Ngôi nhà in 3D đầu tiên mở ra hy vọng giải quyết khủng hoảng nhà ở tại Ấn Độ

28/04/2021 21:33 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/4, Công ty khởi nghiệp công nghệ Tvasta đã cho ra mắt một nhà ở được xây dựng bằng công nghệ in 3D đầu tiên ở Ấn Độ, hứa hẹn mang lại giải pháp cho tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ tại quốc gia này. Tvasta khẳng định công nghệ mới giúp quá trình làm nhà nhanh hơn, rẻ hơn và tiện hơn việc xây dựng truyền thống.

Lý Hải sử dụng công nghệ tranh 3D vào phim ‘Lật mặt: 48H’ độc đáo thế nào?

Lý Hải sử dụng công nghệ tranh 3D vào phim ‘Lật mặt: 48H’ độc đáo thế nào?

“Lật mặt: 48H” của Lý Hải trở thành bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên sử dụng công nghệ poster tranh 3D với khổ 1m2*2m4 hoành tráng, hiện đại nhất.

Ngôi nhà ở đầu tiên hoàn thiện bằng công nghệ in 3D được Tvasta xây tại thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ, có thiết kế 1 tầng, rộng khoảng 56m2. Nhà đồng sáng lập Tvasta Adithya Jain cho biết nhà ở xây bằng công nghệ in 3D được hoàn tất trong 5 ngày và có thể ở được luôn. Vì vậy, kỹ thuật này rất thích hợp để dùng cho chương trình nhà ở giá rẻ của chính phủ, cũng như cho các chương trình tái định cư sau thảm họa. Jain cho biết kỹ thuật xây dựng truyền thống thường mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn, nên nhiều người sẽ e ngại khi phải xây nhà hoặc lựa chọn ở trong những ngôi nhà chất lượng kém. Tuy nhiên, với công nghệ in 3D các trở ngại trên đều được khắc phục mà chất lượng nhà ở vẫn đảm bảo, có thể chống chọi với các thảm họa như động đất, bão lốc tốt hơn nhiều so với những khu nhà ở chất lượng thấp hiện nay.

Hiện công nghệ in 3D đang dần trở nên thịnh hành trên toàn thế giới, trong đó có những dự án đã tạo ra nhà ở với khoảng thời gian in vỏn vẹn 24 giờ và giá khoảng vài nghìn USD. Trên thế giới hiện có hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà ở in 3D. Theo công ty tư vấn Research and Markets, giá trị ước tính của thị trường nhà ở này có thể tăng lên mức hơn 1,5 tỷ USD trước năm 2024. Khác với những ứng dụng công nghệ in 3D khác- như thiết bị y tế- quy trình in vật liệu xây dựng sử dụng một số dạng bê tông khô nhanh, đổ ép khuôn chính xác bằng máy đùn do máy tính điều khiển.

Công nghệ in 3D, Coid-19, tình hình Covid-19, Covid-19 Ấn Độ, khủng hoảng nhà ở, nhà in 3D
Ngôi nhà được xây dựng bằng công nghệ in 3D (Ảnh minh họa)

Công nghệ in 3D nhà ở của Tvasta được phát triển trong nước, không chỉ giúp giảm thời gian xây dựng mà còn giảm lãng phí và chi phí rẻ hơn 30% so với xây dựng truyền thống. Những ngôi nhà này cũng được thiết kế để chống chịu các điều kiện thời tiết vùng nhiệt đới. Theo Jain, không chỉ giảm khí thải carbon trong quá trình xây dựng mà các nhà ở sử dụng công nghệ in 3D của Tvasta còn giảm phát thải trong cả quá trình tồn tại. Tvasta là một phần của dự án ươm mầm những startup (công ty khởi nghiệp) thuộc Bộ Nhà ở và các vấn đề đô thị của Ấn Độ, khuyến khích sử dụng các công nghệ đột phá để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở giá rẻ tại quốc gia này.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ tạo ra 20 triệu nhà ở đô thị mới và 30 triệu nhà ở nông thôn trước năm 2022, theo kế hoạch Housing For All. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá việc triển khai kế hoạch này trong thời gian qua diễn ra chậm chạp. Hiện nay, theo thống kê chính thức, tại Ấn Độ có khoảng 1 triệu người vô gia cư sống vật vờ ở các đô thị. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện ước tính con số thực tế có thể cao hơn gấp 3 lần. Khoảng 65 triệu người dân Ấn Độ sống trong các khu ổ chuột, vốn đang trở thành những điểm nóng dịch bệnh COVID-19. Các nhà kinh tế học đều cho rằng việc cung cấp nhà ở giá rẻ giúp tháo gỡ vấn đề bất bình đẳng trong xã hội là cách để các chính phủ giúp nền kinh tế nước nhà khôi phục sau đại dịch COVID-19.

Lê Ánh TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm