Phong tỏa thành Roma vì COVID-19: 'Thành phố vĩnh cửu' lạnh lẽo như bị bỏ hoang

24/03/2020 09:50 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Các biện pháp khẩn cấp của Italy nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt nhịp sống vốn có ở thủ đô Roma - nơi vốn được gọi là “Thành phố Vĩnh cửu” (Eternal City).

Dịch COVID-19: Italy ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu

Dịch COVID-19: Italy ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu

Đêm 21/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trước mắt, khi lệnh cách ly sẽ kéo dài đến ít nhất là đến ngày 3/4, hàng loạt kiến trúc cổ đại ở Roma - vốn là điểm đến của du khách trên khắp thế giới - đang hoang vắng không một bóng người.

Quảng trường Thánh Peter vắng lặng

Như báo chí viết, quảng trường Thánh Peter tại đây đang có một sự yên tĩnh đến kỳ lạ. Quảng trường này nằm trước Vương cung Thánh đường Thánh Peter ở Vatican và là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới. Nó, cùng với kiến trúc hành lang Colonnade, được Lorenzo Bermini thiết kế và xây dựng từ năm 1655 đến năm 1667 dưới thời Giáo hoàng Alexander VII.

Ngày thường, ở quảng trường này, người ta vẫn bắt gặp hàng loạt hướng dẫn viên du lịch vẫy cờ báo hiệu cho những đoàn khách du lịch của mình, cũng như nhiều người cha bế con trên vai và các nhóm nữ tu cố gắng nhích đến gần Thánh đường linh thiêng. Đặc biệt, vào các Chủ nhật, bất kể thời tiết thế nào, quảng trường luôn đông kín người. Riêng vào thời điểm Thánh lễ, thông thường có 300.000 người có mặt tại đây mong được chiêm ngưỡng Giáo hoàng Francis trong chốc lát.

Còn trong thời điểm hiện tại, quảng trường không có gì ngoài sự tĩnh lặng. Các màn hình lớn tại đây - vốn thường phát sóng các buổi cầu kinh vào Chủ nhật - đều không hoạt động do các chương trình phát sóng đã bị hoãn lại cho đến sau lễ Phục sinh. Họa hoằn, người ta mới thấy một ít khách du lịch - tất cả đều đeo khẩu trang - dừng lại để chụp ảnh rồi lại rời đi khá nhanh.

Nổi bật nhất ở đây có lẽ chỉ là cảnh sát tuần tra và lực lượng Carabinieri (hiến binh) để ngăn chặn những người vi phạm lệnh cấm tụ tập nơi công cộng. Bạn có thể bị phạt tù tối đa 3 tháng hoặc phạt tiền tới 226 USD nếu rời khỏi nhà không phải để mua thực phẩm, thuốc mà lại không có giấy phép đặc biệt.

Chú thích ảnh
Quảng trường Thánh Peter thưa thớt người trong thời điểm Roma đang bị phong tỏa do dịch Covid-19

“Bậc thang Tây Ban Nha” không dấu chân người

Bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps) là công trình kiến trúc độc đáo được người Pháp xây dựng như một món quà dành tặng cho Roma. Những người tạo ra tuyệt tác này là kiến trúc sư Francesco de Sanctis và Alessandro Specchi. Qua nhiều lần trao đổi, họ quyết định thiết kế một bậc thang gồm 138 bước để tạo ra lối đi dẫn đến nhà thờ Trinita dei Monti. Công trình được thi công từ năm 1723 và hoàn tất vào năm 1725, với sự kết hợp giữa các đường cong, đường thẳng, hệ thống bậc thang và không gian xung quanh.

Bậc thang Tây Ban Nha vốn là một trong những điểm lãng mạn nhất ở Roma (và là cầu thang rộng nhất ở châu Âu), nơi thu hút rất nhiều khách du lịch. Vào tháng 5, các bậc thang được trang trí với hoa oải hương và mỗi năm một lần các bậc thang trở thành sàn catwalk khi có chương trình thời trang.

Chú thích ảnh
Bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps)

Cái tên “Bậc thang Tây Ban Nha” đến từ việc khu vực này trước đây từng là trụ sở của Đại sứ quán Tây Ban Nha. Công trình này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Roma – khi trong các thế kỷ 18 và 19, nó là nơi gặp gỡ của các nghệ sĩ, nhà văn, những người sành điệu và có tư tưởng tự do ở địa phương.

Trong thế kỷ 20, địa điểm này trở thành huyền thoại trên màn ảnh rộng với các bộ phim khác nhau từ Bicycle Thieves (Kẻ cắp xe đạp - 1948), Roman Holiday (Kỳ nghỉ hè ở Roma - 1953) cho tới The Talented Mr. Ripley (Ngài Ripley tài năng - 1999). Công trình đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa.

Tuy nhiên, trong thời điểm các đường phố ở Roma - cực kỳ vắng người, “Bậc thang Tây Ban Nha” cũng hoàn toàn trống vắng. Bên cạnh Đài phun nước Barcaccia ở phía trước các bậc thang, một cảnh sát đơn độc đang giám sát những người đi bộ từ xa, ngăn chặn các du khách và nói với họ đừng leo lên các bậc thang. “Tốt hơn hết là các bạn hãy quay trở về khách sạn. Không an toàn chút nào trong bối cảnh dịch bệnh như thế này”.

Khải hoàn môn Constantinus - muốn qua phải có giấy phép

Khải hoàn môn Constantinus là cổng chào chiến thắng tại Roma, nằm giữa Đấu trường La Mã và đồi Palatine. Nó được Viện Nguyên lão La Mã dựng lên nhằm kỷ niệm chiến thắng của Hoàng đế La Mã Constantinus I trước Maxentius trong trận chiến trên cầu Milvius năm 312 trước Công nguyên. Cổng chào này được khánh thành vào năm 315 trước Công nguyên và là Khải hoàn môn lớn nhất Roma hiện tại.

Chú thích ảnh
Khải hoàn môn Constantinus

Giờ đây, muốn đi qua cổng chào này, bạn phải có giấy phép. Đáng nói, nơi đây hiện còn có cả xe bọc thép và xe tải quân sự. Một chiếc xe cảnh sát vòng qua vòng lại trên quảng trường vắng vẻ trước cổng vòm cổ kính.

Lối ra của trạm dừng tàu điện ngầm Colosseum, nơi nhìn ra công trình nổi tiếng nhất thế giới này, cũng vắng tanh. Thông thường, ở đây rất đông khách du lịch - với cảnh mọi người chụp ảnh, chen chúc và uống nước từ “nasoni”, đài phun nước công cộng uống được ở Roma.

Nhưng trong khung cảnh hiện tại, không thể tìm thấy một bóng người ở Khải hoàn môn trong tầm mắt. Đó là điều đáng nói - khi thông thường, mỗi năm nơi đây đón tới 7,5 triệu du khách tới ngắm vẻ đẹp hoành tráng của thành Roma cổ đại.

Không thể tới Đài phun nước Trevi

Đài phun nước Trevi từng là bối cảnh trong phim La Dolce Vita (1960) của đạo diễn Italy Federico Fellini. Nhiều người đã quá quen thuộc với cảnh nổi tiếng trong bộ phim này, khi đó Anita Ekberg hét to: “Marcello! Hãy tới đây!”.

Chú thích ảnh
Đài phun nước Trevi trong một ngày Xuân không một bóng người

Do kiến trúc sư Italy Nicola Salvi thiết kế và được Pietro Bracci hoàn thiện với chiều cao 26,3m và rộng 49,1m, đài phun nước mang phong cách kiến trúc Baroque lớn nhất ở thành phố và là một trong các đài phun nước nổi tiếng nhất thế giới.

Du khách có thể tới đài phun Trevi bất kể lúc nào, vào ban ngày hoặc đêm khuya. Thông thường, chuyến ghé thăm đài phun nước không thể coi là hoàn hảo nếu du khách không chụp ảnh “tự sướng” hoặc quẳng xuống nước đồng tiền may mắn. Đài phun nước thu được khoảng 4.000 USD/ngày và mỗi buổi sáng, người ta sẽ vớt những đồng xu lên và quyên góp cho tổ chức từ thiện địa phương.

Giờ trong bối cảnh dịch bệnh, đường tới đài phun nước này đã bị chặn. Gần như không ai có thể qua đây.

Theo thống kê, thu nhập từ ngành du lịch, chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội của Italy, dự kiến sẽ giảm 90% chỉ riêng trong tháng 3 – với thiệt hại tới 600 triệu euro.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm