Thuốc giả, mạng người thật!

01/05/2011 15:00 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Mới đây, tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã xảy ra vụ ngộ độc thuốc khiến 15 người từ 6 - 51 tuổi bị thủng ruột phải đi cấp cứu. Qua điều tra cho biết những người này bị rơi vào tình trạng nguy kịch do uống thuốc Tây mua từ chợ. Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy loại thuốc mà 15 người này sử dụng là không rõ nguồn gốc.

Vấn đề thuốc giả, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng và sức khỏe người bệnh ngày càng đặt ra cấp thiết.

Thực tế, thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho thấy, năm 2010, hệ thống kiểm nghiệm cả nước đã phát hiện 26 mẫu thuốc giả. Tuy nhiên, theo ông Viện trưởng, PGS-TS Trịnh Văn Lẩu, số liệu này chưa bao gồm các mẫu thuốc giả do công an, quản lý thị trường phát hiện. Ngoài ra, còn có một số mẫu dược liệu như chi tử, hồng hoa chứa Rhodamin B, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư. Rồi liên tiếp có các loại thuốc kém chất lượng bị đình chỉ lưu hành, thu hồi khẩn cấp... Điều này cho thấy, thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang có diễn biến phức tạp.

Thuốc giả đa số là đông dược trộn tân dược

PGS-TS Trịnh Văn Lẩu - Viện trưởng Viện kiểm nghiệm thuốc TW

Từ đầu năm 2011 đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và nhiều Sở Y tế các địa phương như TP.HCM, Bình Định, Khánh Hòa, Hà Nội đều thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi khẩn cấp trên phạm vi cả nước các thuốc từ tân dược đến đông dược, viên nang, viên nén lẫn viên hoàn cứng; từ nhóm kháng sinh, thuốc thông thường trị cảm cúm, ho, sốt... hay vitamin thông thường đến các biệt dược đắt tiền; từ thuốc sản xuất trong nước đến thuốc nhập khẩu do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ nhiễm khuẩn, về độ hòa tan, độ đông rã của thuốc...

Riêng năm 2010, Bộ Y tế đã có công văn đình chỉ lưu hành 108 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng (53 lô thuốc nhập khẩu và 55 lô thuốc sản xuất trong nước).

PGS-TS Trịnh Văn Lẩu cũng cho biết thêm, tình hình chất lượng dược liệu và thuốc đông dược hiện tiếp tục vẫn là vấn đề nổi cộm bởi trong số mẫu thuốc giả được phát hiện thì 2/3 là các mẫu thuốc đông dược trộn trái phép với tân dược... Riêng trong năm 2010, qua kiểm tra 49.167 mẫu thuốc các loại, hệ thống kiểm nghiệm thuốc cả nước đã phát hiện 1.008 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn, gồm 159 mẫu thuốc nhập khẩu và 849 mẫu thuốc sản xuất trong nước. Riêng với thuốc đông dược, trong số 6.511 mẫu thuốc đông dược đã phát hiện 625 mẫu không đạt chất lượng.

Dùng dụng cụ làm bếp sản xuất thuốc

Mới đây, cuối tháng 4, tại TP.HCM, cơ quan CSĐT thông báo vừa bắt được Huỳnh Ngọc Quang “trùm” đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay sau hơn một năm tên này lẩn trốn (Quang là giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt - Pháp ở đường Nguyễn Giản Thanh, phường 15, Quận 10, TP.HCM).

Theo cơ quan điều tra, phương thức sản xuất thuốc của đường dây này là mua tân dược sản xuất trong nước dạng vỉ hoặc viên, sau đó đặt in ấn bao bì, vỉ nhôm ép thành thuốc ngoại nhập, bán ra thị trường thu lợi gấp nhiều lần. Thậm chí, chỉ với vài dụng cụ thô sơ từ nhà bếp, “ê kíp” của Quang đã sản xuất hàng loạt loại thuốc chữa bệnh giả, nhái các loại thuốc tim mạch, huyết áp, thuốc bổ, kháng sinh của những hãng dược phẩm lớn, có tên tuổi của nước ngoài như Novartis, Roche (Thụy Sĩ), Gedeon Richter (Hungary), Janssen Cilag (Mỹ)... “Chân rết” của đường dây buôn bán tân dược giả này phủ khắp thành phố với hàng chục cơ sở tại các quận: 3, 9, 10, Bình Thạnh, Bình Tân, Thủ Đức... và thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng.

Cơ quan chức năng tiêu hủy thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ

Một “chiêu” tinh vi khác của các đối tượng sản xuất thuốc giả, theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, là “mượn danh” sản phẩm của các công ty đã có tên tuổi. Điển hình là mẫu thuốc OKENXIME powder for suspension (cefixime 100mg) - một loại kháng sinh thế hệ 3 (dạng bột pha hỗn dịch, dùng đường uống; trên nhãn ghi nơi sản xuất là Cty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 25), do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc TP Đà Nẵng lấy tại một hiệu thuốc ở TP Đà Nẵng. Sau khi kiểm nghiệm, Trung tâm phát hiện mẫu thuốc này không có phản ứng định tính cefixime. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng trùng với kết quả này. Tuy nhiên, điều đáng nói là thuốc này hoàn toàn không phải sản phẩm của Cty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 25 mà do đối tượng sản xuất thuốc giả đã cố tình mượn danh công ty này.

“Thuốc bán chạy là ngay lập tức bị làm giả”

Chống thuốc giả - cần lập y sĩ đoàn và dược sĩ đoàn

Theo Viện sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM (nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM), để ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng cần phải có một tổ chức hoạt động hết sức chuyên nghiệp bài bản, thành viên chịu ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp... với nhau ở cả hai lĩnh vực y học và dược học như của nước ngoài. Đó là tổ chức y sĩ đoàn và dược sĩ đoàn. Đấy mới là giải pháp bức bách và hiệu quả nhất.

Lợi dụng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân và lợi nhuận nên nhiều đối tượng cố tình sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và sự phát triển của ngành dược. Thậm chí, thời gian qua cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện nhiều loại thuốc đông dược có trộn tân dược (các hoạt chất kháng sinh, giảm đau, kháng viêm như: paracetamol, acid salicylic, betamethason...) tuy nhiên trên nhãn không hề ghi có thành phần tân dược và được quảng cáo là thuốc gia truyền chữa bách bệnh để đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt đã xuất hiện tình trạng thuốc có chứa tân dược ngụy tạo dưới dạng thực phẩm chức năng...

“Loại thuốc nào bán chạy trên thị trường là ngay lập tức bị làm giả. Nếu như trước đây, thuốc giả xuất hiện ở những vùng sâu, vùng xa thì nay thuốc giả lại tập trung ở những nơi đông dân cư và có sức tiêu thụ lớn... Thực tế này không chỉ khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện mà nguy hiểm hơn còn đe dọa sức khỏe, làm thiệt hại kinh tế của người tiêu dùng. Nhiều người bệnh chỉ vì sử dụng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã bị nhờn thuốc, thậm chí bệnh không khỏi mà còn tiền mất tật mang”, PGS-TS Trịnh Văn Lẩu, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương bức xúc.

Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm