Mỹ và Nga chính thức rút khỏi INF: Bước đi đầy nguy hiểm

03/08/2019 17:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ đã tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2-8. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận chấm dứt hiệu lực của hiệp ước INF vốn được hai nước ký hồi tháng 12-1987. Bước đi này của hai cường quốc hạt nhân đã khiến hiệp ước INF chính thức bị “khai tử”.

Nga khẳng định Mỹ mắc sai lầm khi rút khỏi INF

Nga khẳng định Mỹ mắc sai lầm khi rút khỏi INF

Ngày 2/8, Nga nhận định Mỹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh với Nga.

Từ nay, Nga và Mỹ sẽ không còn chịu sự ràng buộc của cơ chế kiểm soát vũ khí quan trọng INF và điều này đang khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới trong tương lai với hậu quả không thể lường trước được.

INF chính thức bị xé bỏ  

Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký ngày 8-12-1987.      

Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh Liên Xô lúc đó đã triển khai gần 400 đầu đạn hạt nhân hướng về phía Tây Âu, trong khi Mỹ cũng đã phản ứng với việc bố trí các tên lửa Pershing và tên lửa hành trình ở châu Âu. Do đó, Hiệp ước INF khi được ký kết đã mở ra một nền tảng bảo vệ cho các đồng minh châu Âu của Mỹ và đánh dấu một thỏa thuận quan trọng giữa hai nước là trung tâm của cuộc chạy đua vũ trang trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.   

Theo thỏa thuận hạt nhân INF, Liên Xô trước đây (nước Nga ngày nay) và Mỹ cam kết không phát triển, thử nghiệm hoặc triển khai các tên lửa hạt nhân và thông thường tầm ngắn và tầm trung (tầm bắn từ 500-5.500 km). Từ khi hiệp ước có hiệu lực vào ngày 1-6-1988, đến tháng 6-1991, Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa và Mỹ thủ tiêu 846 tên lửa. Các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong hơn ba thập niên qua, INF được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ, duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực châu Âu.   

Chú thích ảnh
Nga và Mỹ đã chính thức khai tử hiệp ước INF

Tuy nhiên, những năm gần đây, cả Nga và Mỹ đều liên tục cáo buộc nhau vi phạm INF. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước vì chế tạo tên lửa “Novator 9M729”, loại tên lửa mà Mỹ cho là có tầm bắn tới 2.600 km, trong khi  Nga cho rằng loại tên lửa này hoàn toàn đáp ứng các quy định của INF. Nga cũng tố cáo Mỹ vi phạm INF khi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania.   

Vì những tranh cãi trên nên Mỹ đã quyết định ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2-2-2019 và bắt đầu kích hoạt một tiến trình 6 tháng để hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước này vào ngày 2-8-2019. Nga đã bác bỏ cáo buộc và cũng đình chỉ việc tuân thủ hiệp ước INF từ đầu tháng 7 vừa qua.   

Trong một động thái nhằm xác nhận việc ngừng thực hiện các cam kết của INF, ngày 2-8-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cáo buộc Nga cố ý vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh này. Phát biểu trong một hội nghị khu vực diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, ông Pompeo khẳng định: "Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước có hiệu lực từ ngày 2-8, Nga là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm cho sự chấm hết của hiệp ước".   

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một phát biểu trước báo giới ngày 2-8 còn yêu cầu Nga và Trung Quốc phải cùng tham gia một hiệp ước hạt nhân mới. Ông Trump nhấn mạnh mọi hiệp ước mới nhằm ngăn chặn hoạt động gia tăng các loại tên lửa hạt nhân đều cần phải có sự tham gia của Trung Quốc.   

Phản ứng trước việc Mỹ chính thức rút khỏi INF, ngày 2-8, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo chính thức tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Bộ Ngoại giao Nga gọi quyết định của Mỹ là một "sai lầm nghiêm trọng" và nhấn mạnh Mỹ đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận INF, việc Mỹ từ bỏ INF là vì lợi ích riêng chứ không phải do những cáo buộc Nga vi phạm.   

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi Mỹ thực thi một lệnh đình chỉ triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung. Ông Ryabkov nhấn mạnh, nếu Mỹ không triển khai tên lửa tầm trung ở một số khu vực thì Nga cũng sẽ không làm điều này. Ngoài ra, ông Ryabkov cũng đề nghị NATO cam kết không triển khai các tên lửa hạt nhân ở châu Âu.

Phản ứng của các nước  

Thời gian qua, những căng thẳng giữa Nga và Mỹ về INF đã khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga và Mỹ đối thoại để cứu vãn INF và tránh khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, Mỹ cuối cùng vẫn tuyên bố chính thức rút khỏi INF vào ngày 2-8.   

Trước nguy cơ bất ổn gia tăng do INF bị chấm dứt, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 2-8 đã bày tỏ rất lấy làm tiếc về việc Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ đã chính thức chấm dứt, đồng thời kêu gọi Moskva và Washington có "một khởi đầu mới" và sớm tiến hành đàm phán về những giải pháp kiểm soát vũ khí trong thời gian tới. Ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh những diễn biến gây bất ổn và tìm kiếm sự đồng thuận để có được hướng đi mới trong việc kiểm soát vũ khí quốc tế.   

Bộ Ngoại giao Ba Lan ngày 2-8 cho biết Nga phải chịu trách nhiệm cho sự đổ bể của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau khi Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước mang tính bước ngoặt ký hồi năm 1987 này.   

Đồng quan điểm với Ba Lan, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 2-8 cũng tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa hai nước, đồng thời khẳng định Anh hoàn toàn ủng hộ phản ứng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).   

Trong khi đó, Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp ngày 2-8 đã bày tỏ sự hối tiếc trước "cái chết" của hiệp ước tên lửa trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga, đồng thời cảnh báo vụ việc này sẽ làm gia tăng nguy cơ bất ổn ở châu Âu. Pháp tái khẳng định cam kết về chính sách kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị thực tế, có thể xác nhận và dựa trên luật pháp, đồng thời khuyến khích Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới về kho vũ khí hạt nhân của họ sau năm 2021 và đàm phán về một hiệp ước thay thế.   

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì cho rằng, một hiệp ước quốc tế mới, thay thế Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) cần bao gồm sự tham gia của cả Trung Quốc, song ông Maas cũng nhấn mạnh cho tới nay Bắc Kinh vẫn hành động kín đáo trong vấn đề này.  

Hiện Trung Quốc vẫn  khẳng định lập trường phản đối việc đa phương hóa hiệp ước INF vì cho rằng, tốt hơn là Mỹ nên cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân của nước này theo tinh thần của các bản hiệp ước đang có hiệu lực, thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho các nước khác.   

Chú thích ảnh
Mỹ và Nga ký kết hiệp ước hạt nhân INF năm 1987. Ảnh: REUTERS

Hệ lụy khôn lường   

Việc Nga và Mỹ chính thức tuyên bố chấm dứt hiệu lực của hiệp ước INF đã phản ánh một thực tế rằng Nga và Mỹ đã không thể tìm được tiếng nói chung qua đối thoại để “cứu” INF. Dường như lập trường cứng rắn của cả hai đã khiến các cuộc đàm phán trong vòng 6 tháng qua kể từ thời điểm Mỹ “kích hoạt” thủ tục rút khỏi INF vào ngày 2-2-2019 đã không đem lại kết quả, thậm chí còn có nguy cơ ảnh hưởng tới Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START) vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.   

Khi INF bị xóa bỏ, thế giới hiện giờ sẽ chỉ còn có thể dựa vào 1 thỏa thuận duy nhất là Hiệp ước START mới để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh. START mới được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 thiết bị phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Nga và Mỹ có nghĩa vụ phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng theo định kỳ 2 lần/năm.         

Tuy nhiên, hiệp ước START mới sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và dường như Nga và Mỹ không mấy thiện chí đàm phán gia hạn văn kiện này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới đây cũng đã cảnh báo, hiệp ước này chưa hoàn thiện và vì vậy nhiều khả năng sẽ không được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào tháng 2-2021.   

Việc INF hết hiệu lực, trong khi START mới nhiều khả năng không được gia hạn, sẽ đánh dấu lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ sẽ không có khả năng để kiểm soát và xác minh vũ khí lẫn nhau, đồng thời cũng sẽ không bị hạn chế về kho vũ khí hạt nhân của mình. Không bị ràng buộc bởi INF, Mỹ sẽ có thể tự do phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung, và Nga cũng vậy. Sự cạnh tranh giành ưu thế về tên lửa giữa Mỹ và Nga cũng như các cường quốc khác vì thế có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân rất khó kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của thế giới.   

Theo giới chuyên gia, hiện đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga và Mỹ đang rục rịch cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo Bộ quốc phòng Mỹ, quân đội nước này sẽ đẩy nhanh hoạt động phát triển những hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mới để thách thức Nga tại châu Âu. Minh chứng cho điều này là việc ngay sau khi tuyên bố chính thức rút khỏi INF, ngày 2-8, phát ngôn viên Lầu Năm góc Jonathan Hoffman cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ hoàn toàn theo đuổi việc phát triển các loại tên lửa thông thường được phóng từ mặt đất, và xem đây là sự đáp trả khôn ngoan trước những hành động của Nga. Giới quan sát nhận định, các vụ thử tên lửa của Mỹ có thể diễn ra trong vài tuần tới, sẽ là “phát súng khởi đầu” cho một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga sau khi INF chính thức hết hiệu lực.   

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đặt thời hạn cho các lực lượng chức năng nước này trong 2 năm tới phải tăng tầm bắn của các loại tên lửa đang được phát triển. Ông Jon Wolfsthal - Giám đốc Nhóm khủng  hoảng hạt nhân - nhận định, Nga sẽ tiếp tục chế tạo và triển khai các tên lửa tầm trung, làm tăng đáng kể rủi ro cho châu Âu và nguy cơ leo thang với Mỹ.   

Những bước đi “nguy hiểm” trên từ hai cường quốc hạt nhân đang khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại. Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi đầu tiên khiêu khích nào cũng sẽ nhận rủi ro, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai đối thủ, gây nguy hiểm cho hàng triệu công dân châu Âu cũng như thế giới. Không những vậy, các nhà phân tích còn nhận định, cuộc chạy đua vũ trang mới trong tương lai sẽ không chỉ bao gồm sự tham gia của Nga và Mỹ, mà còn kéo theo cả các cường quốc khác vốn đang tìm mọi cách để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều này sẽ càng làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu.   

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế mong muốn Mỹ và Nga nên mời các cường quốc hạt nhân khác cùng tham gia đàm phán để xây dựng một cơ chế kiểm soát vũ khí thực sự, là cơ chế pháp lý không chỉ dành riêng cho Nga và Mỹ, mà còn là cơ chế chung để ràng buộc tất cả các quốc gia, nhằm ngăn ngừa các cuộc xung đột bằng tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung, đồng thời chống sự châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, đe dọa đến an ninh và sự ổn định ở châu Âu cũng như thế giới.

 An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm