Ngày Nhân đạo thế giới: Sức lan tỏa của những 'nữ anh hùng thầm lặng'

19/08/2019 16:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Hằng năm, Liên hợp quốc lấy ngày 19/8 làm Ngày Nhân đạo thế giới nhằm tôn vinh những tình nguyện viên nhân đạo luôn quên mình thực hiện mọi nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới. Đây cũng là ngày kêu gọi sự ủng hộ dành cho những người dân kém may mắn phải sống trong các điều kiện nhân đạo tồi tệ ở nhiều vùng khủng hoảng và xung đột.   

Syria: LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21 tại Idlib

Syria: LHQ cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế kỷ 21 tại Idlib

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) phụ trách các vấn đề về nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock (Mắc Lâu-cốc) ngày 10/9 cảnh báo rằng một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào phe nổi dậy hiện đang kiểm soát tỉnh Idlib (Ít-líp), miền Tây Bắc Syria, có thể gây ra "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất" trong thế kỷ này. 

Với mục tiêu tôn vinh những đóng góp của nữ giới trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề cho ngày 19/8 năm nay là "Những phụ nữ nhân đạo" (Women Humanitarian), mà LHQ gọi là "những nữ anh hùng thầm lặng", cống hiến cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo tại chính cộng đồng mà họ sinh sống ở những vùng khó khăn trên thế giới, từ Afghanistan chìm trong khói lửa chiến tranh, tới vùng Sahel nơi nạn đói vẫn hoành hành nhiều năm qua. Đó là những người phụ nữ ở CH Trung Phi, Nam Sudan, Syria và Yemen, những người đã mất đi mái ấm và xóm làng của chính mình vì chiến tranh, bạo loạn và nghèo đói. Và đó là những nữ nhân viên nhân đạo luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay cứu giúp những người khốn khó và nỗ lực để duy trì những giá trị nhân đạo cốt lõi của loài người ở nhiều nơi trên thế giới.   

Với đức hy sinh cao cả, người phụ nữ khắp nơi trên toàn thế giới đã đóng góp đáng kể cho lực lượng cứu trợ nhân đạo, đôi khi quên cả mạng sống của chính mình để cứu giúp những người khó khăn hơn. Đó là những người đầu tiên giơ tay cứu giúp và là những người cuối cùng rời bỏ một hoàn cảnh khó khăn, khi mọi hy vọng đều đã nguội tắt. Họ là những người xứng đáng được tôn vinh. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều bất ổn, khủng hoảng nhân đạo tiếp diễn ở nhiều nơi, những con người ấy càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong những nỗ lực nhân đạo toàn cầu. Liên hợp quốc kêu gọi các lãnh đạo trên toàn thế giới và các cơ quan có ảnh hưởng đảm bảo quyền được bảo vệ cho những nữ anh hùng này theo đúng luật pháp quốc tế.   

Chú thích ảnh
Một nữ tình nguyện viên nhân đạo cho trẻ uống thuốc. Nguồn: blog.brac.net

Khi bất bình đẳng giới vẫn là thách thức toàn cầu, xung đột tiếp diễn ở nhiều nơi, điều kiện sinh sống và làm việc của phụ nữ vẫn cần được tiếp tục được cải thiện, việc một người phụ nữ tham gia các hoạt động nhân đạo đòi hỏi nhiều can đảm hơn bao giờ hết. Dù hoạt động trong mọi lĩnh vực nhân đạo, từ xử lý khủng hoảng tới cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, những phụ nữ làm công tác nhân đạo vẫn hằng ngày đối mặt với không ít trở ngại chỉ vì họ là phụ nữ. Tại Sudan, họ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ an toàn cá nhân như bị tấn công tình dục, phân biệt giới tính và nạn thành kiến với phụ nữ. Các nữ nhân viên y tế và hỗ trợ đội ngũ y tế tại CHDC Congo luôn trong trạng thái sẵn sàng đương đầu với các cuộc tấn công của phiến quân hoặc sự ngăn cản  của các tộc người khi tiến hành các nỗ lực phòng chống Ebola.

Trên những con tàu cứu nạn ngoài khơi Địa Trung Hải, những phụ nữ làm công tác nhân đạo phải lênh đênh trên biển nhiều ngày với những người di cư bất ổn cả về thể chất và tinh thần khi tàu của họ không được phép cập bất kỳ một bến bãi nào... Ở những nơi chiến tranh loạn lạc như Syria hay Yemen, mạng sống của họ nhiều lúc chỉ dựa trên sự may mắn, nhiều người hoạt động nhân đạo tại Nigeria vẫn đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc và tấn công tình dục bất kỳ khi nào. Theo thống kê của Dự án An ninh nhân viên nhân đạo (AWSD), số nạn nhân thiệt mạng khi làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới gia tăng liên tục từ 88 người năm 2007 lên tới 139 người năm 2017. Riêng trong năm 2017, 174 nhân viên cứu trợ nhận đạo bị thương hoặc bị bắt cóc trong các vụ tấn công nghiêm trọng. Số người thiệt mạng năm 2017 tăng 30% so với năm 2016 phản ánh thực tế ngày càng khắc nghiệt trong môi trường làm việc của các nhân viên hỗ trợ nhân đạo.   

Trong lá thư gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra tại Pháp vào cuối tháng này, hơn 300 phụ nữ làm công tác nhân đạo và những người ủng hộ đã cùng kêu gọi các lãnh đạo G7 lắng nghe những nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái tại những vùng chiến tranh và khủng hoảng. Dù làm việc cho các tổ chức nhân đạo hay hỗ trợ chính gia đình và cộng đồng mình sinh sống, những người phụ nữ và trẻ em gái luôn là những đại diện thầm lặng cho tiến trình tái sinh tại những vùng khó khăn nhất trên thế giới. Họ cùng nhau đấu tranh vì những người bị lãng quên, vì những người bị xâm phạm quyền công dân và vì những người cần được giúp đỡ. Nhưng những biện pháp thực sự để vinh danh những con người này hiện vẫn còn quá khiêm tốn.   

Trên thực tế, nguồn lực để ngăn chặn nạn bạo lực giới vẫn quá ít, các chương trình chuyển đổi dự phòng trong các lĩnh vực giáo dục và đời sống dành cho phụ nữ vẫn nghèo nàn, nỗ lực ngăn chặn nạn tấn công, khai thác và lạm dụng tình dục còn chậm trễ, quỹ hỗ trợ cho các tổ chức phụ nữ còn nhỏ giọt...Tất cả những điều đó cho thấy khoảng cách từ những lời kêu gọi tới hành động thực tế vẫn còn xa, thiếu những hành động quyết liệt và hiệu quả.

Hội nghị G7 sắp tới là hội nghị đầu tiên trong số những sự kiện quốc tế sẽ diễn ra trong 18 tháng tới, nơi mà các nhà lãnh đạo sẽ cùng đánh giá những thành tựu xóa bỏ bất bình đẳng giới trong 25 năm qua kể từ Tuyên bố Bắc Kinh. Nhưng đó sẽ chỉ là những lời nói xuông khi tiếng nói của nhiều phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt những người làm công việc nhân đạo, vẫn chưa được lắng nghe. Bức thư kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 góp tiếng nói để đảm bảo những hội nghị quốc tế sau đó sẽ thảo luận về cách bảo vệ và tăng cường quyền lực cho những người phụ nữ bị bỏ lại phía sau, lắng nghe tiếng nói của họ và đưa ra những kế hoạch hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn.   

Trong bài phát biểu nhân ngày Nhân đạo thế giới 19/8/2019, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những người phụ nữ nhân đạo đã tạo nên những khác biệt lớn khi giúp đỡ hàng triệu người phụ nữ, nam giới và trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp. Họ là những lực lượng tuyến đầu trong mọi công tác từ hỗ trợ dân thường những vùng khủng hoảng tới các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Sự hiện diện cuả phụ nữ giúp các chiến dịch nhân đạo hoạt động hiệu quả hơn, có sức lan tỏa rộng hơn. Ông kêu gọi mọi nhà lãnh đạo trên thế giới và các bên liên quan trong các cuộc khủng hoảng đảm bảo an toàn cho các nữ nhân đạo viên theo quy định luật pháp quốc tế, điều tra và nghiêm trị những hành động gây cản trở và làm tổn hại tới những nỗ lực nhân đạo cũng như những người thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo.   

Ngày Nhân đạo thế giới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thống nhất thiết lập từ tháng 12/2008 và được kỷ niệm lần đầu tiên vào ngày 19/8/2009. Suốt 10 năm qua, hoạt động nhân đạo càng trở nên thiết yếu trong bối cảnh thực tế ghi nhận khủng hoảng kinh tế và các thách thức toàn cầu như nghèo đói, các vấn đề y tế, xã hội và an ninh ngày càng gia tăng.

Lê Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm