Tổng thống Nga ký ban hành luật thành lập chính phủ

07/11/2020 10:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật về các quy tắc mới thành lập Nội các. Luật này được soạn thảo trong khuôn khổ thi hành các sửa đổi Hiến pháp và được Tổng thống Putin trình Quốc hội xem xét để thay thế luật năm 1997. Luật được tải lên cổng công báo chính thức ngày 6/11.

Tổng thống Nga Putin được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2021

Tổng thống Nga Putin được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2021

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được nhà văn, viện sĩ Nga Sergei Komkov, Tổng biên tập báo "President", đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2021. 

Luật mới quy định tổng thống chỉ bổ nhiệm thủ tướng, các phó thủ tướng và các bộ trưởng liên bang sau khi được Duma quốc gia (Hạ viện Nga) phê chuẩn.

Quy định này không áp dụng với các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ và ngoại giao. Tổng thống bổ nhiệm các cương vị này sau khi tham khảo ý kiến Hội đồng Liên bang (Thượng viện), cơ quan sẽ thông báo cho tổng thống về quyết định của mình trong một tuần. 

Theo luật mới, tổng thống có nghĩa vụ đệ trình ứng cử viên thủ tướng lên Duma Quốc gia trong vòng hai tuần sau khi nhậm chức hoặc sau khi chính phủ từ chức. Trong trường hợp thủ tướng từ chức hoặc bị tổng thống bãi nhiệm hoặc Duma Quốc gia từ chối ứng cử viên của tổng thống cho cương vị thủ tướng, nguyên thủ quốc gia phải giới thiệu một ứng cử viên khác cho chức vụ này trong vòng một tuần.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Thủ tướng được Duma Quốc gia phê chuẩn sẽ đề xuất các ứng cử viên cho các cương vị phó thủ tướng và bộ trưởng trong vòng 2 tuần. Duma Quốc gia có một tuần để xem xét các ứng cử viên thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng trong chính phủ. Nếu Duma Quốc gia từ chối ứng cử viên cho chức thủ tướng 3 lần, tổng thống sẽ bổ nhiệm người đứng đầu Nội các mà không cần sự chấp thuận của quốc hội. Trong trường hợp đó, nguyên thủ quốc gia có quyền giải tán Duma Quốc gia. 

Quy tắc tương tự sẽ có hiệu lực nếu các ứng cử viên cho chức vụ phó thủ tướng và các thành viên khác của Nội các bị từ chối. Tổng thống có thể giải tán Hạ viện nếu hơn 1/3 số ghế trong Nội các vẫn bỏ trống. Ngoài ra, Tổng thống Nga có thể bãi nhiệm bất kỳ thành viên chính phủ nào mà không cần giải tán Nội các.

Duy Trinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm