Rơi chiến đấu cơ “made in China”

15/10/2011 10:55 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 14/10, báo chí Trung Quốc cho biết một chiếc máy bay quân sự JH-7 hiệu Flying Leopard (Phi Báo) của nước này đã bất ngờ gặp nạn khi đang bay trình diễn, khiến một phi công mất tích và có thể đã chết. Vụ tai nạn, vốn diễn ra trong khuôn khổ một hội chợ hàng không quốc tế, có thể gây ảnh hưởng ít nhiều tới uy tín của hoạt động sản xuất máy bay quân sự tại Trung Quốc.

Các đoạn video phát trên Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc cho thấy chiếc máy bay đã bay lừ đừ một lúc trước khi cắm đầu xuống một cánh đồng ở huyện Bồ Thành, tỉnh Thiểm Tây.

Không phải vụ tai nạn đầu tiên

Chỉ có một phi công kịp bấm nút thoát hiểm và được hệ thống an toàn đẩy ra khỏi máy bay trước khi nó vỡ tan, bùng cháy. Viên phi công còn lại dường như chưa kịp thoát ra ngoài và vẫn mắc kẹt trong chiếc máy bay xấu số.

Hình ảnh từ Đài truyền hình Trung Quốc cho thấy chiếc Phi Báo
phát nổ thành một quả cầu lửa sau khi đâm xuống đất

Do máy bay rơi ở một địa điểm cách khách tham quan hội chợ chừng 2km nên không có thương vong dưới mặt đất. Nguyên nhân gây tai nạn đang được điều tra và hiện vẫn chưa rõ máy bay rơi do lỗi kỹ thuật hay do tay nghề của các phi công.

JH-7 là mẫu máy bay 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Nó được người Trung Quốc đánh giá tương đương với loại Tornado IDS của châu Âu và Sukhoi Su-24 Fencer của Nga. Sau nhiều năm trì hoãn trong quá trình phát triển, do tranh cãi giữa Không quân và Hải quân Trung Quốc về thiết kế và tính năng, chiếc máy bay JH-7 đầu tiên đã ra lò và bay thử hồi tháng 12/1988.

Một lượng nhỏ máy bay JH-7, tầm 20 chiếc, sau đó được bàn giao cho không lực của Hải quân Trung Quốc để thử nghiệm hồi năm 1992. Tuy nhiên việc phê chuẩn thiết kế cuối chỉ thông qua hồi năm 1998, khi toàn bộ các yếu điểm về kỹ thuật và thiết kế đã được xử lý. Chiếc máy bay chính thức đi vào hoạt động hồi năm 2004.

“Trái tim” của JH-7 là 2 động cơ Rolls-Royce Spey Mk202 turbofan rất đáng tin cậy, mỗi chiếc có lực đẩy 54.29kN (5.536kg). Loại động cơ tiết kiệm nhiên liệu này khiến máy bay có tầm hoạt động lớn, từ 3.650 - 4.000km. Các phiên bản về sau này được lắp động cơ WS-9 Qingling turbofan, phiên bản Mk202 của Trung Quốc sản xuất theo giấy phép mua từ Rolls-Royce.

JH-7 được lắp pháo 2 nòng Type 23-III (một bản sao của pháo Gryazev-Shipunov GSh-23L) 23mm với 200 viên đạn. Ngoài ra nó có thể mang theo lượng vũ khí nặng tới 5 tấn tại các mấu cứng trên thân máy bay. Dù các phiên bản JH-7 đầu chỉ có thể mang tên lửa đối hạm YJ-81  và bom rơi tự do LDGP, các phiên bản về sau này đã có thể mang vũ khí tấn công chính xác và nhiều vũ khí hiện đại hơn.

Mọi mẫu JH-7 đều được gắn rađa Type 232H Eagle Eye điều khiển bắn và kết nối với hệ thống dẫn đường INS/GPS. Đây còn là mẫu chiến đấu cơ nội địa đầu tiên của Trung Quốc trang bị hệ thống tự vệ ECM, gồm hệ thống cảnh báo rađa, hệ thống làm nghẽn chủ động/thụ động và hệ thống phóng pháo mồi nhử. Ngoài việc đóng vai trò một trong những vũ khí trụ cột của Không quân Trung Quốc và Không lực Hải quân Trung Quốc, chiếc máy bay còn được mang đi xuất khẩu dưới tên FBC-1 Flying Leopard.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên Phi Báo gặp nạn. Trong cuộc thao diễn quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc hồi năm 2009, một chiếc máy bay loại này cũng bị rơi làm cả 2 phi công thiệt mạng.

Một mẫu JH-7 Phi Báo giống chiếc máy bay vừa gặp nạn

Có vấn đề về chất lượng?

Trung Quốc thường giấu kỹ các vụ tai nạn máy bay quân sự của nước này. Dư luận chỉ biết một số vụ điển hình như hồi tháng 1/2007, một chiếc máy bay quân sự đã đâm xuống phía Nam Trung Quốc. Hồi tháng 6/2006, một chiếc máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc cũng đâm xuống tỉnh An Huy, làm toàn bộ 40 người trên máy bay thiệt mạng. Vụ tai nạn bị coi là "thảm hoạ hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử không quân Trung Quốc".

Trong số nhiều nguyên nhân gây tai nạn, có một phần không nhỏ do chất lượng của các chiến đấu cơ này có vấn đề. Hồi tháng 4/2010, một chiếc máy bay J-10 của cũng bị rơi, chỉ 9 ngày sau khi Trung Quốc phô diễn nó với các đoàn đại biểu quân sự tới từ 50 quốc gia muốn mua máy bay này. Đó đã là vụ rơi máy bay J-10 thứ 2 trong vòng 2 năm qua.

Bắc Kinh không muốn dư luận chú ý vào sự kiện trên. Tuy nhiên vụ việc đã được dư luận biết tới sau khi gia đình viên đại tá lái máy bay làm đám ma rất to, khiến tin tức không thể che giấu được nữa. Có tin nói rằng thiết kế của chiếc J-10 đã không hoạt động như các nhà phát triển mong đợi.

Hồi tháng 5 năm nay, hãng tin Kyodo loan báo rằng Không quân Trung Quốc đã từ chối chấp nhận đưa vào trang bị 16 chiếc chiến đấu cơ J-11B do nội địa sản xuất. Chiếc máy bay này được cho là sao chép từ nguyên mẫu Sukhoi Su-27 của Nga. Tuy nhiên khi đưa vào sử dụng, nhiều phi công đã báo cáo việc máy bay có nhiều rung động bất thường sau khi cất cánh. Vụ việc khiến các nhà quan sát đánh giá Trung Quốc vẫn chưa thực sự sao chép chuẩn các công nghệ của Nga.

Ngoài ra Kyodo cũng dẫn một nguồn tin quân sự nói rằng J-11B không được lựa chọn để phô diễn trong lễ mừng Quốc khánh Trung Quốc hồi năm ngoái vì người ta lo ngại những đặc điểm kỹ thuật không ổn định của dòng máy bay này có thể gây nên sự cố đáng tiếc.

Tường Linh (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm