Nhìn từ vụ phát hiện 39 thi thể tại Anh: báo động đỏ về tình trạng buôn người trên thế giới

29/10/2019 07:58 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, dư luận nước Anh nói riêng và châu Âu cũng như thế giới nói chung đã bị chấn động bởi thông tin cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể trong một xe container. Đó là những con người đã phải lao động cật lực, thậm chí chạy vạy để có đủ khoản tiền lớn nộp cho những băng nhóm buôn người, rồi đánh cược cả sinh mạng để tìm kiếm một cơ hội nơi miền đất mới. Cái chết của họ đã để lại nỗi đau nhức nhối cho gia đình và người thân, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về viễn cảnh nhập cư trái phép.      

Mỹ trừng phạt kẻ đầu sỏ của mạng lưới buôn người quốc tế

Mỹ trừng phạt kẻ đầu sỏ của mạng lưới buôn người quốc tế

Ngày 18/4, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với Nasif Barakat, người Syria, với cáo buộc điều hành "một mạng lưới toàn cầu" đưa người di cư Syria trái phép vào biên giới miền Nam nước Mỹ.

Thảm kịch   

Vụ việc trên được phát hiện vào sáng sớm ngày 23-10 khi cảnh sát Anh tìm thấy thi thể của 38 người trưởng thành và 1 trẻ vị thành niên bên trong một xe container tại khu công nghiệp Waterglade ở thị trấn Grays, cách thủ đô London 32km về phía Đông. Cảnh sát cho biết, chiếc xe đầu kéo trên đã xuất phát từ cảng Zeebrugge (Bỉ) và tới điểm đến ở hạt Essex, miền Nam nước Anh, khoảng hơn một giờ trước khi cảnh sát phát hiện ra các thi thể vào lúc 1h40 sáng (giờ địa phương). Phần đầu kéo màu đỏ của xe được cho là có nguồn gốc từ Cộng hòa Ireland vì có dán lô-gô "Ireland " ở trên kính chắn gió.   

Sau vụ việc trên, nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo người di cư, các chính trị gia… đã rất bàng hoàng, đồng thời kêu gọi nhà chức trách của Anh cũng như các nước châu Âu cần đưa ra biện pháp để ngăn chặn thảm kịch như trên tái diễn. Nhiều người dân Anh đã thắp nến cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số trên.   

Cơ quan điều tra Anh cũng ngay lập tức tiến hành điều tra vụ việc trên, theo hướng đây là tội ác liên quan tới mạng lưới buôn người. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố tất cả những đối tượng liên quan tới nạn buôn người cần bị truy lùng và đưa ra trước pháp luật. Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh cũng tham gia hỗ trợ điều tra và phối hợp để nhanh chóng xác định và có hành động ngăn chặn kịp thời các băng nhóm tội phạm có tổ chức có liên quan tới vụ việc này.   

Hiện cảnh sát đã buộc tội Maurice Robinso, 25 tuổi, tài xế của chiếc xe tải bị phát hiện có 39 thi thể kể trên, với 39 tội danh liên quan đến tội ngộ sát, buôn người, vi phạm các quy định về nhập cư và rửa tiền. Robinson sẽ bị đưa ra trình diện trước tòa án ngày 28-10. Ngoài ra còn có 3 đối tượng tình nghi khác gồm 1 người đàn ông và 1 phụ nữ cùng 38 tuổi ở Warrington, Cheshire, và 1 người đàn ông 46 tuổi ở Bắc Ireland. Tuy nhiên, ba người này sau khi bị bắt ngày 26-10 đã được trả tự do vào một ngày sau đó do nộp tiền bảo lãnh. Ngoài ra, cảnh sát Anh còn bắt giữ một người đàn ông Bắc Ireland khác cũng tại Dublin ngày 26-10.   

Chú thích ảnh
Cảnh sát bảo vệ hiện trường nơi phát hiện 39 thi thể trong thùng xe container tại khu công nghiệp Waterglade ở Essex, Thurrock, Anh. (Nguồn: The Guardian)

Báo động tình trạng nhập cư trái phép   

Trong lúc các cơ quan chức năng của Anh vẫn đang khẩn trương điều tra vụ việc cũng như tìm cách xác định danh tính những người thiệt mạng, thì vụ việc trên vẫn đang gây rúng động dư luận và trở thành một bài học đau lòng về những hiểm họa trên hành trình nhập cư trái phép vào Anh và châu Âu nói chung.   

Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên hợp quốc, kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu bùng nổ năm 2014, trên 25.000 người đã thiệt mạng trên đường tha hương, phần lớn nằm lại dưới đáy biển hoặc chết thảm trong các thùng xe tải như 39 nạn nhân mới được phát hiện.   

Trước thảm kịch ở Essex ngày 23-10 vừa qua, hồi năm 2000 cũng tại Anh, dư luận đã từng rúng động bởi cái chết của 58 di dân Trung Quốc trong một xe container chở cà chua được phát hiện tại thị trấn Dover, miền Nam nước Anh. Phương tiện này cũng bắt đầu hành trình tới Anh từ cảng Zeebrugge của Bỉ. Vào năm 2015, cảnh sát Áo cũng đã từng phát hiện thi thể của 71 người di cư trong thùng lạnh của một chiếc xe tải bị bỏ lại trên đường cao tốc gần biên giới với Hungary. Những người này đã chết vì ngộp thở sau khi thùng xe bị niêm kín.   

Có thể thấy rõ, trong vòng 5 năm qua, vấn đề người nhập cư trái phép trên toàn cầu liên tục là một trong những đề tài được quan tâm nhất trên thế giới hiện nay. Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đã diễn ra trong 5 năm qua và thế giới vẫn đang nỗ lực không ngừng để tìm lời giải cho bài toán khó này. Tuy nhiên, bất chấp những nguy hiểm khôn lường, việc buôn bán người di cư vẫn diễn ra ở hầu khắp các khu vực trên thế giới, mang lại khoản thu nhập bất chính lên tới 7 tỷ USD cho các tổ chức tội phạm buôn người, tương đương với số tiền mà Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU) dành cho các chương trình viện trợ nhân đạo toàn cầu trong năm 2016.   

Thủ đoạn của những tổ chức buôn người cũng ngày càng tinh vi và chặt chẽ. Kể từ sau khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng phát năm 2014, nhiều chính phủ các nước châu Âu đã áp dụng một chính sách nhập cư cứng rắn, buộc các băng nhóm buôn người phải tìm nhiều biện pháp tinh vi hơn để qua mặt nhà chức trách. Theo Cơ quan Tội phạm quốc gia Anh (NCA), kể từ khi Pháp đóng cửa các trại tị nạn trong năm 2016-2017, số người vượt biên vào Anh theo cách riêng lẻ giảm đi nhiều, thay vào đó những vụ vượt biên quy mô do các băng đảng tội phạm tổ chức lại tăng vọt. Đáng lo ngại là các đường dây buôn người ngày càng sử dụng nhiều biện pháp mạo hiểm hơn, bất chấp tính mạng của người di cư, trong đó có việc nhồi nhét hàng chục người trong thùng xe đông lạnh để vô hiệu hóa các thiết bị quét tầm nhiệt của an ninh biên giới, như trong vụ ở hạt Essex (Anh) vừa qua.   

Nguy cơ từ “giấc mộng đổi đời”   

Theo nghiên cứu của Văn phòng Phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trên toàn thế giới hiện nay ghi nhận khoảng 30 tuyến buôn bán người di cư lớn nhất. Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng "nhu cầu" đối với các đường dây buôn người rất cao, đặc biệt từ những người tị nạn. Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Nguyên nhân là do cuộc sống của những người muốn di cư tại nước của họ nghèo khổ hoặc họ lầm tưởng sẽ có một cuộc sống tốt hơn ở nơi xứ người.   

Theo các chuyên gia, Vương quốc Anh là nền kinh tế phát triển lớn thứ 5 thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trên 44.000 USD/năm và mức lương tối thiểu trên 8 bảng (230.000 đồng) mỗi giờ. Do đó, đây được xem là “miền đất hứa” đối với rất nhiều người ở các nước đang phát triển. Họ tìm mọi cách tới Anh với hy vọng "đổi đời" bất chấp việc Chính phủ Anh đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp.   

Và trên thực tế, ngay cả khi sống sót sau những hành trình vượt biên nguy hiểm, cũng không có gì bảo đảm người nhập cư trái phép sẽ có một cuộc sống bình yên ở những “miền đất hứa”.   

Để tìm cách đến với “miền đất hứa”, những người muốn tìm cách “đổi đời” đã thuê các đường dây tổ chức đưa người vào Anh một cách bất hợp pháp. Những người này có thể sẽ mất một vài tháng, thậm chí là lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp. Từ Pháp, những người này phải trốn trong các xe tải hay các tàu thuyền để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh. Các đường dây nói trên luôn "coi thường sự an toàn" của những người được đưa bất hợp pháp vào Anh. Nhiều người sẽ phải làm việc không lương trong ít nhất 2 năm để trả nợ cho những kẻ buôn người.   

Một số người khác lại lợi dụng kẽ hở của luật pháp nước sở tại, tìm kiếm và thuê người đã có quốc tịch Anh thực hiện kết hôn giả để bảo lãnh nhập cư vào Anh. Tuy nhiên, những người này cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro do các cơ quan quản lý Anh thường xuyên kiểm tra, giám sát xem họ có sinh sống cùng với người có tên trong đăng ký kết hôn hay không hoặc nguy cơ bị “đối tác” đe dọa tống tiền, cưỡng ép quan hệ tình dục…   

Ngoài ra, xin thị thực và nhập cảnh hợp pháp vào Vương quốc Anh rồi sau đó tìm cách trốn ở lại cũng là một cách để những người nhập cư bất hợp pháp thực hiện. Nhưng dù đi theo con đường nào, những người nước ngoài tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh đều phải chi ra một số tiền lớn. Sau khi đã vào Anh, họ phải tìm kiếm công việc để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, trả nợ...

Tuy nhiên, do không có giấy tờ hợp pháp nên họ thường không thể tìm kiếm được các công việc chính thức, được pháp luật bảo vệ và có thu nhập ổn định. Thay vào đó, họ phải làm các công việc nặng nhọc, bất hợp pháp và bị chủ sử dụng lao động bóc lột, trả công một cách rẻ mạt... Không ít người nhập cư lậu còn bị đưa đẩy đến những khu vực trồng “cỏ” (cần sa) trái phép, hay sa chân vào những băng đảng tội phạm và đối mặt với nhiều nguy hiểm đến thân thể, tính mạng cũng như rủi ro pháp lý nếu bị bắt. Và ngay cả khi họ có may mắn tìm được việc làm và thu nhập ổn định ở Anh thì nguy cơ bị bắt giữ và trục xuất cũng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể theo luật pháp sở tại, những người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ sẽ không thể tiếp cận với các dịch vụ cơ bản trong đời sống, từ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho tới nhà ở…     

Theo đánh giá của Cơ quan chống các tội phạm nghiêm trọng có tổ chức của Anh (SOCA) công bố năm 2011, những người được đưa bất hợp pháp vào Anh có thể bị bóc lột dưới nhiều hình thức, trong đó cao nhất là bị buộc phải bán dâm (31%), cưỡng bức lao động (22%), làm người giúp việc gia đình (11%) và làm các công việc phi pháp khác (17%)... Đây là bằng chứng cho thấy, cuộc sống ở “miền đất hứa” không hề hoàn hảo như những người nhập cư trái phép vẫn mơ ước.   

Và sự kiện đau lòng vừa xảy ra ở Anh lại tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với những người ôm giấc mơ đến “miền đất hứa” bằng mọi giá để đổi đời.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm