Bảo tồn cầu Long Biên: Nên là cây cầu 'nhịp mất nhịp còn'?

11/12/2014 08:01 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Các ý tưởng biến Long Biên thành bảo tàng khổng lồ, thành cầu đi bộ hay thậm chí là... cầu xoay như trường hợp cầu sông Hàn (Đà Nẵng) đã được nhắc tới trong cuộc tọa đàm sáng 10/12 về tương lai của cây cầu sắt khổng lồ này.

Cuộc tọa đàm được Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị VN tổ chức tại Hà Nội, trong bối cảnh cầu Long Biên đang được đề xuất trở thành Di tích Lịch sử Quốc gia. Theo dự kiến, một cầu đường sắt mới sẽ sớm được xây dựng cạnh đó, để giải phóng Long Biên khỏi chức năng chuyên dụng cho tàu hỏa mà nó mang theo suốt một thế kỉ qua.

Vẫn "luyến tiếc" chức năng giao thông

Các khảo sát trong thời gian qua cho thấy cầu Long Biên đang ở trạng thái xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các nhịp cầu bằng thép đều han rỉ nặng sau hơn 1 thế kỉ, trong khi các kết cấu chịu lực phía dưới đã trải qua nhiều lần gia cố, chắp vá kể từ giai đoạn Long Biên bị đánh sập (và nối lại) thời chiến tranh. Một số nhận xét của các chuyên gia quốc tế đã được nhắc lại tại cuộc tọa đàm, theo đó, việc Long Biên chưa sụp đổ mà vẫn chịu tải trọng của vài chục đoàn tàu chạy qua mỗi ngày đã là... một kì tích.

Phân tích của ông Phạm Hữu Sơn (Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải VN - TEDI) cho thấy: Để "đại tu" cho Long Biên, đồng thời phục dựng lại đủ các nhịp cầu đã mất, một khoản kinh phí rất lớn cần được đầu tư. Và trong bối cảnh còn hạn chế về kinh tế như hiện nay, việc đổ tiền vào chỉ để có một cây cầu đi bộ như Long Biên là phần nào lãng phí. "Các nước phát triển cũng chỉ có thể dùng nguồn vốn xã hội hóa, chứ không ai bỏ ngân sách đầu tư theo cách như vậy" - ông Sơn nói thêm.


Cầu Long Biên nên được duy trì tình trạng "nhịp mất nhịp còn" như hiện tại để tôn trọng lịch sử?. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bởi vậy, dù quyết định bảo tồn cầu Long Biên đã được thông qua, TEDI vẫn đề xuất nên kết hợp việc tôn tạo, trùng tu cầu với mục đích khai thác Long Biên cho xe cơ giới. Vắn tắt, các kết cấu xuống cấp cần được xử lý triệt để, phần đường sắt hiện có sau khi dỡ bỏ sẽ được nâng cấp thành làn đường cho ô tô, còn các phần "cánh gà" cho xe đạp hiện nay được mở rộng thêm một chút để dành cho xe máy và đường đi bộ.

Theo ông Sơn, cùng với việc khôi phục hình dáng cũ, Long Biên sẽ vừa có chức năng vãn cảnh, vừa phục vụ giao thông trong bối cảnh Hà Nội đang rất cần những cây cầu nối 2 bờ sông Hồng.

Ý kiến của ông Sơn tại tọa đàm được tiếp nhận khá dè dặt - khi mà từ khá lâu, giới nghiên cứu văn hóa vẫn hào hứng với ý tưởng biến kiến trúc trăm tuổi này thành một cây cầu đi bộ. "Hà Nội trong tương lai sẽ có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng. Bởi vậy, kế hoạch bảo tồn Long Biên cần được tính về lâu dài" – KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị VN, nhận xét - "Đà Nẵng và TP. HCM hiện cũng đang lên kế hoạch xây những cây cầu đi bộ bắc qua sông Hàn và sông Sài Gòn để trở thành những điểm nhấn về cảnh quan. Vậy, chúng ta cũng nên nghĩ tới điều đó, khi đã có sẵn một kiến trúc gắn với lịch sử, văn hóa như Long Biên".

Bảo tàng hóa hay giữ nguyên hiện trạng?

Cũng quanh ý tưởng bảo tồn, một câu hỏi được đặt ra: có nên phục dựng lại Long Biên theo hình dáng ban đầu như khi người Pháp xây dựng năm 1902? Theo dòng lịch sử, trong giai đoạn chống máy bay Mỹ, non nửa trong số 18 nhịp cầu của Long Biên đã bị phá hủy và tạo nên hình dạng "nhịp mất nhịp còn" như hiện tại.

"Tôi nghĩ là cần phục dựng. Ngoài vấn đề về mỹ quan, việc gợi nhớ tới một giai đoạn thương đau, có nhiều mất mát trong lịch sử như thời chống Mỹ là không nên đối với một thành phố Hòa Bình như Hà Nội"- ông Sơn phát biểu. Đồng quan điểm với ông là KTS Việt kiều Nguyễn Nga, người được biết tới từ nhiều năm nay với dự án bảo tồn, phục dựng nhịp cầu và... phủ kính lên đó để tạo thành một bảo tàng.

Ngược lại, theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTS trưởng Hà Nội, việc phục dựng 9 nhịp cầu Long Biên vừa gây tốn kém không cần thiết, vừa xóa đi những giá trị lịch sử- văn hóa kèm theo nó. "Câu chuyện về những tháng năm chống trả máy bay Mỹ, rồi nối lại nhịp cầu Long Biên chỉ trong vài ngày để đảm bảo giao thông là một huyền thoại đáng tự hào trong lịch sử"- ông Nghiêm nói - " UNESCO cũng có quan điểm luôn khuyến khích việc giữ nguyên trạng của các di sản gắn với lịch sử, chứ không khuyến khích, cổ vũ cho những thứ giả cổ. Việc cần thiết và khả thi trước mắt là tạo ra những quy hoạch đồng bộ về không gian và cảnh quan quanh Long Biên. Khi ấy, giá trị của nó tự khắc sẽ được nhân lên".

Thẳng thắn, ông Nghiêm cũng chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong ý tưởng "bảo tàng hóa Long Biên" mà KTS Nguyễn Nga nhắc tới trong vài năm qua. "Tôi mong, chúng ta đừng chồng chất lên gần 2000 mét của Long Biên tất cả những gì muốn "khoe" về Hà Nội. Quy hoạch của thành phố đã có những không gian dành cho làng nghề thủ công, cho bảo tàng mỹ thuật, chị Nga lại muốn đặt thêm những thứ ấy lên Long Biên và khu vực quanh nó thì có hợp lý không?".

Có thể biến Long Biên thành "cầu xoay"
 
Được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, cầu Long Biên nằm khá thấp so với cao độ của những cây cầu khác như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Nhật Tân và ảnh hưởng khá lớn tới việc lưu thông của các tàu, thuyền dọc sông Hồng. Trong khi đó, theo tương lai, chắc chắn nhu cầu chuyên chở hàng hóa theo sông Hồng của các tỉnh phía Bắc sẽ rất cao.

Tại cuộc tọa đàm, một số ý tưởng giải quyết vấn đề này cũng được bàn tới. Theo phía TEDI, các giải pháp khả thi có thể là nâng cầu Long Biên lên cao 3 mét (bằng với cầu Chương Dương); biến một nhịp cầu thành cầu xoay,có thể xoay ngang để  phục vụ giao thông thủy vào ban đêm; xây dựng một đầu cầu "vươn" cao lên 3 mét về phía Gia Lâm.

Hoàng Nguyên
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm