Sáng 30/9, thế giới có gần 34 triệu ca nhiễm Covid-19

30/09/2020 08:48 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 30/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 33,82 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.011.880 ca tử vong. Hơn 25,12 triệu bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh trong khi còn hơn 7,68 triệu người vẫn đang được điều trị, với khoảng 1% trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Kịch bản nào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19?

Kịch bản nào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19?

Liên tiếp thời gian gần đây, dự báo của các tổ chức quốc tế đều đánh giá khả quan về mức độ phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19. Cùng với việc được ghi nhận là nền kinh tế có mức tăng trưởng dương và phục hồi khá nhất trong khu vực Đông Nam Á, có tổ chức còn đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của COVID-19. Để có cái nhìn rõ hơn về các đánh giá trên, đồng thời dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 và năm 2021, phóng viên TTXVN đã trao đổi với bà Phó Thị Kim Chi, Phó trưởng ban Dự báo Kinh tế vĩ mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mỹ là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất với hơn 7,4 triệu ca mắc và 210.756 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với hơn 6,22 triệu ca mắc và 97.529 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện số ca mắc mới mỗi ngày tại Mỹ chỉ bằng khoảng một nửa so với con số tại Ấn Độ (hiện dao động quanh mốc 80.000 ca/ngày). Tiếp đến là Brazil với hơn 4,78 triệu ca mắc, trong đó có 143.010 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người thân bọc thi thể bệnh nhân COVID-19 trước khi chôn cất tại một nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Nam Á, giới chức thể thao Indonesia đã quyết định hoãn các trận đấu thuộc Giải Bóng đá hạng nhất và hạng nhì quốc gia (Liga 1 và Liga 2) đến tháng 11 trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này. Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Indonesia (PSSI) Mochamad Iriawan cho biết quyết định hoãn các giải đấu trên phù hợp với quan điểm của Cảnh sát Quốc gia Indonesia đối với mọi hoạt động có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn cộng đồng. 

Tại Trung Đông, Israel tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19 ít nhất một tháng, và nhiều khả năng thời gian phong tỏa sẽ còn lâu hơn. Chính phủ Israel cho biết việc phong tỏa sẽ dựa trên số ca mắc mới trong ngày hiện đang gia tăng nhanh chóng. Đã có hơn 800 người trong tình trạng nghiêm trọng. Số ca tử vong cũng đang tăng nhanh. Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein nhấn mạnh mọi cá nhân và doanh nghiệp phải hiểu rằng lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai sẽ được kéo dài đến sau ngày 10/10 và được thực hiện nghiêm ngặt hơn nhiều so với lần đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4. Bộ trưởng Edelstein cũng đề cập đến việc gia tăng số ca mắc COVID-19 do việc tập trung cầu nguyện tại các giáo đường Do Thái vào tối trước lễ Rosh Hashanah, đi ngược quy định của bộ. Do vậy, ông cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do việc tập trung quá đông người cầu nguyện tại các giáo đường. Hôm 25/9, Israel đã siết chặt các biện pháp phong tỏa, vốn được áp đặt từ ngày 18/9 trong vòng 3 tuần, nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Israel là 235.465, trong đó có 1.523 ca tử vong.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã họp trực tuyến để thảo luận và xem xét đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn nhằm hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh vốn đang gia tăng đáng lo ngại trong thời gian gần đây tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Để tránh việc phải đưa ra quyết định "phong tỏa" toàn bộ về kinh tế và đời sống xã hội như ở thời điểm đợt dịch bệnh bùng phát hồi tháng 3 vừa qua, bà Merkel và các thủ hiến bang đã cùng nhất trí thắt chặt hơn một số biện pháp về giãn cách xã hội. Ở những nơi có số ca nhiễm mới cao hơn mức 35 ca/100.000 người/tuần thì số người tham dự các sự kiện hoặc lễ kỷ niệm diễn ra tại nơi công cộng chỉ được phép tối đa là 50 người. Trong khi tại những sự kiện riêng tổ chức trong không gian kín, số người tham dự được khuyến nghị không quá 25 người. Bất cứ người nào cung cấp sai thông tin cá nhân của mình khi đến nhà hàng hoặc lưu trú tại khách sạn sẽ phải chịu mức phạt tiến ít nhất là 50 euro, trong đó riêng tại bang Schleswig-Holstein, quy định cho mức phạt này là 1.000 euro. Trong trường hợp số ca nhiễm mới tiếp tục tăng, chính quyền các bang ở Đức sẽ ban hành lệnh cấm phục vụ rượu nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đồng chủ trì một hội nghị trực tuyến của LHQ bàn về "tài trợ cho phát triển trong và sau đại dịch COVID-19". Tại hội nghị, Thủ tướng Trudeau cho biết Canada cam kết tăng 400 triệu CAD (khoảng 299 triệu USD) cho hoạt động viện trợ phát triển và nhân đạo để ứng phó đại dịch. Thủ tướng Trudeau bày tỏ tin tưởng việc ứng phó một cách mạnh mẽ, có sự phối hợp trên toàn thế giới và trên mọi lĩnh vự, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội để tăng cường những nỗ lực đã được triển khai từ trước đại dịch với mục tiêu đổi mới hệ thống kinh tế vốn đang phải giải quyết những thách thức như tình trạng nghèo cùng cực, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. Thủ  tướng Trudeau khẳng định Canada sẽ tăng cường đầu tư trong những năm tới và ông sẽ tiếp tục vận động giảm nợ cho những nước đang phát triển phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch.

Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai "bộ ba" nhà lãnh đạo chủ trì tổ chức một hội nghị của LHQ về tài trợ phát triển sau đại dịch. Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng đã chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Canada và cho biết sẽ vận động giảm nợ cho các nước đang phát triển tại diễn đàn của G20.

Lê Ánh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm