Nhìn lại thế giới 2020: Những lá chắn cần thiết trên không gian mạng

24/12/2020 14:54 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày cuối năm 2020, Australia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố dự luật chống lạm dụng người trưởng thành trên mạng, theo đó các nền tảng truyền thông xã hội sẽ buộc phải gỡ bỏ các thông tin có nội dung độc hại trong vòng 24 giờ. Luật này cũng cho phép Ủy viên về an toàn trên mạng Internet của Australia ra lệnh chặn quyền tiếp cận các nền tảng bỏ qua "một cách có hệ thống" yêu cầu gỡ bỏ thông tin. Dự luật mới mà Chính phủ Australia vừa công bố là một trong những sự việc điển hình của một năm nhiều nước tập trung siết chặt an ninh mạng, tăng cường kiểm soát các nội dung và hoạt động trên mạng nhằm ngăn chặn những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ không gian mạng. 

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới

Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Không phải bây giờ những nội dung độc hại, các thông tin thất thiệt, sai sự thật, kích động bạo lực, thù hận cực đoan… mới lan tràn trên mạng xã hội, mà thế giới đã phải đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống này từ lâu. Tuy nhiên, năm 2020, cùng với sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, những thông tin giả, sai lệch có thể nói đã “bùng nổ” trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là thông tin liên quan tới dịch bệnh. Đặc biệt, mối đe dọa này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi theo một khảo sát của  GlobalWebIndex, trong giai đoạn giãn cách xã hội, thời gian sử dụng mạng xã hội của người dân toàn cầu tăng trung bình 47% so với trước đó.

Thông tin sai lệch, xấu độc trên mạng được ví như loại virus nguy hiểm thậm chí còn gây tác hại hơn cả virus SARS-CoV-2, đến nỗi Liên hợp quốc (LHQ) hồi tháng 6 vừa qua đã phải phát động một chiến dịch mới chống phát tán thông tin sai lệch trên mạng, thông qua việc thúc đẩy thay đổi hành vi của người sử dụng mạng. Chiến dịch mang tên "Pause“ (Hãy tạm dừng), kêu gọi những người sử dụng các nền tảng số hóa dừng lại để suy nghĩ về thông tin mà họ định chia sẻ trước khi đăng tải lên mạng.

Bên cạnh đó, ngày càng có thêm nhiều quốc gia đưa ra chính sách ngăn chặn mối đe dọa từ không gian mạng. Có nước còn coi việc ban hành chiến lược, hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng như một trong những ưu tiên chính sách quốc gia để tạo dựng môi trường lành mạnh, bình đẳng cho tất cả các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động. Đây được coi là những "những lá chắn cần thiết" trên không gian mạng. Tại nhiều nước, các nền tảng công nghệ có hàng tỷ người dùng như  Facebook, Google, Twitter… cũng liên tục bị kiện, bị điều tra, thậm chí tạm thời bị cấm do chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng.  

Trên phạm vi châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố dự thảo luật kỹ thuật số mới, trong đó có điều khoản áp mức phạt tối đa 10% doanh thu với những nền tảng công nghệ, như Facebook, Twitter và TikTok... nếu không gỡ bỏ hoặc hạn chế những nội dung phạm luật. Dự thảo luật cũng có điều khoản cấm một số nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới hoạt động tại thị trường EU nếu vi phạm luật một cách nghiêm trọng và tái diễn vi phạm gây nguy hiểm cho an ninh của công dân châu Âu. Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn sẽ được đưa vào danh sách "người gác cổng" Internet, phải tuân theo các quy định cụ thể để hạn chế nguy cơ thao túng thị trường. EU cũng đang xem xét đề xuất thành lập một cơ quan để giám sát các công ty công nghệ lớn như Google và Facebook.

Vương quốc Anh đã  ban hành đạo luật mới cứng rắn, áp đặt ràng buộc về mặt pháp lý để các nền tảng truyền thông xã hội đảm bảo xử lý kỹ càng những nội dung độc hại như lạm dụng trẻ em, tin giả, các hoạt động bạo lực hay khủng bố... lan truyền trên Internet tại nước này. Anh cũng thành lập cơ quan quản lý để xử phạt các công ty cung cấp dịch vụ Internet vi phạm quy định, hoặc chặn quyền truy cập vào các trang web chứa nội dung độc hại, đồng thời buộc lãnh đạo các công ty công nghệ chịu trách nhiệm cá nhân về các vi phạm trên.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Facebook và Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN

Pháp đã thông qua đạo luật buộc các mạng xã hội phải loại bỏ nội dung "bất hợp pháp" trong 24 giờ. Ngoài ra, các nội dung mang tính chất nghiêm trọng hơn, như khủng bố, khiêu dâm trẻ em phải loại bỏ trong vòng một giờ sau khi được phát hiện, với mức phạt 1,25 triệu euro nếu không tuân thủ. Mức phạt theo dự luật của Chính phủ Áo nêu không gỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp lên tới 10 triệu euro (12 triệu USD).

Tại Nga, các nghị sĩ đã đề xuất một dự thảo luật cho phép Chính phủ Nga hạn chế một số nền tảng mạng xã hội nước ngoài được xác định là vi phạm quyền lợi của người Nga. Song song với đó, các cơ quan quản lý của Nga sẽ hạn chế quyền truy cập của người dùng Internet vào Twitter, Facebook và YouTube.

Trong khi đó, đầu tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ đã phạt các công ty Facebook, Instagram, Twitter, Periscope, YouTune và TikTok 10 triệu lira (1,2 triệu USD) vì không chỉ định đại diện tại quốc gia này theo quy định của luật mới. Luật này quy định các nền tảng xã hội có hơn 1 triệu lượt người dùng phải chỉ định đại diện tại Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách thực hiện các lệnh của tòa án yêu cầu dỡ bỏ những nội dung gây tranh cãi, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh mới, buộc các nền tảng công nghệ phải chịu trách nhiệm về những nội dung sai lệch và xấu độc, theo đó các công ty mạng xã hội phải tăng thêm nhiều nguồn lực để kiểm duyệt nội dung đăng tải.

Chú thích ảnh
Một trung tâm an ninh mạng. Ảnh: Transcosmos/TTXVN

Australia có luật quy định phạt nặng, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự người điều hành những doanh nghiệp truyền thông xã hội không dỡ bỏ kịp thời các nội dung cực đoan khỏi nền tảng của họ. Theo quy định, giám đốc điều hành các hãng có trụ sở tại nước này và nước ngoài có thể phải đối mặt mức án tối đa là 3 năm tù nếu bị kết tội, còn các công ty có thể bị phạt 7,5 triệu USD hoặc 10% doanh thu hàng năm, tùy thuộc vào con số nào lớn hơn. Tháng trước, quần đảo Solomon đã thông báo tạm cấm mạng xã hội Facebook hoạt động tại quốc gia này trong một khoảng thời gian "chưa xác định" sau khi xuất hiện nhiều thông tin không phù hợp lan truyền trên nền tảng xã hội này.

Tại châu Á, từ tháng 2, Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã thiết lập chế độ giám sát trên các nền tảng xã hội của nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội ở nước này, nhằm ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch. Cơ quan này đã gỡ bỏ một ứng dụng xã hội có tên Pipi Gaoxiao khỏi các cửa hàng ứng dụng vì cũng như gỡ bỏ một số tài khoản truyền thông và blogger vì tung tin giả.

Quốc hội Malaysia hồi tháng 7 đã thông qua quy định yêu cầu bất cứ ai sản xuất và đăng tải video lên mạng xã hội như TikTok, Instagram sẽ phải xin giấy phép từ cơ quan chức năng. Tại Singapore, các nền tảng internet, bao gồm các trang truyền thông xã hội như Facebook, được yêu cầu hành động nhanh chóng để hạn chế sự lan truyền tin giả bằng cách hiển thị các chỉnh sửa bên cạnh các bài đăng hoặc xóa chúng.

Tháng 9 vừa qua, Thái Lan đã thực thi hành động pháp lý đối với Facebook và Twitter do hai nền tảng này đã phớt lờ yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin không phù hợp. Theo Luật Tội phạm máy tính của Thái Lan, các nền tảng không tuân thủ phán quyết của tòa sẽ bị phạt tiền lên đến 200.000 balt (gần 6.400 USD), cộng với khoản tiền phạt 5.000 balt/ngày (gần 160 USD) đến khi thi hành lệnh.

Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có những chế tài đối với những người vi phạm các quy định của pháp luật trên không gian mạng, đăng phát các thông tin thất thiệt, lừa đảo, xuyên tạc, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.... Tháng 2 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một nghị định mới về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Nghị định này có 124 điều, quy định rõ hơn, chi tiết hơn về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực.

Bên cạnh việc chính phủ các nước siết chặt quản lý, các nền tảng công nghệ như Facebook hay Twitter cũng đối mặt với áp lực ngày càng lớn của xã hội trong việc chống thông tin xấu độc. Một chiến dịch mang tên #StopHateForProfit được khởi xướng từ ngày 17/6, kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này trong tháng 7. Chiến dịch thu hút gần 1.000 công ty tham gia, trong đó có nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Unilever, Coca-Cola, Lego, Ben & Jerry’s, The North Face, REI, Patagonia, Eddie Bauer...

Các nhà hoạt động mong muốn Facebook sẽ xây dựng một nền tảng an toàn hơn, đưa ra chính sách quyết liệt hơn để ngăn kẻ xấu phát tán thông tin giả, thông tin gây thù ghét, bạo lực, phân biệt chủng tộc... thay vì tiếp tục kiếm bộn tiền từ những nội dung gây phẫn nộ.

Năm 2020, Australia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt buộc các “đại gia” công nghệ như Google và Facebook phải trả tiền cho việc sử dụng nội dung tin tức lấy từ truyền thông địa phương.  Chính phủ đã công bố dự luật mới với mục tiêu đảm bảo các nền tảng truyền phát trực tiếp như Netflix hay Spotify phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất, các tác giả, các sản phẩm âm nhạc, sách truyện...nội địa.

Sau Pháp, Anh cũng công bố dự thảo luật áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu vượt quá 556 triệu euro và có mức thu tối thiểu 25 triệu euro từ các hoạt động thương mại tại Anh. Hàn Quốc, Ấn Độ, Chile, Mexico… cũng đang xem xét các dạng thuế mới tương tự nhằm vào các công ty công nghệ nước ngoài.

Có thể nói, với hàng loạt công cụ pháp lý cùng nhiều biện pháp mạnh tay hơn của các nước để siết chặt quản lý các nền tảng công nghệ, năm 2020, Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác cũng tăng cường các nỗ lực chống thông tin xấu độc, giả mạo, như gỡ bỏ hàng nghìn nội dung độc hại và thù ghét. Tuy nhiên, ngay trong những ngày cuối năm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về một làn sóng "bệnh dịch thông tin" gồm tin tức giả và thông tin sai lệch về vaccine ngừa COVID-19. Điều đó cho thấy “cuộc chiến” để bảo đảm an ninh mạng trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư này vẫn rất cam go, cần những biện pháp quyết liệt và đồng bộ ở các cấp độ quốc gia, khu vực cũng như thế giới để tạo ra những lá chắn cần thiết bảo vệ con người trong không gian mạng.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm