Sứt mẻ danh tiếng vì Photoshop

13/06/2015 05:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện bức ảnh của nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, từng gây ấn tượng mạnh tại festival nhiếp ảnh báo chí Visa pour I’Image Perpignan, bị phát hiện là sản phẩm qua chỉnh sửa Photoshop, đang gây chú ‎ý trong cộng đồng những người yêu ảnh. Tuy nhiên trên thế giới, các vụ tranh cãi kiểu này xảy ra không ít.

Trong các vụ dùng Photoshop sửa ảnh trên thế giới, một số kẻ vi phạm biết mình làm sai và cũng có người chỉ vô tình, nhưng điểm chung là đều gây thiệt hại ít nhiều danh tiếng cho bản thân họ.

Tác phẩm quá hoàn hảo

Ngày 20/11/2012, khi chiến dịch Pillar of Defense của Israel đang diễn ra tại Dải Gaza, nhiếp ảnh gia người Thụy Điển Paul Hansen đã chụp được một bức ảnh vô cùng ấn tượng về lễ tang của 2 đứa trẻ Palestine.

3 tháng sau, ảnh được giải Ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) chọn là bức ảnh của năm. "Sức mạnh của bức ảnh nằm trong sự tương phản, giữa sự tức giận và nỗi buồn thể hiện trên gương mặt những người lớn, với sự ngây thơ vô tội của những đứa trẻ. Đó là bức ảnh tôi sẽ không thể quên được" - thành viên ban giám khảo giải Ảnh báo chí thế giới là Mayu Mohanna đã nói khi ấy.

Bức ảnh gây tranh cãi của Paul Hansen

Nhưng với một số người trong nghề, bức ảnh có tiêu đề Gaza Burial (Lễ mai táng ở dải Gaza) lại có chút gì đó hơi quá hoàn hảo. Trong ngày 15/2, ngày giải thưởng được công bố, họ bắt đầu chất vấn sự trung thực của bức ảnh. Một nữ nhiếp ảnh gia sau đó đã thẳng thắn chỉ ra trên Tuần báo nhiếp ảnh Anh quốc rằng ánh sáng lạ lùng trong bức ảnh khiến cô tin nó đã bị chỉnh sửa.

Ngay lập tức giới chuyên gia nhảy vào cuộc. Chuyên gia phân tích hình ảnh Neal Krawetz đã công bố một nghiên cứu toàn diện về bức ảnh và thấy rằng nó quả đã "bị chỉnh sửa rất nhiều". Theo lời Krawetz, ít nhất bức ảnh đoạt giải đã bị cúp đi đáng kể so với ảnh gốc.

Tiếp đó, ông kiểm tra lịch sử sửa đổi và kết luận rằng bức ảnh này thực tế do ba tấm ảnh ghép lại. Ông cũng nói rằng ánh sáng trong bức ảnh đã được chỉnh sửa. Các bóng tối đã không thể xuất hiện khi trời mới chỉ là buổi chiều, vào thời điểm lễ tang diễn ra. Ngoài ra, ánh sáng trên gương mặt những người tham gia lễ tang không phù hợp với vị trí của Mặt trời.

Hansen tìm cách bào chữa. Phải tới khi ông đệ trình file gốc, dưới định dạng RAW, tới ban tổ chức, người ta mới tin ông đã chụp được bức ảnh. Tuy nhiên các nhà phân tích độc lập vẫn khẳng định ông có chỉnh sửa chút ít ánh sáng và tông màu của ảnh.

Mọi bức ảnh phải chứa đựng sự thật

Năm 2012, nhiếp ảnh gia Harry Fisch đoạt giải tại cuộc thi ảnh National Geographic, giành chiến thắng trước 22.000 tác phẩm, được gửi đến từ 150 quốc gia. Tuy nhiên chỉ 72 giờ sau, Fisch đã bị tước giải, khi anh gửi file gốc tới cho ban tổ chức.

Hóa ra Fisch đã phạm một sai lầm rất nhỏ. Anh lỡ dùng Photoshop xóa đi một chiếc túi nilon nằm ở rìa phải bức ảnh gốc. Rất tiếc, can thiệp vào nội dung bức ảnh, dù nhà nhỏ nhất, cũng là điều bị cấm ngặt trong các cuộc thi của National Geographic. Lẽ ra Fisch đã có thể cúp bức ảnh và vẫn thắng cuộc, nhưng anh phạm sai lầm khi dùng công nghệ để xóa bỏ cái túi nilon.


Việc vô tình xóa chiếc túi nilon ở rìa phải bức ảnh đã khiến Harry Fisch bị tước giải của National Geographic

Bất chấp việc Fisch đã gửi nhiều lá thư điện tử tới National Geographic để giải thích, anh vẫn không thể đảo ngược được quyết định của ban tổ chức. Dù sao, Fisch có thể cảm thấy được an ủi, vì dù không đoạt giải, bức ảnh của anh vẫn được đánh giá là có chất lượng rất cao.

Năm 2012, phóng viên ảnh Tracy Woodward của tờ Washington Post được trao giải ảnh Hiệp hội các phóng viên ảnh báo chí Nhà Trắng, cho tác phẩm chụp 2 võ sĩ đấm bốc. Tuy nhiên chính tờ Washington Post đã thông báo xin rút giải tới cho Hiệp hội, do phát hiện bức ảnh đã bị Woodward dùng Photoshop chỉnh sửa và xóa đi vị trọng tài góp mặt trong trận đấu.

Năm 2014, nhiếp ảnh gia tự do Narciso Contreras đã bị hãng tin AP sa thải, do anh tiết lộ đã chỉnh sửa bằng Photoshop một bức ảnh đoạt giải Pulitzer. Bức ảnh của Contreras, chụp một tay súng tại Syria, đã vô tình thu vào trong khuôn hình một chiếc máy ảnh ở góc trái bên dưới ảnh. Contreras đã chỉnh sửa để loại bỏ chiếc máy ảnh và vì điều này, anh cũng mất luôn công việc ở AP.

Ban lãnh đạo AP tuyên bố mọi bức ảnh của hãng phải "luôn nói về sự thật". Hãng cũng cho biết nội dung của ảnh không được chỉnh sửa bằng Photoshop hoặc bất kỳ hình thức nào khác. Không một yếu tố nào được thêm vào hoặc bớt đi khỏi bức ảnh.

Gương mặt hoặc danh tính của các cá nhân không bị che mờ bằng Photoshop hoặc các công cụ biên tập khác. Người ta chỉ có thể dùng các công cụ của Photoshop để xóa các hạt bụi bám vào cảm biến của máy ảnh số, hoặc viết xước trên phim âm bản.

Những chỉnh sửa nhỏ cũng chấp nhận được như cắt cúp, làm tăng sáng tối một số khu vực nhất định, chuyển ảnh từ màu thành đen trắng, điều chỉnh màu tối thiểu để bức ảnh trông rõ ràng hơn, giúp thể hiện bản chất tự nhiên của tác phẩm. Việc thay đổi độ tương phản, màu sắc và độ bão hòa màu, nhằm thay đổi khung cảnh bức ảnh gốc, là điều khó có thể chấp nhận.

“Tôi đã có quyết định sai lầm khi xóa đi chiếc máy ảnh... Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì điều đó" - Contreras nói sau quyết định của AP - "Các ngài có thể xem hết kho ảnh của tôi và thấy đây chỉ là một trường hợp duy nhất, xảy ra trong một khoảnh khắc nhiều áp lực, trong một tình huống khó khăn. Nhưng tôi đã phạm sai lầm, nên sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm".

Đoàn Công Tính cho báo chí biết rằng ông có gặp gỡ một số nhiếp ảnh gia quốc tế tại nhà riêng hồi cuối tháng 4/2015. Tại đó, ông nói rằng do phim gốc không đạt chất lượng nên phải nhờ kỹ thuật Photoshop để tạo thêm phông nền là thác nước và cho ra bức ảnh đã gây tranh cãi tại tại festival nhiếp ảnh báo chí Visa pour I’Image Perpignan.


Ảnh gốc của Đoàn Công Tính (trái) và ảnh qua chỉnh sửa Photoshop

Đoàn Công Tính nói rằng ông rất lấy làm tiếc khi bức ảnh của mình đã gây tranh cãi và đã gửi lời xin lỗi tới người đại diện của festival Visa pour I’Image Perpignan.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm