Những người 'dở hơi' đã cùng con homeschool như thế nào?

06/11/2016 14:03 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bị cho là dở hơi, khác người… khi không cho con đến trường học, các ông bố bà mẹ này đã phải rất vất vả để vượt qua và bước đầu thành công…

Là 2 trong số ít những trường hợp dám đi ngược lại số đông khi quyết định áp dụng homeschool cho con mình, gia đình chị Keziah Hương (Hà Nội) và gia đình anh Huy Quang (Hà Nội) cũng từng vấp phải không ít những chỉ trích từ bên ngoài. Đến bây giờ, khi nhìn nhận lại những thành quả bước đầu, anh chị mới có thể bớt lo lắng.


Gia đình chị Hương

Biết đến mô hình homeschool khá sớm, lại quen biết với nhiều người bạn nước ngoài, chị Keziah Hương đã quyết định áp dụng phương pháp này với con. Theo đó, trước 6 tuổi, các con của chị được chơi tự do rất nhiều, thậm chí đồ chơi toàn do các con tự chế. Chị tận dụng tất cả những thứ gì nhặt nhạnh từ cuộc sống và thiên nhiên để dạy con. Thay vì giới hạn con chỉ ở trong nhà, chơi những đồ chơi có sẵn, gia đình chị Hương thường xuyên cho các con ra ngoài chơi, khám phá cuộc sống, thiên nhiên và con người.

Không chỉ vậy, chị Hương còn thường hướng dẫn các con làm việc nhà, tổ chức cho các con vui chơi với các nhóm bạn cùng sở thích như học tiếng Anh và nghệ thuật, đồng thời cho các con tham gia các hoạt động cộng đồng để rèn luyện kỹ năng sống, ngoại ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp… Chị cũng hay cho các con nghe những bản nhạc nổi tiếng thế giới và cảm thụ nghệ thuật qua những vở kịch, vẽ tranh và làm quen với một số nhạc cụ như piano, guitar...

Ở Việt Nam chưa có giáo trình cho homeschool nên chị đã sử dụng chương trình homeschool Abeka của Mỹ cho các con. Giáo trình giúp các con chị tự lập, tự học, tự tìm tòi và sáng tạo chứ không lệ thuộc vào người dạy.


Giống như các con của chị Hương, ba con của anh Quang cũng đang được áp dụng homeschool. Trong những năm đầu áp dụng, vợ chồng anh Quang phải tự chuẩn bị nội dung học cho các con bằng nhiều tài liệu khác nhau. Sau đó, anh chị dùng chương trình homeschool của Mỹ bằng hình thức học qua video, các con sẽ nghe giảng và sau đó tự làm bài tập. Các bài giảng của môn Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Lịch sử… có độ dài khoảng 15-30 phút. Sau khi học và làm bài tập xong một môn, các con có thể nghỉ giải lao, thư giãn.


Không gò bó các con ở nhà, vợ chồng anh Quang còn thường xuyên đưa các con ra ngoài để quan sát cuộc sống. Đó là những ngày cùng con rong ruổi trên xe máy, xe buýt ngắm nhìn những con đường, những toà nhà… Đó là những buổi gặp gỡ bạn bè cũng chơi đùa, làm bánh, chơi thể thao… Chính những điều này đã giúp các con của anh có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống.

Ban đầu khi quyết định cho con học tại nhà, cả chị Hương và anh Quang đều bị nhiều người phản đối. Nhiều người con cho rằng quyết định của anh chị là dở hơi, là phi thực tế, là đang… cướp đi tuổi thơ của con mình. Tuy nhiên, nhìn những thành công ban đầu của các con khi có thể sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai, biết chơi nhạc cụ, biết tự làm đồ chơi, thành thạo các kỹ năng sống, tự tin khi giao tiếp rồi biết tự vạch ra những mục tiêu và lên kế hoạch thực hiện các mục tiêu từ nhỏ… chị Hương và anh Quang chắc cũng đã bớt đi phần nào những lo lắng và cảm thấy vui mừng.


Lợi ích đem lại là vậy nhưng cả chị Hương và anh Quang đều không thể phủ nhận những khó khăn khi áp dụng homeschool. Đó là bố hoặc mẹ phải hy sinh công việc để bảo đảm chu toàn cho con, không những vậy còn phải bỏ cả thời gian và công sức để học tập và nghiên cứu một cách nghiêm túc nhằm đem đến cho con những điều tốt nhất. Đó là còn chưa kể đến những khó khăn trong việc xây dựng một cộng đồng homeschool để con giao lưu, kết bạn, học hỏi và phát triển…

Vẫn còn khá sớm để biết được phương pháp mà anh Quang, chị Hương áp dụng cho các con của mình có đúng hay không, nhưng với những gì mà anh chị đã và đang làm thì quả thực rất đáng được khen ngợi và ghi nhận.

Quỳnh Trang
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm