Ánh Viên, Duy Nhất, Thu Nhi và bóng đá Việt Nam

25/10/2021 06:04 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Có ít nhất 2 sự kiện đáng chú ý của thể thao Việt Nam trong tuần qua: Một là Mỹ Đình được mở cửa bán lượng vé nhất định, trong 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản và Saudi Arabia tới đây, 2 là VĐV boxer Việt Nam, Thu Nhi, giành đai vô địch WBO thế giới, sau chiến thắng trước đối thủ người Nhật Bản, Etsuko Tada.

Bóng đá Việt Nam hôm nay: CĐV háo hức cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại sân Mỹ Đình

Bóng đá Việt Nam hôm nay: CĐV háo hức cổ vũ đội tuyển Việt Nam tại sân Mỹ Đình

Bóng đá Việt Nam hôm nay: CĐV háo hức tới SVĐ Mỹ Đình cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong các trận đấu với Nhật Bản và Ả rập Xê út.

Nếu việc bán vé sân Mỹ Đình 2 trận đấu vào tháng 11/2021 và các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, đương nhiên chúng ta sẽ mở cửa tiếp trong 2 trận sân nhà còn lại với Trung Quốc và Oman vào năm sau. Đây thực sự là một điều đáng mừng với không chỉ thầy trò HLV Park Hang Seo, khi được tựa lưng vào khán đài để chiến đấu, mà nó còn là niềm an ủi với CĐV bóng đá nội, vốn đã rất "đói" từ hơn nửa năm qua.

Trở lại với vấn đề mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Thu Nhi và Duy Nhất là 2 trong số không nhiều các VĐV Việt Nam đạt đẳng cấp thế giới ở môn chơi của họ. Trước đó, một VĐV Muay Thai khác là Thanh Trúc cũng đã bước chân ra đấu trường quốc tế, nhưng những chấn thương dai dẳng hành hạ và đặc biệt là vấn đề kinh phí hỗ trợ gần như không có, lại thiếu sự định hướng, khiến cô gái người Tây Nguyên phải nói lời giã từ sự nghiệp. Trúc đã cần đến sự hỗ trợ - quyên góp từ các phóng viên chúng tôi, qua một hoạt động thiện nguyện, đặng mới có tiền phẫu thuật. Nghe có vẻ chua chát, nhưng đó là sự thật.

Mới nhất, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng nói lời chia tay đội tuyển. Vì cô gái người Cần Thơ đã chạm đến kịch trần năng lực của mình, hay vì lý do nào khác?! Bất luận thế nào, đó đều là những thông tin không vui và nó đặt ra các vấn đề với cấp quản lý của Thể thao Việt Nam.

Trong nhiều năm, Ánh Viên được tập huấn tại Mỹ cho các mục tiêu quan trọng của bơi lội Việt Nam tại SEA Games và cao hơn là Olympic. Nhưng có thể nói, trọng tâm đầu tư cho Viên ở đấu trường Olympic đã thất bại. Viên cùng HLV của mình, được cho là thiếu môi trường tập luyện, thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ khi ở Mỹ, và nó khác với Thu Nhi những ngày tập huấn ở Tashkent, Uzbekistan, trước mỗi lần thượng đài.

bóng đá Việt Nam, Ánh Viên, Duy Nhất, Thu Nhi, sân Mỹ Đình, boxing, Việt Nam vs Nhật Bản, vòng loại World Cup
Để bóng đá nước nhà phát triển, cần nhiều nguồn lực, chứ không chỉ nỗ lực của HLV Park Hang Seo học trò. Ảnh: VFF

Với các VĐV thể thao chuyên nghiệp ở các bộ môn như boxing, kick boxing hay Muay Thai, phần lớn đều phải tự đầu tư và chọn cho mình con đường phát triển. Tại Việt Nam, rất khó để xin được giấy phép tổ chức một sự kiện thượng đài có quy mô. Võ sỹ - đạo diễn, kiêm nhà sản xuất và là diễn viên hành động Trí Nguyễn tuy mở lò võ tại Việt Nam, nhưng cũng tựa như Duy Nhất, anh phải tìm đường ra nước ngoài đấu thuê và mới đây, Trí Nguyễn đã tuyên bố giải nghệ.

Sau đai vô địch WBO, Thu Nhi cũng sẽ không quay về Việt Nam, ít nhất là để tập luyện hay thi đấu. Ánh Viên sau giã từ đội tuyển, cũng có thể theo cách này đi đấu thuê cho các CLB hay ông bầu ở nước ngoài, mà không gặp vướng mắc nào cả. Tất nhiên, nếu Viên chuyên tu học hành và chuyển qua công tác huấn luyện, cũng là một khả năng - lựa chọn không tệ.

Thể thao Việt Nam trong nhiều năm, tính bằng cả thập niên, thường đầu tư trọng điểm theo kiểu đi tắt đón đầu, chứ không liên tục, với chiến lược nhiều chục năm. Ông Hoàng Vĩnh Giang được xem là cha đẻ của kiểu đầu tư này và qua đó, giúp thể thao có chỗ đứng đầu tiên trên đấu trường quốc tế. Nhưng, khi muốn có chỗ đứng cao hơn thì vẫn phải tính chuyện làm lại, có căn cơ hơn.

Ở một góc độ như vậy, bóng đá vẻ như cũng không thoát ra được. Đến ngay cả cấp quản lý bóng đá CLB ở Việt Nam, cũng không dám chắc có thể sản sinh ra lứa cầu thủ nào tốt hơn lứa Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu..., dù hết thảy đã ra ràng từ 5-7 năm qua. Trong bóng đá và đào tạo trẻ, một thế hệ cầu thủ tương đương với 3 năm, nó đòi hỏi tính kế thừa liên tục, với đầu vào phải dồi dào, hòng tạo được nền móng vững chắc. Nhưng, ngần ấy năm, chúng ta gần như chỉ hớt váng thành tích từ lứa này.

Xưa cố HLV Alfred Riedl nói rằng, bóng đá Việt Nam "xây nhà từ nóc", nay, vẻ như tình hình không được cải thiện là mấy. Ông Park Hang Seo thì chia sẻ rằng, để đến được với World Cup, thì cần rất nhiều nguồn lực, sự đầu tư định hướng của chính phủ, trong nhiều năm nữa. Đội tuyển Việt Nam, về lý là đã tiệm cận VCK World Cup 2022 khi lọt vào đến Vòng đấu loại cuối cùng, nhưng thực tế đấu 4 trận thua cả 4, thì rõ ràng giấc mộng ấy vẫn còn diệu vợi lắm.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm