Thể thao Việt Nam cần có chiến lược phát triển hợp lý hơn

03/10/2023 08:12 GMT+7 | Thể thao

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh từng tiên đoán về sự thua sút của thể thao Việt Nam so với Thái Lan, Indonesia dù vừa thành công ở SEA Games 32 ngay trước khi ASIAD 19 khởi tranh: "Việc giành chiến thắng ở SEA Games dường như không thúc đẩy được gì cho việc đạt thành tích cao ở ASIAD.

Tôi đã tổng hợp, phân tích và thấy rằng trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam có vấn đề. Vấn đề đầu tiên là trong chiến lược đã bàn thảo nhiều trong những năm 2000 đến 2010, mục tiêu số 1 trong chiến lược là phải luôn luôn giữ vững Top 3 SEA Games, rồi sau đó mới nói đến lựa chọn một số môn tham gia vào ASIAD, Olympic.

Trong thời gian dài như thế, chúng ta chỉ chú trọng đấu trường khu vực trong khi đấu trường ASIAD chưa được đầu tư đúng mức. Một trong những vị lãnh đạo cao cấp nhất ngành thể thao Việt Nam nói với tôi rằng: Nói gì thì nói, nếu SEA Games mà thất bại thì không thể chấp nhận được.

Và cho đến gần đây nhất ở SEA Games 32, các nhà quản lý thể thao Việt Nam vẫn phát biểu rằng đấu trường SEA Games là trọng tâm. Một xác định chiến lược như thế dẫn đến việc đầu tư từ tiền bạc, công sức, mua sắm trang thiết bị, dinh dưỡng, tập huấn, đào đạo dồn hầu hết cho SEA Games nên không còn đủ cho đầu tư ASIAD. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính làm cho thể thao Việt Nam không có được vị trí tương xứng ở ASIAD. 

Cần có chiến lược phát triển hợp lý hơn - Ảnh 1.

Thể thao Việt Nam cần thay đổi chiến lược phát triển để hướng mục tiêu tới ASIAD, Olympic thay vì quẩn quanh với SEA Games. Ảnh: Hoàng Linh

Thể thao phải là sự đầu tư liên tục, có chiến lược rõ ràng mới mong gặt hái thành tích. Với cách làm như chúng ta hiện nay là chưa phù hợp. Tôi muốn phân tích, nói những điều tâm huyết với mong muốn các nhà quản lý thể thao Việt Nam tìm hiểu, lắng nghe để có hướng đầu tư đúng đắn.

Không nên coi ngôi nhất, nhì SEA Games là niềm vinh quang bất tận mà bỏ quên đấu trường lớn hơn là ASIAD, Olympic. Hãy đặt dấu hỏi vì sao Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia xếp sau chúng ta ở SEA Games nhưng thường đạt thành tích tốt hơn ở ASIAD, Olympic?".

Bên cạnh đó, người làm thể thao Việt Nam cũng thấy rõ những khó khăn tồn tại như kinh phí, chưa có sự đầu tư đúng mực cho thể thao học đường, xã hội hóa thể thao… để có nền móng vững chắc… Đây là những vấn đề vĩ mô đòi hỏi sự chung tay của nhiều đơn vị để thể thao Việt Nam đi lên bền vững. 


Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm