Eliud Kipchoge: Giới hạn sinh ra là để… phá vỡ

27/09/2022 09:40 GMT+7 | Thể thao

Đó chính là câu đầu tiên của Elud Kipchoge trên Instagram cá nhân sau khi anh tự phá kỷ lục thế giới do chính mình nắm giữ ở nội dung marathon.

VĐV người Kenya Eliud Kipchoge chạy marathon dưới 2 giờ, đi vào lịch sử điền kinh thế giới

VĐV người Kenya Eliud Kipchoge chạy marathon dưới 2 giờ, đi vào lịch sử điền kinh thế giới

Tay chạy lừng danh người Kenya Eliud Kipchoge đã trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử hoàn thành cự ly marathon (42,195km) với thành tích dưới 2 giờ. Chính xác là Eliud Kipchoge đã lập kì tích với thành tích 1 giờ 59 phút 40 giây.

 

Chân chạy người Kenya một lần nữa đã đi vào lịch sử điền kinh thế giới khi hoàn tất cự ly full marathon (42,195 km) ở giải Berlin Marathon với thời gian 2 giờ 1 phút 09 giây, nhanh hơn kỷ lục cũ do chính anh lập ra cũng ở Berlin cách đây 4 năm.

Chạy marathon dưới 2 tiếng được không?

Đây là lần thứ tư, Kipchoge vô địch Berlin Marathon. VĐV 37 tuổi đến từ Kenya đã dẫn đầu cuộc đua ngay những bước chạy đầu tiên, và sau đó cán đích sớm hơn người thứ nhì, VĐV đồng hương Mark Korijr 4 phút 49 giây. Xếp thứ ba là chân chạy người Ethiopia Tadu Abate, với thành tích 2 giờ 06 phút 28 giây. Đây là chức vô địch thứ 15 trong tổng số 17 giải marathon quốc tế mà Kipchoge góp mặt.

Kipchoge vô địch lần đầu ở Berlin năm 2015 với thành tích 2 giờ 04 phút. Ở những lần vô địch sau, càng ngày, anh càng rút ngắn thành tích của mình. Năm 2017 là 2 giờ 03 phút 32 giây. 2018 là 2 giờ 01 phút 39 giây (kỷ lục thế giới lúc ấy), và bây giờ là 2 giờ 1 phút 09 giây (kỷ lục thế giới hiện tại). Tại Berlin năm nay, tốc độ của Kipchoge – người từng hai lần giành HCV Olympic - là 4 phút 37 giây một dặm, tương đương 2 phút 53 giây/km. Tốc độ “khủng” ấy của Kipchoge đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu anh có thể chạy marathon dưới 2 tiếng hay không?

Chú thích ảnh
Kipchoge ăn mừng kỷ lục thế giới vừa lập ở Berlin

Thực tế thì năm 2019, Kipchoge từng hoàn tất nội dung marathon ở sự kiện Ineos Challenge tại Vienna với thành tích 1 giờ 59 phút 40 giây. Tuy nhiên, thành tích này không được công nhận là kỷ lục thế giới. Lý do thứ nhất: Đây không phải một sự kiện mở. Thứ hai, có quá nhiều can thiệp về công nghệ để Kipchoge có thể tạo cột mốc, từ chiếc xe chiếu vạch laze xanh xuống đường, cho đến đội pacemarker chuyên nghiệp gồm những VĐV có tiếng chạy dẫn tốc hỗ trợ cho anh. Đội hình này chạy theo hình chữ Y để vận dụng nguyên tắc khí động học nhằm giảm lực cản không khí cho Kipchoge. Đó là chưa kể đường đua ở Vienna cũng rất lý tưởng để Kipchoge tạo ra cột mốc đáng nhớ.

Tất cả những gì diễn ra ở Vienna năm đó đã được diễn tả lại trong bộ phim tài liệu Kipchoge – The last Milestone 2021. Dù không được công nhận là kỷ lục thế giới, nó cũng chứng tỏ rằng Con người không có giới hạn (No human is limitted).

 

Vĩ đại nhất trong lịch sử marathon

Một trong những lý do khiến người ta tin rằng Kipchoge có thể tiếp tục rút ngắn thành tích của mình ở các cuộc thi marathon sau này đó là anh vẫn không thực sự hài lòng với màn trình diễn của chính mình tại Berlin. Sau khi hoàn tất nửa đầu chặng đường hết 59 phút 51 giây, Kipchoge đã phải mất đến 61 phút 18 giây ở nửa sau của chặng đường.

“Tôi đã lên kế hoạch chạy quãng đường ấy (nửa sau) với thời gian khoảng 60 phút 40 giây đến 60 phút 50 giây”, Kipchoge thổ lộ, “Thực tế thì tôi đã chạy quá nhanh trong nửa đầu nên nó đã lấy năng lượng cơ bắp cho phần còn lại. Nhìn tổng thể thì tôi vẫn hài lòng với màn trình diễn này”. Khi được hỏi có thể rút ngắn kỷ lục này hay không, Kipchoge tự tin rằng đôi chân anh vẫn chưa phát huy hết nội lực, và có thể đạt thành tích tốt hơn nữa”.

Kipchoge đang giữ kỷ lục marathon tại London, Tokyo, Berlin, và đã vô địch ở Chicago, với tổng cộng 10 lần đăng quang. Anh đang đặt mục tiêu vô địch nốt hai giải trong hệ thống World Marathon Majors ở New York và Boston. Các quan chức của hai giải đấu này, dĩ nhiên, rất phấn khích trước quyết tâm ấy. “Chúng tôi tin tưởng rằng New York (diễn ra vào tháng 11) và Boston (mùa xuân sang năm) sẽ là lựa chọn tuyệt vời đối với anh ấy”, giám đốc Boston Marathon Mary Kate Shea đã chia sẻ như thế trên tờ Boston Globe hồi tháng Tư vừa qua.

Chú thích ảnh
Kipchoge từng chạy marathon dưới 2 tiếng

Bên cạnh đó, Kipchoge cũng đã vô đối ở nội dung marathon tại hai kỳ Olympic gần nhất. Thành tích của anh ở Rio 2016 và Tokyo 2020 “chỉ” là 2 giờ 08 phút 44 giây và 2 giờ 08 phút 38 giây, do hai giải đấu này không có những VĐV chạy dẫn tốc. Không chỉ đặt mục tiêu lần thứ ba liên tiếp giành HCV thế vận hội, Kipchoge cũng tự đặt ra thử thách vượt qua kỷ lục Olympic mà Samuel Wanjiru lập được tại Bắc Kinh 2008 với thành tích 2 giờ 06 phút 32.

“Giới hạn sinh ra là để phá vỡ. Tôi rất hạnh phúc vì hôm nay đã lại nhanh hơn kỷ lục thế giới. Cảm ơn tất cả các runner khắp thế giới đã truyền cảm hứng cho tôi mỗi ngày. Tôi hy vọng kết quả này sẽ truyền cảm hứng cho các bạn để tự vượt qua giới hạn của bản thân. Hãy tin tưởng vào điều đó bằng trái tim của mình và bạn sẽ đạt được những điều tuyệt vời trong cuộc sống”, Kipchoge đã viết như thế trên Instagram của mình.

Eliud Kipchoge

Sinh ngày 5/11/1984

Quốc tịch: Kenya

Cao 1m67, nặng 52 kg

HLV: Patrick Sang

Thành tích cá nhân tốt nhất

1 dặm: 3 phút 50 giây 40 (London 2004)

5.000m: 12 phút 46 giây 53 (Roma 2004)

10.000m: 26 phút 49 giây 02 (Hengelo 2007)

Marathon: 2 giờ 01 phút 09 giây

Thành tích trong sự nghiệp

HCV thế giới 5000m Paris 2003, HCV Olympic Marathon 2016, 2020

World Marathon Majors: Chicago (2014), Tokyo (2021), London (2015, 2016, 2018, 2019), Berlin (2015, 2017, 2018, 2022).

 

Hồ sơ: Những cột mốc của marathon

* 2 giờ 55 phút 18 giây 14: Johny Hays (Mỹ) là người giữ kỷ lục thế giới đầu tiên ở cự ly marathon ở giải chạy diễn ra tại London năm 1908. Ở giải này, Dorando Petri đạt thành tích 2 giờ 54 phút 46 giây 4, nhưng anh này bị loại vì nhận sự giúp đỡ ở gần vạch đích.

* 2 giờ 29 phút 01 giây 8: Lần đầu tiên con người vượt qua cột mốc 2 giờ 30 phút. Người lập KLTG này là Albert Michelsen tại giải Port Chester (Mỹ) năm 1925.

* 2 giờ 15 phút 16 giây 2: VĐV châu Phi đầu tiên lập kỷ lục thế giới marathon. Đó là Abebe Bikina (Ethiopia) ở giải điển kinh Roma năm 1960. Bốn năm sau, Abebe lại lập kỷ lục mới với thành tích 2 giờ 12 phút 11 giây 2

* 2 giờ 09 phút 36 giây 4: Derek Clayton (Úc) đã trở thành VĐV chạy marathon dưới 2 phút 10 giây khi về nhất ở giải Fukuoka Marathon 1967.

* 2 giờ 04 phút 55: Paul Tergat (Kenya) vô địch Berlin Marathon 2003 và trở thành VĐV chạy marathon dưới 2 giờ 5 phút. Anh cũng mở ra kỷ nguyên thống trị của châu Phi ở đường chạy này, với các tên tuổi sau này như Haile Gebrelasie, Patrick Makau, Wilson Kipsang, Dennis Kimetto, và dĩ nhiên, Eliud Kipchoge.

* 2 giờ 01 phút 09 giây: Kỷ lục thế giới hiện tại, do Eliud Kipchoge lập tại Berlin Marathon 2022, khi anh phá vỡ thành tích của chính mình ở Berlin 4 năm trước đó.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm