Phi hành gia Phạm Tuân: Hai cuộc du hành vũ trụ khác nhau về bản chất

31/10/2013 08:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Giả sử nếu chàng trai Việt Nam Vũ Thanh Long (sinh năm 1993) tiếp tục chiến thắng ở cuộc tuyển chọn phi công bay lên vũ trụ thì bản chất chuyến “bay vào vũ trụ” này cũng khác xa với thời kỳ Phạm Tuân bay vào vũ trụ năm 1980. 

Sự kiện Phạm Tuân bay vào vũ trụ năm 1980 và cuộc tuyển chọn người Việt thứ hai bay vào vũ trụ vừa qua khác nhau thế nào? Cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang, phi hành gia đầu tiên của châu Á bay vào vũ trụ, sẽ giải đáp câu hỏi này.

* Cơ duyên nào đưa Trung tướng trở thành phi hành gia?

- Tôi đến với không quân rất tình cờ. Lúc đầu, do không đủ sức khỏe làm phi công, tôi chỉ học làm thợ máy. Nhưng sau đó, các ứng viên thi trượt nhiều, đơn vị tuyển tiếp một đợt phi công từ các các thợ máy. Và tôi lọt qua tất cả các khâu kiểm duyệt ngặt nghèo để học lái máy bay chiến đấu.

Và con đường đến với phi hành gia của tôi cũng na ná vậy. Lúc đầu, chương trình Interkosmos của Liên Xô định sẽ tuyển 4 phi công ở Việt Nam sang Liên Xô làm phi hành gia. Song sau đó, tuyển đi tuyển lại, họ không tuyển được đủ số lượng. Khi ấy, tôi đang học ở Liên Xô, họ tới kiểm tra, tôi cùng một đồng chí khác lại lọt qua. Kế đó, qua quá trình học hành, luyện tập, tôi đã trở thành người duy nhất được chọn.

Anh hùng Phạm Tuân (thứ hai từ trái sang) tại chương trình Tìm phi hành gia thứ hai của VN bay vào vũ trụ

* Quy trình tuyển chọn thời đó ra sao thưa Trung tướng?

- Hồi đó, họ tuyển 2 vòng, vòng 1 do các chuyên gia Liên Xô, sàng lọc ở Việt Nam. Vòng 2 được thực hiện tại Liên Xô nghiêm ngặt hơn rất nhiều. Ngoài tim, phổi, dạ dày, họ đặc biệt chú ý tới tiền đình.

* Còn về quy trình tuyển phi hành gia thứ 2 bay lên vũ trụ đang được các bạn trẻ hào hứng đón nhận hiện nay thế nào thưa Trung tướng?

- Theo thông tin tôi được biết thì quy trình có 3 bước. Bước đầu, nhà tổ chức sẽ tuyển chọn bằng việc duyệt hồ sơ trên mạng. Bước 2, các chuyên gia của Viện y học phòng không không quân sẽ chọn ở Việt Nam. Bước cuối, những người đủ tiêu chuẩn để sang Mỹ cùng thử sức với thanh niên 62 quốc gia, ai xuất sắc sẽ được bay.

* Việc tuyển người bay vào vũ trụ một cách đại chúng, theo ông, có đáp ứng được “chuẩn” của một phi hành gia?

Năm 1980, đối tượng lựa chọn để bay vào vũ trụ là phi công, quân đội. Còn lần này, đối tượng được mở ra cho tất cả các bạn trẻ đủ năng lực. Theo tôi, điều này không có gì bất thường. Đồng thời, việc chia đều cơ hội bay vào không gian cho tất cả sẽ khuyến khích các bạn trẻ quan tâm khám phá khoa học. Hơn thế, đây cũng là cơ hội rất tốt để một người Việt khám phá và trải nghiệm cảm giác gần như ngoài vũ trụ.

* Tại sao lại chỉ là “gần như ngoài vũ trụ”, thưa ông?    

- Vì chuyến bay sẽ chỉ kéo dài độ 2 tiếng tới 2 tiếng rưỡi. Và thiết bị sẽ chỉ đưa con người tới độ cao chừng 100 km, vẫn chưa vượt qua hoàn toàn được lực hấp dẫn của trái đất. Song người tham gia cũng có cảm giác trên không gian gần như ngoài vũ trụ.

Đồng thời, thời gian ở ngoài khoảng không là rất ngắn và chuyến bay chỉ mang tính khám phá, trải nghiệm. Thiết bị đưa người lên lần này trên thế giới gọi là “Máy bay vũ trụ” chứ không phải tên lửa. Người tham gia cuộc hành trình cũng được gọi là “phi công vũ trụ” song tiêu chuẩn của “phi công vũ trụ” này không khắt khe như ta vẫn hiểu

* Còn chuyến bay ngày xưa của Trung tướng?

- Đó là những ngày tháng 7 năm 1980. Tôi cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37. Gorbatko là lái chính, điều khiển con tàu. Còn tôi lái phụ, chỉnh các thông số, bảng điều khiển. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Liên Xô khác.

Trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, chúng tôi thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học. Cụ thể, tôi đã trực tiếp tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Đồng thời, tôi cũng tiến hành các thí nghiệm cấy trồng các loại thực vật trong vũ trụ trong đó có bèo hoa dâu. Tôi  cũng chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái Đất.

Hồi đó, tôi đã ở trong không gian trong vòng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút với 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm