Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên

16/03/2021 14:11 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ vào tháng 4 tới. Như vậy, ông Suga đã trở thành quan chức chính phủ đầu tiên của Nhật Bản chính thức được tiêm vaccine.   

Nhật Bản tài trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam và các quốc gia Châu Á

Nhật Bản tài trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam và các quốc gia Châu Á

Ngày 9/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết sẽ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 4,5 tỷ yên về phân phối vaccine phòng Covid-19.

Dự kiến 3 tuần sau, ông Suga sẽ được mũi tiêm thứ 2 trước khi thực hiện chuyến công du Mỹ. Khoảng 80 – 90 quan chức Nhật Bản cũng sẽ được tiêm vaccine trước khi tháp tùng ông Suga đến Mỹ. Thủ tướng Suga sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức tháng 1 vừa qua.        

Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 từ ngày 17/2, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech. Tính đến ngày 15/3, nước này đã có hơn 290.000 người được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Trong giai đoạn đầu, hơn 40.000 nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên cả nước được ưu tiên tiêm phòng trước. Những người từ 65 tuổi trở lên sẽ bắt đầu được tiêm phòng từ ngày 12/4 tới. Tiếp đó là những người có các bệnh lý nền như đái tháo đường, và các nhân viên ở các cơ sở chăm sóc người già. Cuối cùng, Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho tất cả người dân.  

Thủ tướng Nhật Bản được tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên, Suga Yoshihide, Thủ tướng Nhật Bản, vaccine Covid-19
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa COVID-19 tại một bệnh viện ở Tokyo, ngày 15/3. Nguồn: japantimes

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch đặt mua tổng cộng 426 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình tiêm chủng quốc gia.   

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 15/3, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban IX thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết biết trong tổng số 426 triệu liều vaccine nói trên, giá cả và lịch trình tiếp nhận của 275 triệu liều đã được xác nhận. Theo ông Budi, giá cả và lịch trình giao hàng của 151 triệu liều vaccine còn lại vẫn chưa được xác nhận do Chính phủ Indonesia đang chờ đợi vaccine từ Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) điều phối.

Bên cạnh số vaccine đặt mua cho chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí, chính phủ cũng đang có kế hoạch đặt mua vaccine cho chương trình “Gotong Royong" (Cùng nhau hợp tác) do các công ty tư nhân tài trợ để tiêm chủng cho nhân viên và gia đình của họ. Nhằm đảm bảo chương trình Gotong Royong không ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia, các công ty tư nhân sẽ sử dụng các vaccine khác với các loại đang được chính phủ tiêm miễn phí cho người dân. Ngoài ra, Gotong Royong sẽ chỉ được triển khai tại các cơ sở y tế tư nhân.    

Hiện chương trình tiêm chủng của chính phủ đang sử dụng các loại vaccine của Sinovac, AstraZeneca, Novavax và Pfizer. Trong khi đó, chương trình tiêm chủng của tư nhân sẽ sử dụng vaccine của Sinopharm và Moderna.    

Bộ trưởng Budi cho biết tính đến nay, Indonesia đã nhận được 11,7 triệu liều vaccine của AstraZeneca qua Cơ chế COVAX. Theo thông tin mới nhất, Indonesia có thể nhận được từ 54 triệu đến 108 triệu liều vaccine qua cơ chế này.    

Theo Quy định của Bộ Y tế về chương trình tiêm chủng Gotong Royong ban hành ngày 5/3 vừa qua, chính phủ đã giao cho công ty dược phẩm quốc doanh PT Biofarma phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) mua sắm vaccine. Theo đó, Biofarma sẽ mua vaccine cho chương trình Gotong Royong trước khi bán lại cho các công ty tư nhân để cung cấp miễn phí cho các nhân viên và gia đình họ. Hiện Bộ Y tế vẫn đang chờ thẩm định giá và số lượng vaccine Moderna và Sinopharm trên cơ sở thỏa thuận giữa Biofarma và Kadin.   

Cùng ngày 15/3, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno cũng cho biết Indonesia có kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 2 triệu người dân Bali từ nay đến tháng 7 tới nhằm phục hồi du lịch tại hòn đảo này. Bali đã được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm chủng sau cuộc họp giữa đại diện chính quyền trung ương và địa phương.

Hiện nguồn cung vaccine đã có sẵn hơn và điều cần phải chuẩn bị là các nhân viên tiêm chủng. Hiện Chính phủ Indonesia đang phối hợp với Đại học Udayana, Bộ Chỉ huy Quân sự và Cảnh sát địa phương để tìm kiếm và xây dựng đội ngũ nhân viên tiêm chủng.

Hữu Chiến - Nguyễn Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm