Phát hiện mặt trăng mới quay quanh sao Hải Vương

16/07/2013 15:20 GMT+7 | Trong nước


Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 15/7 thông báo vừa tìm thấy một tiểu mặt trăng mới quay quanh sao Hải Vương. Phát hiện này đã đưa tổng số "vệ tinh tự nhiên" của hành tinh xa nhất trong hệ mặt trời lên con số 14.

Theo các nhà khoa học, hành tinh mang số hiệu S/2004N1 là mặt trăng nhỏ nhất được phát hiện quanh sao Hải Vương với đường kính ước tính khoảng 20 km. S/2004N1 nằm giữa hai mặt trăng Larissa và Proteus, cách Sao Hải Vương 105.251 km và mất 23 giờ để thực hiện một vòng quay quanh Hải Vương Tinh. Vệ tinh tự nhiên này có độ sáng thấp hơn 100 triệu lần so với ngôi sao tối nhất mà mắt người có thể nhìn thấy, đặc tính này khiến tiểu mặt trăng "lọt" khỏi tầm quan sát của tàu thám hiểm Voyager 2 khi tàu này thực hiện hành trình thám hiểm hành tinh thứ 8 trong hệ mặt trời năm 1989.

Nhà khoa học Mark Showalter của Viện nghiên cứu sự sống ngoài trái đất (SETI) tại bang California (Mỹ) đã phát hiện tiểu mặt trăng S/2004N1 hôm 1/7 khi đang nghiên cứu những vòng cung mờ quanh Sao Hải Vương. Nhà khoa học này cho biết do tốc độ di chuyển quá nhanh của tiểu mặt trăng cũng như các vòng cung, đội nghiên cứu đã phải theo dõi vệ tinh tự nhiên này qua hình ảnh của một chấm trắng trong hơn 150 bức ảnh mà Kính viễn vọng Hubble chụp được từ năm 2004 - 2009.

Hiện các chuyên gia đang tìm kiếm tên gọi quốc tế cho S/2004N1 cũng như hoàn thiện thủ tục giấy tờ đăng ký với Liên đoàn Thiên văn Quốc tế.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm