PGS.TS Ngô Văn Giá: Nhà báo lười biếng mới lấy tin trên mạng xã hội

21/06/2015 11:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của PGS.TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn – Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) với phóng viên báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) khi bàn về vấn đề đạo đức người làm báo hiện nay.

“Nếu chúng ta cho người ngồi thống kê từng tờ báo, bài báo rồi đặt ra câu hỏi: Tin, bài ấy nêu lên và in ra để làm gì? thì ta sẽ lọc ra được vô khối bài nhảm nhí…” – ông Giá cho biết.

* Cũng là một nhà báo,“update” thường xuyên đời sống báo chí nước nhà. Ông thấy đạo đức người làm hiện nay thế nào?

- Nhận xét trực diện về đạo đức của giới nhà báo hiện nay là khó, bởi vì giới nhà báo cũng như các đối tượng khác, có người tốt và người… dở. Để thiết thực, chúng ta nên chỉ ra những biểu hiện có tính tiêu cực của giới nhà báo liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.

Tôi thấy bên cạnh nhiều nhà báo tốt, giỏi thì cũng còn đó không ít nhà báo có cung cách làm việc thiếu trách nhiệm.

Thiếu trách nhiệm ở đây cần phải hiểu là không tạo ra được một sản phẩm báo chí có chất lượng. Tiếp nữa, nhiều nhà báo đã không xác nhận, đối chiếu thông tin, chưa phân tích, so sánh đã cho rằng thông tin ở quán trà đá là đúng, rồi đưa tin lên mặt báo. Điều này biểu hiện sự không trung thực.


PGS.TS Văn Giá

* Ông có thể phân tích những biểu hiện lệch chuẩn?

- Lệch chuẩn như bây giờ người ta có thể khai thác nguồn tin qua thông cáo báo chí, qua các trang mạng xã hội... Tôi cho rằng điều này thể hiện sự lười biếng và thiếu trách nhiệm của người làm báo.

Đối với nhà báo, ngoài thông tin mà anh đã trực tiếp khai thác được thì điều quan trọng không kém, đó là phải truyền tải không khí của sự kiện, nhân vật vào trang viết. Nếu nhà báo không gặp trực tiếp, chỉ dựa vào những thông tin đơn giản hoặc thông tin chưa được kiểm chứng để viết ra một sản phẩm báo chí thì rất đáng buồn.

Nhà báo mà bịa đặt thông tin để viết bài là tội lớn nhất. Rồi còn đi lấy thông tin từ các trang mạng xã hội một cách thiếu căn cứ vì mạng xã hội thường hỗn tạp và khó kiểm chứng. Cuối cùng là “xào nấu” thông tin từ những bài viết của đồng nghiệp để cho ra đời “sản phẩm” của mình.

* Vậy theo ông, những người làm báo chân chính hiện nay cần phải làm gì trước những đồng nghiệp “lệch chuẩn” về đạo đức?

- Đời sống của báo chí và truyền thông ngày hôm nay đang rất hỗn độn, nếu người làm báo không ngay ngắn từ chính bản thân mình, nếu đưa tin và viết bài theo kiểu “sến, sốc, sex” thì công chúng cần gì tới báo chí. Họ có thể lên các trang mạng xã hội, blog vài phút cũng biết được hết những điều đó, thậm chí còn biết nhiều thứ "hay ho" hơn thế.


Trên mạng xã hội vừa qua xuất hiện một số trang facebook tung thông tin chưa kiểm chứng về showbiz Việt

* Theo ông, chúng ta cần làm gì để lọc những người làm báo còn thiếu chuẩn mực đạo đức cũng như các bài báo “vô bổ, rẻ tiền”?

- Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải có lộ trình cụ thể. Nhưng nếu được góp ý, tôi nghĩ nếu chúng ta cho người ngồi thống kê từng tờ báo, bài báo rồi đặt ra câu hỏi “Tin ấy, bài ấy nêu lên và in ra để làm gì?”, thì ta sẽ lọc ra được vô khối bài nhảm nhí. “Để làm gì?”, nếu trả lời chân thành và trung thực câu hỏi này chắc chắn nhiều cơ quan báo chí hay nhà báo cần phải nghiêm túc suy ngẫm, thay đổi cung cách làm việc để đạt tính chuẩn mực. Điều đó sẽ phân loại được những kiểu bài câu khách rẻ tiền, những bài vi phạm vào đạo đức nghề nghiệp.

Khi thực hiện kiểm định tốt, sẽ có nhân chứng vật chứng hẳn hoi, nếu có sai phạm hoặc lệch lạc sẽ “lòi” ra hết. Hội nghề nghiệp nên thành lập một “Ban kiểm định chất lượng báo chí” và phải theo dõi sát, báo cáo, đánh giá thường xuyên với một ý thức và trách nhiệm cao. Có như thế thì mới chấn chỉnh được những tiêu cực và nâng cao được chất lượng báo chí.

* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hoa Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm