Thể thao Việt Nam tại ASIAD 17: Vẫn là 'Vàng võ'

05/10/2014 14:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những năm gần đây, thể thao Việt Nam (TTVN) đã có bước phát triển toàn diện hơn, khi nhiều môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, TDDC... đã đạt tới tầm châu lục và thực tế ASIAD 17 đã chứng minh.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu phấn đấu giành HCV tại châu Á, thì TTVN vẫn phải trông vào các thế mạnh cũ, mà cụ thể là võ thuật: Sau taekwondo, karatedo trước đây, đến nay tấm HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam tại ASIAD 17 lại là wushu.

Điểm tựa võ thuật

Đây là thực tế không làm ai cảm thấy bất ngờ, bởi 20 năm qua, tính từ lần đầu tiên TTVN tham dự ASIAD cho tới nay, chúng ta đã có tổng cộng 11 HCV ở đấu trường Á vận hội (tính cả HCV ASIAD 2014 của Dương Thuý Vi) thì có tới 7 HCV thuộc về các môn võ thuật, trong đó nhiều nhất là karatedo (4 HCV), sau đó là taekwondo (2 HCV) và wushu (1 HCV).

Còn nếu nhìn ra đấu trường quốc tế thì huy chương đầu tiên của TTVN ở Olympic cũng được mang về nhờ công của 1 môn võ thuật, đấy là chiếc HCB nội dung đối kháng nữ hạng dưới 57kg của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000. Thống kê như vậy để thấy võ thuật vẫn là mỏ huy chương với TTVN, đặc biệt là ở đấu trường châu lục và thế giới.



Dương Thúy Vi, chủ nhân tấm HCV duy nhất của đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 17. Ảnh: Hữu Qúy

Không khó lý giải cho việc vì sao võ thuật đã, đang và sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp huy chương chủ lực cho TTVN, bởi người Việt Nam với những tố chất nhưng khéo léo, nhanh nhẹn song hơi hạn chế về thể hình và tầm vóc rất phù hợp để chơi võ thuật.

Nếu để ý sẽ thấy, võ thuật Việt Nam chỉ giành được huy chương ở sân chơi Olympic và châu Á ở những hạng cân nhỏ, nơi VĐV chúng ta có thể phát huy tốt nhất ưu điểm của mình, còn với những hạng cân lớn thì chúng ta không thể tranh chấp với đối thủ có thể hình, thể lực vượt trội.

Bên cạnh đó, khả năng giành huy chương ở võ thuật nhiều khi còn phụ thuộc vào kết quả bốc thăm cũng như số lượng VĐV tham dự ở từng hạng cân. Chẳng hạn, ở ASIAD 2006, hạng cân kumite nữ 48kg của Vũ Nguyệt Ánh chỉ có 14 VĐV tham dự và Nguyệt Ánh được miễn vòng đấu nên võ sỹ này chỉ thi đấu 3 trận, bao gồm tứ kết, bán kết và chung kết.

Tương tự như thế là trường hợp của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney 2000, khi VĐV này chỉ thi đấu 1 trận với đối thủ người Trinidad & Tobago ở vòng ngoài, rồi gặp võ sỹ người Hà Lan ở bán kết và tới trận chung kết là cuộc đối đầu với Jung Jae-eun của Hàn Quốc.

Điều đó cho thấy muốn gặt hái thành tích ở đấu trường quốc tế thì TTVN không thể tiến hành đầu tư theo kiểu dàn hàng ngang mà tiến. Hay nói đúng hơn là không thể môn nào của TTVN cũng được đầu tư mạnh để tranh huy chương mà cần phải xác định môn, nội dung thế mạnh có khả năng tranh HCV mà đầu tư, trong đó võ thuật hẳn nhiên phải là lựa chọn ưu tiên.

Nhưng không thể chỉ có võ thuật

Tuy nhiên, võ thuật không phải là con đường duy nhất để TTVN xác lập dấu ấn ở sân chơi châu lục và thế giới, nhất là trong trường hợp nhiều môn võ như karatedo và wushu đến nay vẫn chưa được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic, còn taekwondo đã trải qua 3 kỳ ASIAD liên tiếp (2002, 2006 và 2010) mà không đem lại chiếc HCV nào cho TTVN.

Bản thân việc phó thác trọng trách săn vàng ASIAD cho các môn võ thuật cũng không phải là một lựa chọn xác đáng, bởi như đã nói ở trên, việc giành HCV của các VĐV võ thuật đôi khi không chỉ phụ thuộc vào năng lực VĐV mà còn dựa vào sự may mắn khi sắp lịch bốc thăm hay phong độ của từng VĐV.

Lịch sử thể thao Việt Nam ở các kỳ ASIAD từ năm 1994 tới nay cho thấy chưa có VĐV nào giành được HCV ASIAD ở 2 kỳ Đại hội liên tiếp, và thậm chí có trường hợp chỉ loé sáng 1 lần để giành HCV như võ sỹ karatedo Lê Bích Phương với HCV ASIAD 16 năm 2010 sau khi đánh bại nhà VĐTG Kobayashi Miki với tỷ số 4-3 trong trận chung kết.

Kể từ sau kỳ ASIAD lịch sử ấy, Lê Bích Phương còn giành thêm HCV ở SEA Games 2011, nhưng chưa thể trở lại là chính mình, trong khi bại tướng của Phương là Miki vẫn thi đấu đỉnh cao đều đặn, và cách đây 2 năm đã giành HCĐ giải VĐTG 2012. Và, chúng ta cũng đều biết là xưa nay karatedo Việt Nam chỉ có huy chương thế giới ở nội dung biểu diễn (kata), còn ở nội dung đối kháng (kumite) thì trình độ của chúng ta chỉ đôi lần chạm được tới đằng cấp châu lục mà thôi.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, 1 VĐV võ thuật muốn giành HCV ở ASIAD ngoài trình độ chuyên môn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác, chẳng hạn như phong độ, trọng tài, thời tiết, kết quả bốc thăm, và nói chung là thời vận. Vì thế mới có chuyện võ sỹ kata Hoàng Ngân dù đã có trong tay rất nhiều danh hiệu vô địch thế giới nhưng lại chưa 1 lần bước lên đỉnh cao ở ASIAD, hay câu chuyện của Bích Phương mà chúng tôi vừa liệt kê.

Bên cạnh đó, với những môn võ thuật chưa được đưa vào hệ thống thi đấu của Olympic như wushu hay karatedo thì việc chấm điểm còn phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính của trọng tài, trong đó không thể không tính tới yếu tố chủ nhà. Trong những lần tham dự Á vận hội, không ít lần TTVN đã phải chứng kiến những trường hợp VĐV tuy thi đấu rất tốt, mặc dù đã đánh bại được đối phương trên thảm đấu nhưng lại không thể… đánh bại trọng tài!

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, nguyên trưởng đoàn TTVN tại các kỳ Olympic và ASIAD, đã rất có lý khi nói rằng, võ thuật dù lúc nào cũng là mỏ huy chương của TTVN ở Á vận hội, nhưng có khai thác được cái mỏ huy chương này hay không lại là câu chuyện của thời vận, của may rủi.

Những HCV ASIAD về võ thuật của thể thao Việt Nam

ASIAD 1994 (tổng cộng 1 HCV):

Trần Quang Hạ (taekwondo)

ASIAD 1998 (tổng cộng 1 HCV); Hồ Nhất Thống (taekwondo)

ASIAD 2002 (tổng cộng 4 HCV, 2 HCV còn lại là thể hình và billiards-snooker); Nguyễn Trọng Bảo Ngọc (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng trên 60kg; Vũ Kim Anh (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng 53kg)…

ASIAD 2006 (tổng cộng 3 HCV, 2 HCV còn lại là cầu mây):Vũ Nguyệt Ánh (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng 48kg)…

ASIAD 2010 (tổng cộng 1 HCV):Lê Bích Phương (karatedo, đối kháng cá nhân nữ hạng 55kg)

ASIAD 2014: Dương Thuý Vi (wushu, biểu diễn thương thuật và kiếm thuật)


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm