Đưa du khách đến với di sản

20/05/2014 13:43 GMT+7 | Di sản


(Thethaovanhoa.vn) - Các yếu tố văn hóa bản địa mà tiêu biểu là nghệ thuật dân gian luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách khi đến thăm một quốc gia hay một vùng đất lạ.

Dao hai lưỡi

Pháp lệnh Về du lịch (có hiệu lực từ ngày 1/5/1999) đã xác định: “Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh xúc tiến du lịch theo các nội dung chủ yếu sau đây: Tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về đất nước, con người Việt Nam, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, di tích cách mạng, di sản văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người, bản sắc văn hóa dân tộc cho các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”. Rõ ràng, du lịch là một hình thức quảng bá hữu hiệu giá trị văn hóa dân tộc cũng như đóng góp tích cực cho việc bảo tồn những vốn quý quốc gia. Với lợi ích kinh tế thu được không chỉ tạo công ăn việc làm cho các nghệ nhân mà còn kích thích sự hứng thú học tập và làm nghề của các thế hệ sau giúp duy trì loại hình, không phải đối diện với nguy cơ mai một. Nhưng: “Du lịch cũng có thể là tác nhân góp phần tạo ra cơ hội để những người làm du lịch gây hại cho các giá trị văn hóa dân tộc cũng như chính các loại hình di sản văn hóa nghệ thuật dân tộc - nếu họ không được trang bị đầy đủ tri thức và nghệ thuật đúng đắn về các di sản văn hóa nghệ thuật đó cũng như các giá trị văn hóa dân tộc nói chung” - PGS-TS Nguyễn Thụy Loan phát biểu tại hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ tổ chức tại Bạc Liêu vào ngày 27/4.

Một không gian ĐCTT tại Festival Đờn ca tài tử toàn quốc lần 1 - Bạc Liêu 2014

Không chạy theo du khách mãi

Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, bấy lâu nay chúng ta quen làm một quy trình ngược là cố gắng đưa di sản đến với du khách, kể cả việc phải gò ép di sản cho phù hợp với yêu cầu tour. Tuy nhiên: “Muốn để du khách (cả trong và ngoài nước) hiểu đúng giá trị văn hóa, lịch sử nghệ thuật các di sản và cũng để các loại hình di sản giữ được các giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, chúng ta cần thực hiện một quy trình thuận, đó là: đưa du khách đến với di sản văn hóa phi vật thể”. Tán đồng ý kiến của GS-TS Trần Văn Khê về việc đừng biến ĐCTT thành một món hàng, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan phân tích: “Khi chúng ta biến các hình thức di sản thành món hàng thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải chiều theo, phải đáp ứng cái nhu cầu thuận tiện, đơn giản và giá rẻ của những người, những công ty tổ chức tour. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu này cũng đồng nghĩa với việc các di sản sẽ không còn giữ được bản chất, sắc thái, cùng những giá trị văn hóa và nghệ thuật của nó nữa”.

Việc ĐCTT không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm, nghi lễ và là nghệ thuật dành cho mọi người không có nghĩa biến nó thành “hàng chợ”. TS Mai Mỹ Duyên khẳng định: “Thực tế, ĐCTT có nhiều dạng thức: sinh hoạt tại nhà, biểu diễn trên sân khấu, biểu diễn thính phòng, phục vụ đám tiệc… ĐCTT phục vụ du lịch cũng là một dạng thức và cũng có đa dạng hình thức thực hiện, chúng ta cần lựa chọn cân nhắc xem hình thức nào hiệu quả nhất vừa làm du lịch tốt vừa đảm bảo thể hiện đúng bản chất ĐCTT. Các hình thức biểu diễn ĐCTT tại các khu du lịch hiện nay khá xô bồ, chất lượng yếu kém không đáp ứng yêu cầu giới thiệu giá trị di sản với du khách. Theo tôi, cần có một nhà hát, quy mô nhỏ thôi (có thể đáp ứng được nhu cầu của đoàn từ 50 - 80 khách), để du khách có thể tập trung nghe diễn tấu trong không gian thính phòng sang trọng, không có chuyện tiếng đờn tiếng ca chen tiếng cụng ly xô bồ nữa. Thời lượng chương trình tối thiểu cũng phải 30 phút, du khách phải nghe được từ 5 - 7 bản tài tử thực sự thì mới phần nào cảm nhận được giá trị của âm nhạc này”.

Và để khai thác hiệu quả du lịch thì bắt buộc phải đầu tư. Giới làm du lịch hiện nay chỉ quen “hái trái” mà không thích “trồng cây” khi không hề đầu tư bất cứ gì cho sản phẩm. Soạn giả Huỳnh Anh khẳng định khi nào đời sống nghệ nhân biểu diễn còn bấp bênh, đói no hoàn toàn phụ thuộc vào tiền “boa” của khách mà không có một chế độ, chính sách hỗ trợ nào thì yếu tố nghệ thuật vẫn còn là thứ yếu. Các điểm du lịch muốn nâng cao chất lượng biểu diễn thu hút du khách thì phải “nuôi” được nghệ nhân của mình. Việc gần như không giới hạn không gian biểu diễn khiến ĐCTT có thể có nhiều hướng khai thác tuy nhiên chất lượng một “cuộc chơi” phải luôn được đảm bảo. Nghệ nhân Tấn Nhì cho rằng: Chương trình biểu diễn nhất định phải đủ thời lượng để giới thiệu các bài bản lớn, không cần đờn trọn bài trọn bản nhưng cần lựa đoạn trích thể hiện được cái hay của bài bản đó. Cần có người thuyết minh giới thiệu về bài bản và đặc biệt phải nói rõ đâu là bài bản tài tử, đâu là cải lương nếu có biểu diễn xen kẽ tránh tình trạng hiểu lầm như hiện nay. GS-TS Trần Văn Khê lại chú trọng tính ngẫu hứng và chỉ cần người biểu diễn “thả lỏng”, không cần quá nghiêm túc mà có sự giao lưu, quăng bắt như “đang chơi” thì vẫn giữ được tính chất của ĐCTT… Thời gian qua, một số tỉnh đã có động thái rà soát lại chất lượng các chương trình ĐCTT tại các tụ điểm du lịch và ra một số quy định nhằm đảm bảo giữ gìn giá trị nghệ thuật ĐCTT, như: dàn nhạc phải đảm bảo ít nhất 3 loại nhạc cụ, phải có ít nhất 4 người biểu diễn, quy định thời lượng và số bài bản biểu diễn…

Việc ĐCTT trở thành di sản của nhân loại đã khiến các công ty du lịch có ý thức hơn trong việc tìm cách khai thác hiệu quả hơn nghệ thuật này. “Hy vọng thời gian này, được sự quan tâm của nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp, và nhất là chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ mà ngành du lịch sẽ tìm hiểu và có những điều chỉnh nhằm khai thác ĐCTT phù hợp. Đã đến lúc chúng ta không thể chạy theo du khách nữa mà phải để họ tìm hiểu về ta. Nhật Bản quy định chuẩn ăn mặc cho du khách khi đi xem kịch noh thì ĐCTT cũng phải đưa du khách hòa nhập vào không gian của mình!”, TS Mai Mỹ Duyên khẳng định.

Ngọc Tuyết
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm