Quy hoạch đô thị “quên” nghĩa trang

08/09/2011 10:49 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Làm thế nào quy hoạch và thiết kế nghĩa trang, đặc biệt là tại các đô thị trong cả nước để vừa đáp ứng các yêu cầu sử dụng, vừa giữ được vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư? Đó đang là những câu hỏi đặt ra đối với nhiều đô thị trong cả nước.

Đó cũng chính là chủ đề chính buổi tọa đàm kiến trúc mang tên Nghĩa trang thành phố vừa được Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn tổ chức tại Hà Nội.

Điểm “chết” trong quy hoạch đô thị

Qua khảo sát thực tế về quản lý sử dụng các nghĩa trang đô thị hiện nay tại 15 đô thị từ loại đặc biệt đến loại V (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang...), KTS Nguyễn Như Khuê, Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch Môi trường Đô thị Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho biết: “Trong nội dung quy hoạch chung, tại phần hiện trạng, phần lớn các đồ án chỉ dừng ở mức nêu tên, vị trí, diện tích nghĩa trang nhân dân hiện có, hoàn toàn không đề cập đến công nghệ táng cũng như hiện trạng công tác quản lý quy hoạch, xây dựng nghĩa trang.

Một thiết kế nghĩa trang theo trục đứng

Về định hướng quy hoạch phát triển lâu dài, nội dung một số đồ án quy hoạch chung cũng chỉ đưa ra địa điểm, diện tích xây dựng nghĩa trang nhân dân và đề xuất áp dụng thêm công nghệ táng (hỏa táng) mà không giải thích cơ sở lựa chọn cũng như không đề cập đến khoảng cách đến khu dân cư gần nhất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của nghĩa trang. Thậm chí một số đồ án quy hoạch chung còn không đề cập bất cứ thông tin vào về vấn đề hiện trạng và quy hoạch nghĩa trang nhân dân đô thị, kể cả về vị trí lẫn quy mô diện tích”.

Về thực trạng sử dụng đất nghĩa trang, theo các số liệu thống kê, hiện nay tỷ lệ diện tích đất nghĩa trang trong các đô thị khá lớn. Trong đó, đa phần (chiếm 80%) là các nghĩa trang nhân dân riêng của các phường, xã, làng, bản, cụm dân cư vẫn đang hoạt động không thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương.

Theo các kết quả khảo sát chất lượng môi trường đã được thực hiện tại một số nghĩa trang đô thị và điểm dân cư xung quanh (thực hiện tại khu vực các nghĩa trang đô thị của thành phố Hà Nội, Huế, Việt Trì, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Sầm Sơn) về chất lượng nước mặt và nước ngầm cho thấy: So với Tiêu chuẩn 505 BYT/QĐ ngày 13/4/1992 của Bộ Y tế về vệ sinh đối với chất lượng nước ăn uống và sinh hoạt thì độ pH thường là axit, hàm lượng Coliform từ 20-3.667 lần, hàm lượng BOD5 và COD của nước mặt và nước ngầm vượt quá từ 2 đến hơn 15 lần, hàm lượng NO3- gấp từ 2-100 lần.

Về thực trạng tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng đang gặp phải nhiều bất cập. Cụ thể, trong số 15 đô thị đã được tiến hành khảo sát thực tế, có tới 4 đô thị có các nghĩa trang nhân dân nằm xen kẽ giữa các điểm dân cư (Hà Nội, TP.HCM, Buôn Ma Thuột, Krông Pắc). Đặc biệt, trong tất cả các nghĩa trang đô thị đã được khảo sát đều không có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thấm. Nhiều nghĩa trang hệ thống các tuyến giao thông nội bộ này gần như không có, thậm chí còn thiếu cả các công trình phụ trợ như: tường rào, nhà linh, nhà quản trang, bãi đỗ xe, hệ thống cấp nước...

Bên cạnh đó, việc quản lý các nghĩa trang nhân dân còn lỏng lẻo, lực lượng của đội quản trang quá mỏng vừa làm nhiệm vụ quản lý nghĩa trang vừa trông coi, bảo vệ nghĩa trang nên việc chăm sóc, vệ sinh nghĩa trang không được thường xuyên, dẫn tới cảnh quan khu vực nghĩa trang hiện khá lộn xộn.

Biến nghĩa trang thành công viên

Trên thế giới xuất hiện nhiều ý tưởng thiết kế mới nghĩa trang thành phố dựa trên các quan điểm giải quyết các vấn đề phát triển đô thị: tiết kiệm đất đai, sinh thái môi trường, xã hội học... minh chứng cho xu thế xây dựng nghĩa trang hiện nay và trong tương lai. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, giải pháp kiến trúc, quy hoạch các nghĩa trang thành phố đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ về loại hình “Công viên nghĩa trang”. Đặc biệt là giải pháp lưu tro hài cốt tại các ngôi chùa vừa giải quyết được vấn đề về diện tích chiếm đất, vừa đáp ứng được vấn đề về cuộc sống tâm linh của người Á Đông. Tiếc là nghĩa trang theo xu hướng này ở Việt Nam vẫn chưa nhiều.

Mộ đúc bằng các hộp bê tông, có ngăn đựng hộp tro cốt, dọc theo sườn đồi ở Australia

ThS-KTS Kiều Tuấn Hùng đưa ra một ví dụ: “Ở Nhật Bản, có rất nhiều nghĩa trang nằm xen kẽ với khu dân cư (áp dụng cho các mộ “địa hỏa táng”) với hình thức mộ nhỏ gọn, tiết kiệm diện tích, nhập vào với thiên nhiên, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh. Hay ở một số nước, hiện nay thường “thiết kế” nghĩa trang theo “trục đứng” (ảnh) như một cao ốc giữa thành phố hoặc dọc theo sườn đồi, đúc các hộp bê tông có ngăn đựng được nhiều hộp tro cốt của người đã mất như ở Australia (ảnh). Với xu thế xây dựng nghĩa trang theo kiểu trục đứng này, sẽ giải phóng một số lượng đáng kể không gian mặt bằng cho sinh hoạt, tiết kiệm quỹ đất, tăng cao cảnh quan các không gian công cộng bởi màu xanh lá cây, biến nghĩa trang như là một công viên, hay nói cho đúng hơn là “nghĩa trang cảnh quan”, hòa hợp với thiên nhiên, làm cho không gian nghĩa trang trở nên thân thiện hơn, dễ chịu hơn với mọi người khi đến nghĩa trang.

Về việc lựa chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang, KTS Nguyễn Như Khuê cho rằng, đối với nghĩa trang hiện có, cần phải cải tạo, chỉnh trang thành vườn nghĩa trang chứ không nên di dời bởi quan niệm “mồ yên mả đẹp”.

Đối với địa điểm xây dựng nghĩa trang mới, cần phải chú ý đến các yếu tố điều kiện tự nhiên: khí hậu, gió, nước ngầm, địa lý cảnh quan... Các yếu tố kinh tế xã hội: Tổng quỹ đất có thể xây dựng nghĩa trang, ảnh hưởng đất nông nghiệp, dân cư, tính khả thi, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng... Các yếu tố về kỹ thuật, môi trường: Hệ thống giao thông, điều kiện giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, điều kiện xử lý các tác nhân ô nhiễm môi trường, khoảng cách tới các đô thị...

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm