhà cung cấp động cơ, chẳng hạn như chuyển từ Mercedes sang Honda, rồi Renault và năm sau sẽ quay trở lại Mercedes.

Vì thế, như đã nói ở trên, với việc giới hạn trần ngân sách, thời gian sẽ trả lời xem đội đua nào sẽ thành công khi họ không còn những nguồn lực to lớn ở phía sau để tạo ra khác biệt so với phần còn lại.

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm