Dù lượn Việt Nam vươn mình ra thế giới

02/10/2022 08:40 GMT+7 | Thể thao

World Cup dù lượn (Paragliding World Cup) 2022 đang diễn ra tại Gochang (Hàn Quốc) với hơn 120 phi công xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới về tham gia thi đấu, trong đó có 6 gương mặt từ Việt Nam là các phi công Trần Hoàng Kim (HKPB), Vũ Tuấn Dũng (Vietwings) và Lê Hoàng Bách (Back2Fly), Nguyễn Thị Hải Yến (Vietwings), Đỗ Hữu Lê (HKPB) và Đinh Thế Anh (Đà Nẵng).

‘Bay Trên Mùa Vàng 2019’ – Festival dù lượn được mong chờ nhất trong năm

‘Bay Trên Mùa Vàng 2019’ – Festival dù lượn được mong chờ nhất trong năm

Từ ngày 20 đến ngày 22/9, Festival dù lượn “Bay Trên Mùa Vàng” sẽ diễn ra tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Sự kiện do CLB dù lượn VIETWINGS và UBND huyện Mù Cang Chải phối hợp tổ chức.

Mỗi người đều bằng sự nỗ lực của bản thân, tích cực đóng góp cho sự phát triển nói riêng của CLB nơi mình tham gia sinh hoạt cũng như thúc đẩy sự phát triển nói chung của bộ môn dù lượn tại Việt Nam. Trong đó, Hải Yến là gương mặt nữ duy nhất và tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho các nữ phi công Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Yến có một bảng thành tích khủng mà ngay cả các nam phi công cũng phải ước ao. Với chuyến bay 241km tại Deniliquin - Australia năm 2019, Yến giữ kỷ lục chuyến bay đường trường xa nhất của phi công Việt Nam trong vòng 04 năm. Đến tận đầu tháng 9 năm nay, kỷ lục này mới được Trần Hoàng Kim xô đổ bằng chuyến bay 264km tại Utah - Mỹ. Đây cũng chính là 2 kỳ phùng địch thủ, là "nỗi ám ảnh" của nhau trong các cuộc cạnh tranh khốc liệt tạo lập kỷ lục bay đường trường của dù lượn Việt Nam.

Chú thích ảnh
6 phi công Việt Nam tại World Cup dù lượn (Paragliding World Cup) 2022

Lê Đỗ là phi công có mặt ở hầu khắp các điểm bay trên cả nước với cả trăm giờ bay mỗi năm. Lê ĐỖ là một trong các phi công có lộ trình tiến bộ rất nhanh trong việc rèn luyện kỹ năng bay lượn. Chỉ sau một thời gian rất ngắn kể từ khi chính thức gia nhập làng dù vào tháng 8/2020, Lê đã liên tục gặt hái được các thành tích cao trong phân hạng thi đấu của mình tại các giải đấu trong nước. Mới lần thứ 2 đi ra ngoài du đấu, Lê đã may mắn được tham gia tại giải dù lượn lớn nhất thế giới. Sự cọ xát này sẽ giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chuyên môn của anh sau này.

Với nụ cười thường trực dễ mến, anh phi công Thế Anh là người đã đưa hàng trăm du khách lên bầu trời để thưởng ngoạn cảnh quan hấp dẫn của bán đảo Sơn Trà từ trên cánh dù lượn. Không chỉ du ngoạn khắp các điểm bay ở Việt Nam, Thế Anh còn khám phá các điểm bay nổi tiếng ở châu Á cũng như châu Âu.

Với những bộ ảnh về dù lượn tuyệt đẹp của mình, Thế Anh đã truyền tải cảm hứng cho hàng nghìn người biết đến và yêu thích bộ môn thể thao mạo hiểm này. Thế Anh hiện cũng chính là đương kim vô địch quốc gia các giải hạ cánh chính xác tại Tà Đùng và Nha Trang 2022.

Việc 6 gương mặt đại diện nói trên được tham gia PWC Gochang năm nay là một kỳ tích lịch sử, đánh dấu cho sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn dù lượn tại Việt Nam trong những năm gần đây. Dù lượn là môn thể thao mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam nên chưa có Liên đoàn để tạo lập cũng như bảo vệ quyền lợi của các phi công ở các sân chơi trong nước cũng như quốc tế. Tất cả thành quả cho đến ngày hôm nay đều do sự nỗ lực cá nhân của từng phi công tham gia môn chơi.

Không chỉ là thời gian, công sức dành cho niềm đam mê bất tận đối với bầu trời. Nếu tính riêng về kinh phí, thì sẽ là một con số không hề nhỏ chút nào. Từ trang thiết bị tập luyện, chi phí di chuyển đến và ăn ở tại các điểm bay, chi phí tham gia thi đấu trong và ngoài nước..., tất cả đều là tự túc.

Với PWC Gochang - Hàn Quốc 2022 cũng không ngoại lệ, chi phí trung bình cho chuyến đi của mỗi phi công Việt Nam tham gia thi đấu tại đây sẽ xấp xỉ 50 triệu đồng. Hy vọng sắp tới, trong tương lai thật gần, bộ môn thể thao dù lượn sẽ nhận được sự quan tâm thích đáng của các tổ chức quản lý cấp Nhà nước, để sân chơi của các phi công Việt Nam ngày càng mở rộng và chuyên nghiệp hơn.

NTH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm