Thể thao Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2015: Quên 'Games' gần để hướng tới 'Games' xa

07/01/2015 10:22 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2014, thể thao Việt Nam với những sự kiện lớn trong nước và quốc tế đã có sức tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Không phải cứ thành công đã làm cho ta vui mừng và không phải cứ thất bại là làm cho ta thất vọng. Điều đáng suy ngẫm là phía sau tất cả vui buồn, hy vọng và thất vọng đó, thể thao Việt Nam (TTVN) sẽ phải làm gì trong tương lai?

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam.

Năm 2014 - TTVN thật sôi động với những sự kiện lớn, đó là Asian Games (ở Việt Nam còn gọi là ASIAD - PV), Đại hội TDTT toàn quốc và giải vô địch bóng đá Đông Nam Á - AFF Cup.

1. Ta hãy bắt đầu từ Asian Games, từ việc TTVN xin đăng cai tổ chức Asian Games năm 2019 và rồi lại xin rút đăng cai! Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã có chủ trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao khu vực, quốc tế, trong đó có Asian Games vào thời điểm thích hợp nhằm góp phần phát triển TDTT và kinh tế - xã hội.

Chủ trương đã rõ như vậy nhưng Việt Nam đã bất ngờ giành quyền đăng cai Asian Games năm 2019 vào một ngày cuối năm 2012. Tuy nhiên, việc này lại không nhận được sự đồng thuận của xã hội: 75.000/86.000 người dân (chiếm tỷ lệ 87%) đã lựa chọn phương án "Rút đăng cai" Asian Games và chỉ có 11.000 (13%) ủng hộ việc tổ chức (theo khảo sát của một tờ báo điện tử hàng đầu của Việt Nam).

Chính phủ cũng sáng suốt nhận định: việc vận động đăng cai chưa có Đề án để đảm bảo tổ chức thành công Asian Games khi được chấp nhận. Hiện đang còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích, ý nghĩa và còn khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể; trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn… "Qua cân nhắc nhiều mặt", Thủ tướng Chính phủ đã quyết định rút đăng cai không tổ chức Asian Games 18 tại Việt Nam. Đây là một quyết định hợp lý và đúng đắn, hoàn toàn hợp lý cho TTVN. Đây thực sự là bài học quý giá nhiều mặt cho các nhà quản lý TTVN.

2. Asian Games 17 tại Incheon - Hàn Quốc là sự kiện thể theo quốc tế quan trọng nhất mà TTVN tham gia trong năm 2014. Đoàn thể thao Việt Nam chỉ giành được 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ đứng thứ 21/36 đoàn có huy chương, không đạt được mục tiêu đề ra: giành 2 - 3 HCV xếp hạng 15 - 17; thua kém Thái Lan (12 HCV), Malaysia (8 HCV), Singapore (5 HCV), Indonesia (4 HCV)… không thành công ở Asian Games - 17 là nỗi buồn lớn của những người làm thể thao: nó cho thấy trình độ của TTVN còn thua kém xa châu lục và thua kém ngay cả các nước trong khu vực.

Đó cũng là hậu quả của chiến lược "đi tắt đón đầu" quá kéo dài nhằm tìm kiếm thành tích ở khu vực Đông Nam Á và quá chậm trễ trong việc đầu tư cho các môn thể thao trong chương trình Olympic và Asian Games. Tuy nhiên, trong nỗi buồn lớn đó đã xuất hiện niềm vui và hy vọng: Lần đầu tiên Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Bơi, Boxing, Đấu kiếm, Thuyền Rowing có HCB Asian Games. Điền kinh, Cử tạ, Bắn súng… có VĐV vẫn duy trì được trình độ cao (top 3); lần đầu tiên TTVN có VĐV phá kỷ lục Asian Games (môn cử tạ). 2/3 tổng số huy chương đạt được ở các môn thể thao Olympic. Có những VĐV trẻ tuổi xuất sắc mang lại hy vọng lớn cho TTVN: Thạch Kim Tuấn (Cử tạ), Ánh Viên (Bơi), Quách Thị Lan (Điền kinh), Nguyễn Hoàng Phương (Bắn súng)…

Những thành tích xuất sắc ban đầu này là hiệu quả tích cực của chủ trương chuyển hướng đầu tư quan trọng của lãnh đạo ngành thể thao từ năm 2013: tập trung trọng điểm cho một số VĐV ưu tú của các môn thể thao Olympic. Kiên trì và tập trung đầu tư quyết liệt theo hướng này chắc chắn TTVN sẽ có "quả ngọt" ở Olympic Games năm 2016 và xa hơn là Asian Games 18 năm 2019.

3. Đại hội TDTT toàn quốc là sự kiện lớn nhất trong nước của TTVN: 4 năm tổ chức một lần, ý nghĩa quan trọng nhất của Đại hội là cuộc vận động lớn nhằm tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong toàn dân đường lối, chủ trương phát triển TDTT phục vụ nâng cao sức khỏe nhân dân của Đảng và Chính phủ, là cuộc tổng duyệt về lực lượng và trình độ phát triển của thể thao thành tích cao, của công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV.

Đây cũng là mục đích của Đại hội. Các địa phương đăng cai tổ chức Đại hội (TP.Nam Định và 9 tỉnh thành khác) đã vượt qua các khó khăn để tổ chức tốt các cuộc thi đấu, lễ khai mạc và bế mạc. Các VĐV đã thi đấu quyết liệt và ngoan cường, nhiều kỷ lục Đại hội, kỷ lục quốc gia được thiết lập…

Đại hội đã "thành công tốt đẹp" như tổng kết của BTC. Tuy nhiên, công luận và đông đảo những người yêu mến thể thao còn băn khoăn nhiều điều về cách thức tổ chức Đại hội: Chương trình thi đấu, nội dung thi đấu thế nào là hợp lý? Thời gian thi đấu ra sao? Địa điểm tổ chức có nên dàn trải rộng ở nhiều địa phương không? Chương trình khai mạc, bế mạc có thể hiện được đặc thù của thể thao? Điều lệ thi đấu hợp lý hay chưa? Tình trạng mua bán chuyển nhượng VĐV phổ biến. Đầu tư cơ sở vật chất như thế nào? Rõ ràng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh nhiều điều để chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 ở An Giang.

4. Hiện tượng U19 Việt Nam và AFF Cup là niềm vui - nỗi buồn của bóng đá Việt Nam và cũng là của TTVN. U19 Việt Nam mà nòng cốt là VĐV của Học viện HA.GL Arsenal JMG thực sự đã gây niềm vui, niềm tin vào tương lai của bóng đá Việt Nam. Tờ Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã có sự nhận xét có lý rằng: "Và rõ ràng, thất bại của ĐTQG tại AFF Cup càng khiến sự kỳ vọng của người hâm mộ vào U19 trở nên lớn hơn rất nhiều". Còn nhiều quan điểm khác nhau của các chuyên gia về lứa cầu thủ này nhưng ai cũng thừa nhận rằng: U19 là niềm vui, "cơn sốc" hứng khởi của người hâm mộ, rằng nếu CLB nào cũng dày công, tốn tiền của để kiên trì đào tạo trẻ như ông Đoàn Nguyên Đức thì bóng đá Việt Nam sẽ phát triển ổn định và đó là một minh chứng cho chủ trương xã hội hóa thể thao của Đảng.

Hàng triệu người hâm mộ "vui mừng" tột độ khi ĐTQG thắng Malaysia trên sân khách nhưng cũng hàng triệu người hâm môn lại "đau khổ" và "thất vọng" khi ĐTQG "thất bại khó hiểu" trước dội tuyển này ở sân nhà Mỹ Đình.

5. Năm 2014 đã qua rồi, niềm vui, nỗi buồn cũng qua rồi, năm 2015 TTVN lại phải thực hiện nhiều việc với những ước mơ, hy vọng mới: Lại SEA Games (tháng 6/2015 ở Singapore), lại chuẩn bị vượt qua các cuộc thi vòng loại giành quyền tham dự Olympic Games năm 2016. Chuẩn bị cho Olympic  Games năm 2016 ở Rio (Brazil) và không còn xa là Asian Games năm 2018 ở Indonesia là những sự kiện trọng tâm mà thời gian là một thách thức lớn của TTVN.

Phải chăng, trong điều kiện "luôn luôn thiếu hụt kinh phí" TTVN không nên để SEA Games, Beach Games hay một loại "Games" nào khác nữa… ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính Asian Games và Olympic Games?

Không phải tất cả nỗi buồn đều làm ta thất vọng. Ta có quyền hy vọng ở Olympic Games Rio năm 2016, TTVN có huy chương, thậm chí có HCV. Đó cũng là lời chúc đầu năm cho TTVN.

(*): Tít bài do Tòa soạn đặt

Asian Games lần thứ 18 diễn ra năm 2018 hay năm 2019?

Vào ngày 25/7/2014, trong cuộc họp được tổ chức tại Kuwait City (Kuwait), Ủy ban Olympic châu Á (OCA) đã công bố Thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ là chủ nhà của Asian Games lần thứ 18, thay vì Palembang như dự kiến ban đầu của Indonesia. Theo quyết định của OCA, Jakarta sẽ là địa điểm tổ chức chính của Asian Games lần thứ 18, còn Palembang sẽ đóng vai trò như là thành phố vệ tinh để hỗ trợ đăng cai.

Sở dĩ Jakarta được lựa chọn làm địa điểm tổ chức thi đấu chính của Asian Games lần thứ 18 là bởi Thủ đô Indonesia có đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho một kỳ Asian Games, từ các công trình thể thao cho tới các dịch vụ khác như khách sạn, lưu trú.

Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho biết Asian Games lần thứ 18 có thể được tổ chức vào năm 2018, thay vì năm 2019 như kế hoạch ban đầu, bởi vào năm 2019 Indonesia bận tổ chức bầu cử Tổng thống và Jakarta không cần nhiều thời gian để nâng cấp và cải tạo các công trình thi đấu thể thao hiện có. Lần cuối cùng Indonesia và Jakarta trở thành chủ nhà một kỳ Asian Games là vào năm 1962.


Nguyễn Hồng Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm