“Tắm tiên” ở sông Hồng có phi văn hóa?

20/06/2012 15:36 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Vừa qua báo chí đã tốn không ít giấy mực để viết về “bãi tắm tiên” (tắm truồng) ở khu vực bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) với hàng trăm ý kiến được đưa ra xung quanh vấn đề này. Thậm chí, có người cho rằng, hoạt động “tắm tiên” là phản cảm, phi văn hóa, không có trong văn hóa người Việt…

Mùa đông cũng như mùa hè, khu vực bãi tắm sông Hồng ở xóm Bãi Giữa (phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) luôn luôn có người đến tắm. Điều đặc biệt là những người tắm ở đây đều không mặc bất cứ thứ gì, tất cả đều tắm truồng. Vào những ngày nắng nóng của mùa hè, “bãi tắm tiên” (tên gọi khác mà người đi tắm dùng để gọi bãi tắm này) còn tập trung đến hàng trăm người đến tắm, tất cả họ đều trần trụi như nhau. Tắm xong thì lên bãi cát nằm phơi nắng, phơi nắng xong lại xuống tắm tiếp. Họ ngụp lặn giữa dòng nước mênh mang một cách thoải mái mà chẳng cần để ý đến xung quanh.

Có ai đó nói rằng, chỉ cần đi vài trăm mét thôi, từ nội thành với phố sá đông vui tấp nập, ra đến bãi giữa sông Hồng là như lạc vào một thế giới khác, một văn hóa khác. Có gì đó vừa thân quen vừa lạ lẫm. Có lẽ đúng thật. Bãi “tắm tiên” sông Hồng chính là một trong số những yếu tố góp phần làm nên sự “lạ lẫm” đó.

Bãi “tắm tiên” sông Hồng có từ khi nào, không ai còn nhớ. Kể cả những người cao tuổi nhất sống giữa đất Hà thành cũng chỉ có thể cho biết “lớn lên đã thấy mọi người tắm truồng ở đấy rồi”. Giải thích về sự xuất hiện của bãi “tắm tiên” sông Hồng, có người cho rằng đó là nơi mà Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã gặp nhau và kết nên duyên vợ chồng (trong truyền thuyết về Chử Đồng Tử), người đời sau tưởng nhớ nên ra đây tắm; lại có ý kiến khác cho rằng đó là một vị trí đẹp, tương đối bằng phẳng, thuận lợi nên người xưa đã chọn làm bãi tắm cho mình. Về sự liên quan đến Chử Đồng Tử chỉ là truyền thuyết nên không có cơ sở khoa học để khẳng định, cách giải thích thứ hai có vẻ hợp lý hơn.

Từ đó có thể thấy, “hiện tượng” bãi “tắm tiên” sông Hồng đã tồn tại từ rất lâu rồi, không phải đến bây giờ mới có. Nó là sản phẩm của văn hóa và lịch sử còn sót lại cùng với thời gian. Trong khoảng mấy năm trở lại đây, bãi “tắm tiên” được nhắc đến nhiều hơn như một “hiện tượng lạ lùng” của văn hóa ngay giữa thủ đô. Đã có không ít các bài viết về bãi “tắm tiên” sông Hồng, trong đó có người coi đây là một sự tự phát, là một kiểu “lập dị” hay “biến dạng” văn hóa.


Mới đây nhất, trong một bài báo viết về vấn đề này, có vị giáo sư về văn hóa còn khuyến cáo “đừng trở lại cuộc sống hoang dã như thế”. Bởi theo lý luận của tác giả thì “nude" tại Việt Nam đã có từ rất lâu đời trong truyền thống của người Mường, người Thái... Tuy nhiên, ở người Kinh thì chưa bao giờ có thói quen này”. Và bởi thế nên: “Việc xuất hiện “tắm tiên” ở bãi sông Hồng không biết có phải ảnh hưởng của phương Tây hay không nhưng nó không phù hợp với văn hóa của người Việt” (!)

Người Việt (người Kinh) xưa thực sự không có thói quen tắm truồng? Và tắm truồng không phù hợp với văn hóa của người Việt?

Trong các tài liệu sử sách khi viết về văn hóa, tập tục của người Việt xưa còn lại đến ngày nay đều có nhắc đến tập tục tắm truồng và coi đó là tập tục độc đáo của người Việt. Bơi lội, đi thuyền, bắt cá, tắm truồng,… đó là những thói quen sinh hoạt không chỉ của riêng người Việt cổ mà còn chung cho cả các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á (rộng hơn là cả vùng Nam Á) – khu vực văn hóa lúa nước. Sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, buộc con người phải hình thành những thói quen sinh hoạt sao cho phù hợp để thích nghi.

Người Việt cũng không ngoại lệ.

Trong sách Đông Tây dương khảo (bản khắc năm 1617) của tác giả Trương Nhiếp thời nhà Minh (1368 – 1644) có đoạn viết về phong tục của người Việt như sau: “Phong tục sống chung chạ, có người cắt tóc, có người búi tóc, môi đỏ răng đen, đi chân đất, xăm vẽ đầy mình. Ưa tắm lúc nóng nực nên giỏi bơi thuyền lội nước”.

Về tập tục tắm truồng của người Kinh, một học giả đời nhà Thanh (1644 – 1912) là Lý Thiên Căn đã mô tả lại khá đầy đủ và chi tiết: “Phong tục của họ (tức người Việt – TG) khi tắm ngâm mình xuống nước, đàn ông đàn bà đều tắm truồng, đi lại, đứng ngồi không né tránh nhau, kể cả nhà quyền quý cũng thế” (trích An Nam tạp ký).

Thậm chí, tác giả Trịnh Lạp đời nhà Tống (960 – 1279) còn mô tả tỉ mỉ cả những thú chơi của người Việt mỗi khi đi tắm cùng nhau ở sông nước lúc bấy giờ như sau: “Họ bá cổ nhau cùng đi, thỉnh thoảng dẫm chân giơ thẳng sào, lặn xuống nước đâm cá, mỗi lần đâm trúng cá, mọi người hò reo ầm ĩ coi đó là niềm vui” (trích An Nam ký lược).


Qua một số tư liệu sử sách của các tác giả nước ngoài viết lại cho thấy, thói quen tắm truồng của người Việt xưa kia là khá phổ biến. Thói quen tắm truồng được coi như là một tập tục độc đáo trong văn hóa cộng đồng của người Việt. Nếu người Việt không có tập tục này thì sao các tác giả nói trên lại có thể mô tả tỉ mỉ đến như vậy?

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng thì: “Nếu như ngày nay người Việt tỏ ra xa lạ với tục tắm truồng thì trước kia nó rất phổ biến như một thói quen sinh hoạt hằng ngày. Không ai phải ngượng, cũng không có gì xấu hổ hay tục bậy”.

Còn theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tập tục tắm truồng của người Việt vẫn còn tồn tại trong thế kỷ 20 và kéo dài cho đến những năm 1945 mới dần bị mai một.


Dường như chưa bao giờ “tắm tiên” ở sông Hồng là “phi văn hóa” hay một dạng “biến dị”, lai căng văn hóa như một số người vẫn thường nói, nó vẫn nằm trong quỹ đạo dòng chảy của cội nguồn văn hóa Việt. Tuy nhiên, hình như có lúc, ở đâu đó, nó đã bị lãng quên bởi sự chen lấn, xâm thực của những dòng chảy văn hóa khác mạnh mẽ hơn, dai dẳng hơn và cũng không kém phần xô bồ. Chính sự lãng quên đã khiến nó trở nên lạ lùng.

Và cuối cùng, để hiểu văn hóa cần phải có con mắt và cái nhìn văn hóa, phải đặt văn hóatrong sự vận động không ngừng nghỉ của dòng chảy lịch sử, càng không thể chỉ dùng cái nhìn chủ quan của con người hiện đại để áp đặt lên văn hóa truyền thống.

Hoàng Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm