Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh bảo vệ các tượng đài

27/06/2020 13:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm để đấu tranh với làn sóng “những phần tử cực đoan chống chính phủ” gây ra tình trạng bạo lực giữa lúc những cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát làm rung chuyển nước Mỹ.   

Người biểu tình kéo đổ tượng Tướng Albert Pike ở thủ đô Washington Mỹ

Người biểu tình kéo đổ tượng Tướng Albert Pike ở thủ đô Washington Mỹ

Truyền thông Mỹ ngày 20/6 đăng tải những hình ảnh cho thấy người biểu tình đã kéo đổ bức tượng duy nhất của vị tướng thuộc liên quân Mỹ Albert Pike ở thủ đô Washington.

Trong một thông báo gửi lực lượng thực thi pháp luật và các công tố viên được Bộ Tư pháp Mỹ công bố ngày 26/6, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nhấn mạnh các phần tử cực đoan đã “dính líu tới những hành động bạo lực không thể bào chữa với ý đồ phá hoại trật tự công cộng”, trong đó có hành vi tấn công cảnh sát, hủy hoại tài sản và đe dọa những người dân vô tội. Ông cho rằng các phần tử cực đoan “tuyên bố hàng loạt hệ tư tưởng khác nhau. Một số phần tử làm ra vẻ tuyên bố một thông điệp về tự do và tiến bộ, song trên thực tế, chúng là các lực lượng vô chính phủ, phá hoại và áp bức”.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nêu rõ phong trào chống chính phủ được biết đến với tên gọi “boogaloo” nằm trong số các lực lượng gây ra những mối đe dọa về tình trạng không có trật tự, kỷ cương pháp luật.   

Theo người đứng đầu Bộ Tư pháp Mỹ, lực lượng đặc nhiệm mới sẽ do hai luật sư Mỹ, đến từ bang Texas và New Jersey, lãnh đạo. Lực lượng này cũng sẽ bao gồm các thành viên của những cơ quan thực thi pháp luật khác nhau, song sẽ “dựa rất nhiều vào năng lực của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)”.   

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp về việc xét xử những đối tượng biểu tình có hành vi đập phá các công trình kiến trúc, các tượng đài lịch sử...trong làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.   

Sắc lệnh nêu rõ các lực lượng bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm, kể cả kết án tù giam, những đối tượng có hành vi đập phá các tượng đài công cộng. Nhà Trắng cũng khẳng định chính quyền không bao giờ cho phép những kẻ bạo loạn kiểm soát đường phố, viết lại lịch sử đất nước hoặc gây tổn hại tới cuộc sống của người dân Mỹ.      

Chú thích ảnh
Ngày 7/6/2020, những người biểu tình đã gỡ tượng của Edward Colston ra khỏi bệ và ném nó xuống nước. Ảnh: dw.com

Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn nước Mỹ trong nhiều tuần qua nhằm phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc sau vụ người đàn ông da màu George Floyd tử vong do bị cảnh sát trấn áp mạnh tay. Nhiều tượng đài các nhân vật lịch sử đã trở thành nạn nhân của các cuộc biểu tình. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tìm cách xô đổ tượng đài cố Tổng thống Mỹ Andrew Jackson trong công viên cạnh Nhà Trắng. Ông Jackon làm Tổng thống Mỹ giai đoạn 1829-1837.

Người biểu tình tìm cách hủy hoại tượng đài để phản đối ông này xưa kia có chính sách hà khắc với thổ dân Mỹ. Ngoài ra, tranh cãi về những biểu tượng liên quan tới Liên minh miền Nam, vốn bao gồm những bang ủng hộ chủ nghĩa nô lệ ở miền Nam nước Mỹ trong thời kỳ nội chiến, đã nóng trở lại. Những người phản đối cho rằng những biểu tượng như tượng đài, cờ... của liên minh này cổ xúy cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trong khi phe ủng hộ cho rằng đó là những di sản và văn hóa của miền Nam.          

Biểu tình cũng đã lan ra tại nhiều nước trên toàn thế giới, trong đó nhiều sự kiện diễn ra trong hòa bình, nhưng cũng có những cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn đường phố, cướp phá cửa hàng hay đập phá tượng đài nhiều nhân vật lịch sử, buộc cảnh sát phải can thiệp.

Phương Hồ/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm