Nhật Bản sử dụng robot kiểm tra nhiên liệu phóng xạ tại nhà máy Fukushima

13/02/2019 16:06 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 13/2, cơ quan chức năng Nhật Bản đã bắt đầu triển khai hoạt động kiểm tra nhiên liệu phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima gặp sự cố sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011. Đây là hoạt động chủ chốt trong nỗ lực thu dọn sau sự cố hạt nhân.   

Công nhân nhà máy điện Fukushima bị bạch cầu do nhiễm phóng xạ

Công nhân nhà máy điện Fukushima bị bạch cầu do nhiễm phóng xạ

Trường hợp đầu tiên nhận được xác nhận bị nhiễm bệnh do rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima sau thảm họa "kép" động đất, sóng thần, người này ở độ tuổi 40, đã tham gia lắp đặt các tấm che phủ trên nóc các toà nhà của lò phản ứng.

Theo người phát ngôn TEPCO - công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hoạt động kiểm tra đang được tiến hành tại lò phản ứng số 2 - một trong 3 lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố.

Các robot đã được đưa vào bên trong lò phản ứng để các chuyên gia đánh giá tình trạng nhiên liệu phóng xạ bị tan chảy, qua đó xác định nhiên liệu có đủ ổn định để dọn đi hay có thể nát vụn khi có tiếp xúc. Dự kiến, quá trình thăm dò và đánh giá kéo dài 5 giờ đồng hồ. 

Chú thích ảnh
Một lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng. (Nguồn: Dailymail.co.uk)

Việc thu dọn nhiên liệu hạt nhân được xem là phần việc khó nhất trong công tác thu dọn sạch nhà máy Fukushima sau thảm họa hạt nhân.

Dự kiến, công tác thu dọn chính thức được triển khai sớm nhất vào năm 2021 và quá trình này sẽ kéo dài 40 năm. Hiện TEPCO đang "đau đầu" với một loạt vấn đề cần giải quyết, như xử lý một lượng lớn nước nhiễm xạ được cất giữ trong các thùng chứa tại nhà máy.   

Thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011 tại Nhật bản làm hơn 18.000 người thiệt mạng và mất tích, đồng thời gây ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ thảm họa Chernobyl ngày 26/4/1986.

    TTXVN/Lan Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm