Vì sao dịch vụ đi xe chung của Grab và Uber bị Bộ Giao thông 'tuýt còi'?

29/06/2017 07:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng.

Cụ thể, Công ty TNHH Grab Taxi đang triển khai dịch vụ đi chung xe GrabShare kết hợp hai cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe. Còn Công ty TNHH Uber Việt Nam mới đưa ra kế hoạch triển khai giải pháp giao thông thông minh UberPOOL, chưa có lộ trình thực hiện cụ thể.

Chú thích ảnh

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng theo Công văn số 1850 của Thủ tướng và Quyết định số 24 của Bộ Giao thông Vận tải là việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ôtô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản.

Trong khi đó, Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được kỷ kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.

Uber, Grab có 'đối thủ cạnh tranh' với giá cước cực rẻ

Uber, Grab có 'đối thủ cạnh tranh' với giá cước cực rẻ

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, Công ty Sapa Thale là một doanh nghiệp lớn của Đức hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Việc GrabShare và UberPOOL có thêm hợp đồng với nhiều khách là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ GrabShare và UberPOOL đối với xe hợp đồng.

Yêu cầu này còn được Bộ Giao thông Vận tải đặt ra đối với tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không triển khai dịch vụ tương tự đối với xe hợp đồng.

Mặc dù bị Bộ Giao thông Vận tải “tuýt còi”, cấm hoạt động song đến thời điểm hiện tại, Grab vẫn đang triển khai dịch vụ GrabShare trên các chuyến xe.

Trước đó, ngày 9/5/2017, Grab chính thức ra mắt dịch vụ GrabShare tại Tp.Hồ Chí Minh. GrabShare tận dụng nền tảng dịch vụ có sẵn của GrabCar, cho phép hành khách tận hưởng chi phí rẻ hơn lên đến 30% so với dịch vụ GrabCar thông thường, đồng thời giúp đối tác tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp hai cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.

Đến ngày 8/6, GrabShare tiếp tục tấn công ra thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, tương tự như GrabCar, sự xuất hiện của GrabShare cũng gặp phải sự phản đối của Hiệp hội Taxi Tp.Hồ Chí Minh.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Tp.Hồ Chí Minh (đồng thời là Phó tổng giám đốc Taxi Vinasun) kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao Thanh tra Bộ ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của Công ty TNHH GrabTaxi. Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi dừng ngay tính năng đi chung xe GrabShare trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Giải thích thêm về việc Bộ Giao thông Vận tải không chấp nhận dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, quy định hiện nay với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi. Do đó, việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.

TTXVN/Quang Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm