Doping, chuyện không mới của Thể thao Việt Nam

08/03/2019 16:22 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 30 năm hội nhập trở lại với đấu trường quốc tế tính từ SEA Games 15 tại Brunei, đã có ngoài 20 trường hợp VĐV Việt Nam bị phát hiện sử dụng doping khi thi đấu tại nước ngoài. Con số này dù không nhiều nếu so sánh về số vụ, số VĐV khi so sánh với các nền thể thao trong khu vực, châu lục hay trên thế giới. Dù vậy, nỗi lo mang tên doping vẫn thực sự ám ảnh bởi hầu hết các VĐV Việt Nam dính doping đều nằm ở các môn thể thao có nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng chất cấm ở các môn như cử tạ, thể hình, xe đạp… Trong số này, Thể thao & Văn hóa xin điểm lại một số trường hợp dính doping gây chấn động của thể thao Việt Nam (TTVN) trong 3 thập kỷ vừa qua.

Dính doping, á quân cử tạ Asiad 2018 Trịnh Văn Vinh có thể bị cấm thi đấu 8 năm

Dính doping, á quân cử tạ Asiad 2018 Trịnh Văn Vinh có thể bị cấm thi đấu 8 năm

Làng thể thao trong nước đang thực sự rúng động trước thông tin mẫu thử của lực sỹ Trịnh Văn Vinh thuộc đội tuyển cử tạ quốc gia có phản ứng dương tính với doping. Một án phạt rất nặng từ Liên đoàn Cử tạ thế giới đang chờ đợi lực sỹ này trong thời gian tới đây.

1. 4 VĐV dính doping tại SEA Games 22

Niềm vui của lần đầu tiên vươn lên vị trí số 1 tại SEA Games 22 năm 2003 của đoàn TTVN trong lịch sử các lần tham dự đại hội đã không trọn vẹn sau khi Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á quyết định tước huy chương của 4 VĐV Việt Nam gồm: Hoàng Hồng Anh (2 HCV môn Canoeing), Phạm Thị Dịu (3 HCV Lặn), Phạm Toàn Thắng (3 HCV Lặn), và Nguyễn Mai Quỳnh (HCB điền kinh). Đây là lần đầu tiên, đoàn TTVN có VĐV bị phát hiện sử dụng chất cấm ở một kỳ SEA Games và cũng giữ “kỷ lục” về số lượng VĐV bị phát hiện tại một kỳ đại hội tính cho đến thời điểm hiện tại.

Chú thích ảnh

2. Đỗ Thị Ngân Thương bị tước quyền thi đấu tại Olympic 2008

Tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, nữ tuyển thủ Đỗ Thị Ngân Thương bị Ủy ban Olympic quốc tế tước quyền thi đấu ngay trong khi Thế vận hội đang diễn ra và môn thể dục dụng cụ vừa kết thúc phần thi đấu vòng loại nội dung toàn năng nữ. Mẫu thử của Ngân Thương dương tính với Furosemide - một chất lợi tiểu có tác dụng khiến cơ thể không tích nước, dẫn đến giảm cân. Sau đó, Ngân Thương bị cấm thi đấu 1 năm, đồng thời, cô gái vàng của thể dục Việt Nam cũng chính thức nói lời chia tay với sự nghiệp thi đấu.

Chú thích ảnh

3. Nguyễn Thị Mỹ Linh dính doping trong quá trình tập luyện năm 2008

Trước thêm giải giải vô địch thể hình châu Á tại Hồng Kông, mẫu thử của lực sỹ Nguyễn Thị Mỹ Linh bị phát hiện dương tính với chất Frusemide - một chất nằm trong danh mục bị cấm. Theo quy định, Mỹ Linh sẽ phải nộp phạt 2.000 USD và cấm thi đấu 2 năm. Tuy nhiên, Liên đoàn cử tạ Việt Nam đã làm đơn kháng cáo thành công cho Mỹ Linh với lý do cô dính chất cấm này khi uống thuốc để chữa bệnh khi thấy đau thắt lưng và bí đường tiểu nên chỉ bị cấm thi đấu 1 năm.

Chú thích ảnh

4. Á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn dính doping tại giải VĐTG năm 2010

Sau giải vô địch cử tạ thế giới năm 2010 tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn bị phát hiện sử dụng doping khi mẫu thử dương tính với chất Oxilofrine - một chất nằm trong danh mục bị cấm của Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF). Á quân Olympic hạng 56kg lý giải do uống một loại nước đóng chai không rõ nguồn gốc tại Trung Quốc, song không đủ để giúp anh tránh được án phạt cấm thi đấu 2 năm và 500 USD tiền phạt từ IWF. Đây là VĐV nổi tiếng nhất của TTVN bị phát hiện sử dụng doping.

Chú thích ảnh

5. Cầu thủ Đoàn Ngọc Hào bị cấm thi đấu 2 năm sau giải VĐCA 2014

Sau vòng chung kết giải vô địch Futsal châu Á năm 2014, cầu thủ Đoàn Ngọc Hào đã bị phát hiện sử dụng doping khi mẫu thử A bị xác nhận dương tính với chất methamphetamine (một chất có trong danh mục chất cấm của ủy ban chống doping thuộc AFC) ở cường độ cao. Chưa tin vào sự thật này, mẫu B của Đoàn Ngọc Hào được gửi đi xét nghiệm lại nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Sau đó, cầu thủ này bị Liên đoàn Bóng đá châu Á cấm tham gia các hoạt động futsal và bóng đá bãi biển trong vòng 2 năm, tính từ ngày 26/5/2014 đến ngày 25/5/2016. Đây là cầu thủ bóng đá đầu tiên của TTVN bị phát hiện sử dụng doping.

Chú thích ảnh

6. Lực sỹ Trịnh Văn Vinh dính doping khi thi đấu trong nước năm 2018

Trở về từ ASIAD 18 với tấm HCB hạng 62kg và vượt qua lần kiểm tra doping sau kỳ Á vận hội, tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII lực sỹ này đã bị phát hiện sử dụng chất cấm trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên của Ủy ban Phòng chống Doping thế giới. Mẫu thử của Trịnh Văn Vinh có kết quả dương tính với các chất cấm có tên Adiol và Anabolic S1.1. Trịnh Văn Vinh đối diện với một án phạt cấm thi đấu tối đa lên tới 8 năm và nộp 5.000 USD tiền phạt.

Dính doping vì thiếu hiểu biết là nguy hiểm nhất

Trong những năm qua, số trường hợp VĐV Việt Nam bị phát hiện sử dụng chất cấm trong danh mục của Ủy ban Phòng chống Doping thế giới (WADA) là không nhiều nếu so với các quốc gia trong châu lục như Thái Lan, Trung Quốc… Nhưng như thế không có nghĩa, TTVN có thể lơ là trong công tác phòng chống doping, bởi nguyên nhân thực tế dẫn đến dính doping trong nhiều trường hợp của TTVN nằm trong nhóm nguy hiểm nhất đó là thiếu hiểu biết.

Không ít các VĐV kỳ cựu từng nhiều năm thi đấu cho đội tuyền quốc gia như Ngân Thương, Mỹ Linh, Anh Tuấn… nhưng lại quá mơ hồ và gần như không có kiến thức về doping, dẫn đến việc tự ý dùng thuốc và không biết loại thuốc mình uống có nằm trong danh mục chất cấm của WADA hay không.

Khi xảy ra tình trạng VĐV dính doping do thiếu hiểu biết, thường cá nhân VĐV là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và nhận sự lên án từ dư luận, song thực tế cho thấy, HLV và các nhà quản lý cũng không thể vô can nếu không thường xuyên hướng dẫn và cập nhật kiến thức về doping cho các VĐV.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm