Từ động đất ở Nhật Bản ngẫm về họa “thiên tai”

13/03/2011 14:16 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trận động đất mạnh 8,9 độ Richter và sóng thần tại Thái Bình Dương đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người và của gần khu vực Đông Bắc Nhật Bản mấy ngày qua đang làm rúng động toàn thế giới. Đó là một thảm họa hoàn toàn tự nhiên, dù thiệt hại nặng nề, nhưng những người dân xứ sở mặt trời vẫn bình tĩnh ứng phó, bởi người Nhật nổi tiếng là những người biết bảo vệ môi trường, hòa hợp với tự nhiên và biết “sống chung cùng động đất”.


Sóng thần tấn công Nhật Bản (Ảnh THX/TTXVN)
Còn ở đất nước ta, do điều kiện địa lý, chúng ta may mắn trong lịch sử chưa phải đối mặt với sóng thần, động đất lớn nhưng thiên tai, bão lụt thì... không thiếu. Cường độ và tần suất bão lũ mỗi năm một mạnh hơn, mau hơn, sự tàn phá gây nhiều thiệt hại hơn. Hậu quả đó ngoài quy luật tự nhiên còn sinh ra bởi chính thái độ của con người khi ứng xử không phải hoặc chưa hợp lý với thiên nhiên và tài nguyên của tất cả chúng ta.

Xã hội công nghiệp phát triển cùng với sự phát triển của dân số qua nhiều ngàn năm sẽ khiến trái đất “quá tải”. Muốn sống, muốn tồn tại, con người vì thế càng ngày càng muốn đẩy lùi tự nhiên, giành giật, cải tạo không gian sinh tồn với rừng, với biển, với vũ trụ... Bởi vậy, không quá cực đoan khi có người kết luận rằng mọi thiên tai xảy đến với con người đều là do con người buộc thiên nhiên phải quay lưng lại với chính họ?!

Nhà nước ta mấy chục năm gần đây đã cho thấy sự quan tâm tới thiên nhiên thật đáng trân trọng. Nhiều chính sách lớn như trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ rừng đầu nguồn, phòng chống thiên tai, tôn trọng đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái, tham gia cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ bầu sinh quyển... đã mang lại hiệu quả đáng lạc quan. Tuy nhiên, gần đây, dư luận lại dấy lên những vụ phá rừng không thương tiếc, điển hình như vụ đầu độc hàng nghìn cây thông từ 20 - 30 năm tuổi chết khô ở Lạc Dương (Lâm Đồng). Một câu hỏi nhỏ được đặt ra trong phạm vi hẹp là tại sao vẫn còn tình trạng suy thoái tự nhiên ở ngay chính quê hương mình? Do quản lý lỏng lẻo, lợi nhuận hấp dẫn, phẩm chất cán bộ sa sút, luật pháp chưa nghiêm... hay vì chính thái độ ứng xử không biết điều của con người đối với tự nhiên?

Khoa học thế giới đưa ra những cảnh báo về tình trạng trái đất nóng lên, hiện tượng tần suất và cường độ của thiên tai ngày càng mau hơn, mạnh hơn như hiện tượng băng tan ở hai cực của Trái Đất, hay như sóng thần ngoài khơi Trung Nam Chile năm 1960, Malé, thủ đô quần đảo Maldives năm 2004, ở Ấn Độ Dương 2004 với khoảng 230.000 người thiệt mạng, hay chính trận sóng thần xảy ra ngoài khơi Hokkaido Nhật Bản năm 1993 làm 202 người trên hòn đảo nhỏ Okushiri thiệt mạng và hàng trăm người mất tích và bị thương. Ngoài sự vận động tự nhiên thì thủ phạm là ai ngoài sự thoái thác nghĩa vụ của những người làm chủ công nghiệp trong việc bảo tồn sinh quyển, không vì lợi ích chung của cộng đồng, không vì cái dân gian của người Việt hay quan niệm “trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”?!

Có lẽ, chưa đủ khi chỉ gọi rừng và thiên nhiên là những người bạn tốt của chúng ta. Còn hơn thế, đó là những người bạn nhẫn nại. Họ sẽ chẳng phàn nàn với ai. Họ chỉ thầm lặng ra đi, thầm lặng biến mất nếu bị chúng ta coi thường những nhu cầu của họ. Chính vì vậy chúng ta, những người làm chủ thiên nhiên phải có một thái độ biết điều sơ đẳng (đối với bạn bè)”.

Mục Đồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm