Bóng đá châu Á chấp nhận sống chung với Covid-19

07/05/2020 05:41 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang có kế hoạch đưa trái bóng lăn trở lại, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cũng thông tin nhiều quốc gia của châu lục này như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc hay Turkmenistan sẽ chuẩn bị bắt đầu cho giải đấu trở lại.

MU có thể hưởng lợi thế nào trong cuộc đua Top 4 nhờ Covid-19?

MU có thể hưởng lợi thế nào trong cuộc đua Top 4 nhờ Covid-19?

Các CLB ở Premier League đang có nguy xuống hạng sẽ vui vẻ chấp nhận đá trên sân không có khán giả nếu họ không còn phải lo trụ hạng và trong trường hợp ấy, MU có thể được hưởng lợi không nhỏ.

AFC khá quan tâm về tình hình chuẩn bị của CLB các quốc gia chuẩn bị cho giải đấu trở lại. Trang web của AFC đã thông tin CLB TP.HCM trước mỗi buổi tập đã kiểm tra y tế cầu thủ rất sát sao. AFC kỳ vọng các CLB quan tâm tới sức khoẻ của cầu thủ lẫn cộng đồng dù đây mới chỉ là quá trình chuẩn bị.

Điều ấn tượng với châu Á là việc quốc gia từng bùng phát dịch bệnh Covid-19 rất nặng nề sau Trung Quốc là Hàn Quốc đang háo hức đưa giải đấu trở lại chỉ trong tuần này.

Nhà vô địch Hàn Quốc 2019 là Jeonbuk Hyundai Motors đã khởi động mùa giải bằng chiến thắng trước nhà vô địch FA Cup Suwon Samsung Bluewings với tỷ số 3-1 tại sân Jeonju World Cup.

AFC thông tin K-League Premier League sẽ trở lại từ ngày 8/5 với cặp đấu Jeonbuk Hyundai Motors gặp Suwon Samsung Bluewings. Ngày 9/5 là các cặp đấu: Ulsan Hyundai gặp Sangju Sangmu, Incheon United gặp Daegu FC, Gwangju FC gặp Seongnam FC. Ngày 10/5, Pohang Steelers gặp Busan IPark, Gangwon FC gặp FC Seoul.

CĐV Hàn Quốc không được tới sân nhưng BTC đã tính toán cho người xem muốn cổ vũ cho cầu thủ có thể tới trước cổng SVĐ và ngồi trên xe hơi thay vì ra ngoài tụ tập để xem trận đấu qua màn hình lớn. Điều này vẫn sẽ giúp các tiếng ồn vang vọng vào sân và tạo khí thế cho các cầu thủ chơi trên sân.

Hàn Quốc hiện tại đã gần như chặn đứng được bệnh dịch với chỉ 2 ca nhiễm mới trong ngày 6/5.

Chú thích ảnh
K-League sẽ thi đấu vào cuối tuần này

Tương tự là Trung Quốc, giải đấu dù chưa chính thức ấn định ngày trở lại nhưng các CLB đã tập trung từ khá lâu để tập luyện. Giải đấu đắt giá nhất châu Á Super League 2020 được AFC thông tin khá kỹ lưỡng. Mới đây, Quảng Châu Evergrande đã chơi một trận giao hữu “kín” vào thứ Bảy tuần qua và đánh bại CLB ở giải hạng dưới là Fuzhou Hakka đến 5-0.

Ở những nơi khác, Đài Loan Premier League vẫn đang tiếp diễn. Đội dẫn đầu bảng Taipower vừa hạ gục Red Lions đến 6-1 để duy trì thành tích toàn thắng sau 4 trận đấu. Hang Yuan FC vẫn đứng thứ 2 sau chiến thắng 1-0 trước Đại học Ming Chuan, kém Taipower chỉ với 2 điểm.

Tại Turkmenistan, giải VĐQG Yokary Liga đang chứng kiến bất ngờ khi nhà ĐKVĐ Altyn Asyr đã có 3 trận hòa đầu năm 2020, nhưng họ đã có một chiến thắng 2-1 trước Ahal gần nhất.

Turkmenistan cũng là nơi diễn ra VCK futsal châu Á 2020 dự kiến vào tháng 8 tới. Còn ở Tajikistan, 2 CLB Istiklol và Khatlon đang cùng dẫn đầu bảng với 10 điểm sau 4 vòng đấu.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia có thể đưa trái bóng trở lại sớm nhất. Những quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar vẫn chưa hẹn ngày chính thức. Indonesia dự định đưa giải đấu quay lại vào tháng 7.

Còn giống như Thái Lan, Malaysia đã ấn định thời gian trở lại giải VĐQG vào tháng 9 với lộ trình cắt ngắn để tạo thời gian cho ĐTQG tập trung. Về phần người Thái, với việc đổi lịch thi đấu sang tận tháng 9 năm nay và khép lại mùa giải vào tháng 5/2021, Thái Lan đã chứng kiến khoảng 20 HLV và cầu thủ bị cắt hợp đồng.

Nhiều cầu thủ đang đàm phán hợp đồng với CLB do sẽ hết hợp đồng vào tháng 6 này (thời gian kết thúc giai đoạn lượt đi theo lịch thi đấu cũ). Thái Lan dù được bật đèn xanh trả lương 50% cho các cầu thủ, nhưng số tiền đó cũng không ít do CLB phải đàm phán hợp đồng với nhiều cầu thủ dù họ không thi đấu tới tận tháng 9.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm