Vĩnh biệt nhà báo Đỗ Phượng: Cây đại thụ làng thông tấn

10/10/2017 07:06 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Tổng biên tập đầu tiên của báo Thể thao & Văn hóa (từ khi báo ra đời năm 1982 tới năm 1990) đã vĩnh viễn ra đi ngày 8/10 vừa qua, hưởng thọ 88 tuổi.

TT&VH xin trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN:

Chú thích ảnh
Nhà báo Đỗ Phượng (giữa) và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo TT&VH (phải) trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập báo.

Đối với tôi và đông đảo anh chị em trong ngành, sự ra đi của nhà báo Đỗ Phượng thật đột ngột.

Mới đây, trong hội diễn của ngành, ông còn cầm chén rượu đi đến từng bàn gặp gỡ, chia vui với anh chị em thông tấn đại diện cho cả ba miền có mặt tại Hà Nội! Ít ngày trước đó, ông còn dự Liên hoan truyền hình thông tấn toàn ngành, dự lễ kỷ niệm 35 năm báo Thể thao & Văn hoá mà ông là người sáng lập và Tổng Biên tập đầu tiên… Trong cuộc gặp ở Ban Thư ký - Biên tập nhân kỷ niệm thành lập TTXVN ít tuần trước, ông còn hào hứng chia sẻ với lớp trẻ những suy nghĩ về thông tin báo chí  và công việc của ngành trong tình hình mới.

Mỗi cán bộ, phóng viên trong ngành, từ công việc của mình, đều lưu giữ những kỷ niệm riêng về ông, một nhà báo lớn, người lãnh đạo rất gần gũi, thân thiết. Tôi cũng có những kỷ niệm rất đặc biệt với ông.

Chú thích ảnh
Phó Tổng Biên tập TTXVN Đỗ Phượng (ở giữa) tiễn các phóng viên lên đường vào mặt trận Quảng Trị, 1/1972 (Từ trái sang: Trần Mai Hưởng, Phạm Hoạt, Phó TBT Đỗ Phượng, Trương Đại Chiến, Xuân Lâm)

Người lãnh đạo có tầm, khi cần rất táo bạo, quyết đoán...

Tháng 10/1968, tôi về học lớp phóng viên TTXVN (tên cũ là Việt Nam Thông tấn xã) khoá 8 theo giấy triệu tập do Phó Tổng Biên tập TTXVN Đỗ Phượng ký (lúc đó chức danh của Ban Giám đốc TTXVN là Tổng Biên tập và các Phó Tổng Biên tập), chính thức gắn bó cuộc đời mình với cơ quan thông tấn quốc gia. Lần đầu gặp ông đến thăm lớp, tôi ấn tượng với vẻ ngoài giản dị, cách nói chuyện thông minh, sắc sảo nhưng cũng rất chân tình của ông. Đang mùa lạnh, ông mặc chiếc áo bộ đội bốn túi, quàng khăn và đội mũ vải, trông rất gần gũi. Ấn tượng ấy giữ mãi trong tôi suốt 42 năm phóng viên TTXVN và đến sau này.

Có thể nói, cùng với cố Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng, những chuyến đi công tác, những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời làm thông tấn của tôi đều gắn bó với bác Đỗ Phượng. Đầu năm 1972, khi chúng tôi lên đường vào mặt trận Quảng Trị, ông gặp gỡ và dặn dò anh em rất ân tình, xuống tận xe ô tô tiễn anh em tại số 5 - Lý Thường Kiệt. Những ngày chiến dịch ác liệt nhất, phân xã B Vĩnh Linh luôn nhận được sự chỉ đạo và quan tâm từ Ban lãnh đạo ngành mà Phó Tổng Biên tập TTXVN Đỗ Phượng là người trực tiếp phụ trách. Khi tôi viết bài về quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn - "Bích La Đông giải phóng"- ông điện vào biểu dương và nhắc gửi thêm ảnh chụp ra Tổng xã.

Chú thích ảnh
Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Trở ra Hà Nội vào cuối năm, khi Hiệp định Paris ký kết, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành và tôi trực tiếp nhận nhiệm vụ từ ông quay lại Quảng Trị làm nhiệm vụ trao trả tù binh và phản ánh về cuộc sống ở vùng giới tuyến sau ngừng bắn.

Tôi không bao giờ quên buổi chiều tháng 3/1975 ấy. Không khí chuẩn bị cho tổng tiến công rất khẩn trương. Khi nghe tôi trực tiếp trình bày nguyện vọng, ông rất cân nhắc nhưng sau cũng đồng ý cho tôi tham gia đoàn cán bộ, phóng viên vào mặt trận Huế - Đà Nẵng. Lý do làm ông băn khoăn nhất là: "Nhà cậu có hai anh em đều ra chiến trường cả, sợ ông già cậu suy nghĩ"! Sau khi tôi cùng anh em hoàn thành nhiệm vụ viết về Huế và Đà Nẵng giải phóng, ban phụ trách đoàn nhận được bức diện do Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng ký rất ngắn gọn: "Đưa Mai Hưởng và các phóng viên ảnh đi tiếp vào phía trong". Quyết định này hình thành nên tổ mũi nhọn theo sát bước thần tốc của cánh quân phía đông. Anh em trong tổ đã có mặt và hoàn thành nhiệm vụ thông tin vào thời khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập đúng trưa ngày 30/4/1975!

Một buổi chiều tháng 11/1978, bác Đỗ Phượng đã cho gọi tôi đến nhà riêng, trực tiếp dặn dò và trao đổi về việc tham gia nhóm cán bộ đi từ Hà Nội, do nhà báo Trần Hữu Năng phụ trách. Chúng tôi có nhiệm vụ giúp các bạn Campuchia xây dựng thông tấn xã SPK và tham gia vào chiến dịch giải phóng đất nước này khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Xary. Sau khi giải phóng, trong hai năm 1979 -1980 tôi lại làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng với tư cách trưởng đoàn S78 - đoàn chuyện gia TTXVN giúp các bạn Campuchia. Đấy là những năm tháng rất vất vả gian nan nhưng cũng rất đáng nhớ trong cuộc đời người làm thông tấn của tôi.

Chú thích ảnh
 Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng dự hội nghị quốc tế

Hàng chục năm làm việc dưới sự chỉ đạo của ông trong các điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, ấn tượng của tôi về nhà báo Đỗ Phượng luôn nhất quán: Một người lãnh đạo có tầm, nhạy bén, sắc sảo, khi cần rất táo bạo, quyết đoán; một nhà báo giàu tài năng, tâm huyết; một người thủ trưởng rất gần gũi, bình dị và quan tâm đến mọi người.

Có thể nói trong một cơ quan ngày thêm đông đảo, ông không quên một ai và hiểu rất rõ cuộc sống gia đình, hoàn cảnh, nguyện vọng của mọi người. Đối với riêng tôi và gia đình, ông có dành nhiều sự quan tâm, chia sẻ. Nhớ về ông và những năm tháng ấy, trong tôi luôn trĩu nặng lòng biết ơn và những ân tình khó nói thành lời.

Chú thích ảnh
Tổng Biên tập TTXVN Đào Tùng, Phó Tổng Biên tập Đỗ Phượng tiễn Phó Tổng Biên tập Trần Thanh Xuân và vợ – nhà báo Mai Thị Trình vào chiến trường miền Nam (1973)

Người của “Thế hệ vàng’” TTXVN

Nhà báo Đỗ Phượng sinh ngày 16/11/1930, quê quán tại Hải Phòng, có một cuộc đời hoạt động rất  phong phú. Ông gia nhập Đảng CSVN năm mới 17 tuổi và trải qua nhiều cương vị công tác, từ địa phương đến trung ương và có rất nhiều năm gắn bó với hoạt động báo chí. Ông làm báo Cứu quốc Liên khu Ba từ trong kháng chiến chống Pháp. Hoà bình lập lại, sau thời gian công tác ở Liên hợp dệt Nam Định, ông về làm Vụ phó Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ năm 1966, khi mới 36 tuổi, ông đã trở thành Phó Tổng Biên tập của TTXVN và tham gia Ban lãnh đạo ngành liên tục trong 30 năm, trong đó từ năm 1990 đến 1996 là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN. Hơn 20 năm sau khi nghỉ công tác, ông  vẫn viết báo, miệt mài với các công tác xã hội, nhiều năm tham gia Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, làm Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh VN cho đến thời gian gần đây.

Trong 30 năm  tham gia Ban lãnh đạo TTXVN, nhà báo Đỗ Phượng đã góp phần rất quan trọng cùng Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, phóng viên toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các thời kỳ, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, trong xây dựng, đổi mới và phát triển để TTXVN xứng đáng với hai danh hiệu Anh hùng - Anh hùng LLVT và Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi Mới! Ban lãnh đạo TTXVN trong những năm chiến tranh và thời kỳ sau hoà bình là một “Thế hệ vàng’”, với người đứng đầu là Tổng Giám đốc Đào Tùng và các Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, Trần Thanh Xuân, Hoàng Tư Trai, Lê Chân ở miền Bắc, Tổng Biên tập Vũ Linh và Ban lãnh đạo Thông tấn xã Giải phóng ở phía Nam; trong đó Phó Tổng Giám đốc Đỗ Phượng, người trực tiếp phụ trách công tác về chiến trường miền Nam nhiều năm, đã để lại dấu ấn riêng của mình trong nhiều hoạt động nổi bật.

Chú thích ảnh
Các Phó Tổng Biên tập TTXVN Đỗ Phượng, Hoàng Tư Trai tiễn Tổng Biên tập Đào Tùng lên đường đi chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)

Trong thời gian làm Tổng giám đốc TTXVN (1990-1996), với cương vị và trách nhiệm của người đứng đầu, nhà báo Đỗ Phượng cùng Ban lãnh đạo TTXVN tiếp tục có những bước đi sáng tạo, tập hợp và động viên đội ngũ cán bộ, phóng viên toàn ngành đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt để cơ quan thông tấn quốc gia theo kịp với những yêu cầu của hoạt động báo chí truyền thông trong thời kỳ mở cửa và hội nhập.

Những người có dịp tiếp xúc với nhà báo Đỗ Phượng những năm sau này, khi ông đã ở tuổi gần 90, đều rất ấn tượng với tâm huyết, trách nhiệm và đặc biệt về sự  nhanh nhạy, minh mẫn của ông với những vấn đề trong cuộc sống hôm nay. Ông vẫn viết bài cho các báo, tham gia các hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm và có mặt thường xuyên trên các diễn đàn với một sự năng động thật đáng khâm phục.

Trong bài mở đầu cho cuốn “Nghề báo - Những kỷ niệm khó quên” (NXB Chính trị Quốc gia -1998), ông viết: “Và thời nào cũng vậy, người làm báo vẫn phải TÂM HUYẾT, CÔNG TÂM và DŨNG CẢM”. Nhà báo Đỗ Phượng đã sống cả cuộc đời phong phú, giàu bản sắc và trải nghiệm của mình theo phương châm ấy.Và có mấy thế hệ những người làm thông tấn trong hành trình gắn bó cùng đất nước và dân tộc đã sống như thế cùng ông.

Lễ viếng nhà báo lão thành Đỗ Phượng (Đỗ Kim Phượng), được tổ chức từ 7h 30 đến 9h 30 thứ Năm ngày 12/10/ 2017 (tức ngày 23 tháng 8 năm Đinh Dậu), tại Nhà tang lễ Quốc gia , số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.  Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 9h 30’ cùng ngày. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.
Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN từ trần 

Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN từ trần 

Nhà báo lão thành Đỗ Phượng đã từ trần lúc 11 giờ 20 phút ngày 8/10/2017 (tức ngày 19 tháng 8 năm Đinh Dậu) tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi. 

Nhà báo Trần Mai Hưởng
(Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm